Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Thời điểm này đang bước vào giai đoạn mùa khô, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng xảy ra. Vì vậy, các cấp, ngành và Nhân dân huyện Phong Thổ tích cực, chủ động triển khai các giải pháp đồng bộ phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); chăm sóc, bảo vệ rừng (BVR). Qua đó, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ 'lá phổi xanh', giúp bà con hưởng lợi từ rừng.

Huyện Phong Thổ có trên 44 nghìn héc ta rừng phân tán ở 17 xã, thị trấn trên địa bàn. Trong đó, các xã: Lản Nhì Thàng, Nậm Xe, Sin Suối Hồ, Bản Lang có diện tích rừng nhiều nhất. Tỷ lệ che phủ rừng 44,03%.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Tuân - Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Phong Thổ cho biết: Phát huy vai trò nòng cốt, hàng năm, đơn vị chủ động tham mưu UBND huyện và Ban Chỉ huy PCCCR của huyện ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai, thực hiện công tác quản lý, BVR, PCCCR mùa khô và cả năm. Xây dựng kế hoạch và tổ chức các đợt kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn, các chủ rừng trong công tác BVR, PCCCR. Đồng thời chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với các tổ chuyên trách BVR thôn, bản tăng cường tuần tra rừng tại các khu vực trọng điểm trong mùa khô, nhất là ở các xã vùng thấp: Lản Nhì Thàng, Mường So, Nậm Xe. Thường xuyên kiểm tra và quản lý chặt chẽ việc sử dụng phương tiện, thiết bị, dụng cụ PCCCR đảm bảo sẵn sàng khi có cháy xảy ra. Thời điểm bước vào mùa khô, tổ chức kiểm soát việc đốt nương của bà con; hướng dẫn các hộ phát, đốt nương đảm bảo.

Tổ chuyên trách bảo vệ rừng ở xã Lản Nhì Thàng (huyện Phong Thổ) tuần tra phát đường băng cản lửa.

Tổ chuyên trách bảo vệ rừng ở xã Lản Nhì Thàng (huyện Phong Thổ) tuần tra phát đường băng cản lửa.

Xác định công tác tuyên truyền là giải pháp quan trọng nhất làm thay đổi ý thức, nhận thức và hành vi của người dân trong công tác BVR, PCCCR. Vì thế, hàng năm, sau khi kiện toàn, Ban Chỉ huy PCCCR huyện chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường phối hợp với các đoàn thể, kiểm lâm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Lâm nghiệp dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú: tuyên truyền miệng trực tiếp có dẫn chứng hình ảnh, pano ở các buổi sinh hoạt, họp thôn, bản, khu dân cư; bài tuyên truyền phát trên hệ thống loa phát thanh ở cơ sở. Tổ chức ký cam kết BVR, PCCCR giữa UBND các xã, thị trấn với trưởng thôn, bản và giữa trưởng thôn, bản với các hộ dân. Năm 2021, các cấp, các ngành huyện Phong Thổ tổ chức được gần 200 buổi tuyên truyền, thu hút hơn 13 nghìn lượt người nghe. 171 trưởng, thôn, bản ký cam kết BVR, PCCCR với 6.605 hộ dân và lãnh đạo UBND 17 xã, thị trấn. Duy trì 171 tổ chuyên trách BVR.

Chú trọng phát huy tinh thần, vai trò của các tổ chuyên trách BVR các thôn, bản, khu dân cư; nhóm hộ, hộ gia đình nhận khoán khoanh nuôi chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Ông Voòng Cá Lành ở tổ dân phố Pa So (thị trấn Phong Thổ) chia sẻ: Từ những năm 2004, tôi và một số hộ dân nhận quản lý và bảo vệ hơn 220ha rừng. Mỗi năm, các gia đình lại trồng dặm thêm các cây lấy gỗ vào khu vực đất rừng trống; sửa lại đường băng cản lửa, nhất là những tháng mùa khô, chúng tôi thay phiên nhau đi phát các tuyến đường đi rậm rạp đảm bảo đường thông suốt, phòng có cháy rừng xảy ra sẽ kịp thời chữa cháy nhanh nhất. Năm 2020, gia đình được giao lại quản lý hơn 100ha rừng, từ đó đến nay, tuần nào, các thành viên trong gia đình, 2 nhân công thuê cũng đi tuần tra liên tục. Cứ chỗ nào rừng không phát triển, tôi lại trồng thêm cây. Tôi luôn tâm niệm “Còn rừng là còn sự sống”. Cũng nhờ chăm sóc và BVR, gia đình thu được nguồn lớn từ phụ phẩm, mấy năm gần đây hưởng thêm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) hơn 80 triệu đồng/năm.

Thực hiện quy chế phối hợp giữa huyện Phong Thổ với các đơn vị giáp ranh: thành phố Lai Châu, Tam Đường, Sìn Hồ và huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) trong công tác quản lý BVR, PCCCR và quy chế phối hợp giữa các xã giáp ranh trên địa bàn huyện về công tác quản lý BVR cũng được các cấp, các ngành chú trọng thực hiện tốt. Thông qua việc thống nhất quan điểm chủ trương, công tác trao đổi thông tin, tuần tra chung, tuyên truyền tại khu vực giáp ranh góp phần ngăn chặn tình trạng cháy, phá rừng, xâm canh, xâm cư. Đồng thời, huyện siết chặt thực hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp: khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái phép…

Bên cạnh đó, công tác chi trả DVMTR cũng được huyện biên giới chỉ đạo quyết liệt với tinh thần “sớm, nhanh gọn, hiệu quả”. Đến thời điểm này, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương chi trả xong tiền DVMTR cho Nhân dân 16/17 xã, thị trấn. Hiện tại còn xã Mường So hoãn thời gian chi trả do ảnh hưởng của dịch Covid-19; ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát trên địa bàn, ban và xã sẽ thực hiện chi trả cho bà con. Nhờ đó, bà con nâng cao ý thức trong việc BVR, không đốt nương làm cháy rừng để hưởng lợi.

Với sự thay đổi nhận thức, hành vi của Nhân dân và những nỗ lực của các cấp, các ngành huyện Phong Thổ, tin rằng năm 2022 sẽ không có vụ cháy rừng nào xảy ra. Các địa phương tiếp tục thực hiện các dự án trồng rừng thay thế, trồng quế, trồng chè cổ thụ để nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/ph%C3%B2ng-ch%E1%BB%91ng-ch%C3%A1y-r%E1%BB%ABng-m%C3%B9a-kh%C3%B4