Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Ngày nay, đời sống vật chất ngày càng được cải thiện và nâng cao đã làm thay đổi đáng kể đời sống tinh thần của nhiều gia đình, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Mỗi gia đình có ý thức hơn trong xây dựng, vun vén, thắp lửa yêu thương, từ đó tiến tới xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc.

Ngày nào cũng vậy, hết giờ làm việc chị Vũ Thị Ngọc Oanh (ở tổ 5, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) cùng chồng đến trường đón các con đi học về rồi vui chơi cùng chúng trước khi chuẩn bị nấu cơm tối. Tiếng cười giòn tan của trẻ cũng làm cho những nhà hàng xóm bên cạnh vui theo. Trong gia đình chị Oanh có 3 thế hệ (mẹ chồng, anh chị và con cái) cùng chung sống vui vẻ, hòa thuận, là niềm hạnh phúc vô bờ bến mà nhiều gia đình đều ao ước.

Chia sẻ với chúng tôi về bí quyết “giữ lửa” hạnh phúc gia đình, chi Oanh cười: Cũng chẳng phải bí quyết gì đâu, trong gia đình, vợ chồng tôi thống nhất quan điểm là cùng chia sẻ với nhau công việc nhà, nuôi dạy con cái. Hàng ngày, hai vợ chồng thay nhau đưa con đi học; chiều về lúc tôi nấu cơm thì chồng sẽ chơi với các con, tắm cho chúng. Buổi tối thì cùng các con học bài, hai vợ chồng cũng không quá áp đặt chuyện học hành, chủ yếu là rèn cho con tính tự giác, tự lập, quyết định sở thích của mình. Cuối tuần cả nhà cùng nhau vệ sinh nhà cửa; đưa các con đi chơi. Bây giờ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hạn chế ra ngoài, để các con không nhàm chán khi ở nhà, vợ chồng tôi mua đồ vẽ, đồ chơi nấu ăn cho con sáng tạo. Với tôi, quan điểm sống với mẹ chồng là “đơn giản hóa mọi chuyện” nên mọi người rất thoải mái với nhau.

Các thế hệ trong gia đình người Thái ở xã Mường Cang (huyện Than Uyên) cùng nhau luyện tập hát then, đàn tính để bảo tồn văn hóa của dân tộc.

Các thế hệ trong gia đình người Thái ở xã Mường Cang (huyện Than Uyên) cùng nhau luyện tập hát then, đàn tính để bảo tồn văn hóa của dân tộc.

Việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, bình đẳng những năm qua luôn được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện với nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Cùng với đó là nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), các câu lạc bộ (CLB) “Gia đình phát triển bền vững”...

Mô hình CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững” do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chọn làm điểm ở xã Thân Thuộc (huyện Tân Uyên) được đánh giá hoạt động tương đối hiệu quả và hướng tới nhân rộng ra các địa bàn khác. Tham gia CLB, các gia đình đến sinh hoạt đầy đủ theo định kỳ. Nhiều gia đình có cả vợ và chồng cùng tham gia. Nội dung sinh hoạt là những câu chuyện hàng ngày, chia sẻ về cuộc sống, cách giữ gìn tình cảm vợ chồng, nuôi dạy con cái… Ngoài ra, các thành viên còn phân tích, thảo luận thêm về nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người trong gia đình. Từ đó, các “đấng mày râu” mới vỡ lẽ ra đây không chỉ là việc của riêng người vợ, người mẹ như quan niệm trước đây mà thấu hiểu được rằng gia đình đó có những đứa con ngoan hay không, có hạnh phúc hay không phải được xây dựng từ hai phía. Hôn nhân giống như cái cây, cần nuôi dưỡng, tưới tắm thường xuyên thì mới tươi tốt. Còn nếu bỏ mặc, nó sẽ trở nên cằn cỗi, xác xơ, thiếu sức sống. Ý nghĩa sâu xa của hôn nhân-hạnh phúc-gia đình đã được các gia đình hiểu rõ và từ đó có ý thức xây dựng hơn.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nguyên-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Uyên cho biết, Huyện hội sẽ tiếp tục nghiên cứu để mở rộng mô hình CLB ra các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Những năm gần đây, tình trạng bạo lực gia đình (cả thể xác và tinh thần) đã giảm đi nhiều. Bằng chứng là không có các trường hợp mâu thuẫn gia đình gây bạo lực khiến các tổ hòa giải cộng đồng hoặc tổ chức đoàn thể phải vào cuộc can thiệp và báo cáo lên cấp trên.

Nhiều năm qua, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình của tỉnh phối hợp trong việc triển khai các hoạt động về công tác gia đình; đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân PCBLGĐ, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác gia đình. Các cấp, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ, Ngày Gia đình Việt Nam (28/6)...

Phụ nữ xã Thân Thuộc (huyện Tân Uyên) tham gia biểu diễn văn nghệ.

Phụ nữ xã Thân Thuộc (huyện Tân Uyên) tham gia biểu diễn văn nghệ.

Trong năm 2021, toàn tỉnh tổ chức 6 cuộc truyền thông về thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; mở 11 lớp tập huấn phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, PCBLGĐ và hướng dẫn thành lập mô hình tiết kiệm với 451 người tham dự. Sản xuất 1 phim tuyên truyền với chủ đề “Con đường đến trường”; tổ chức 135 lượt tuyên truyền lưu động tại các khu dân cư, 1.000 lượt tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh duy trì 73 mô hình PCBLGĐ gồm: 431 nhóm PCBLGĐ, 431 CLB gia đình phát triển bền vững với trên 6.000 thành viên tham gia và 401 địa chỉ tin cậy về PCBLGĐ tại cộng đồng.

Từ sự quan tâm của các cấp, ngành, sự đồng thuận chung tay của các cặp vợ chồng, công tác gia đình ngày càng nâng lên rõ rệt. Nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận được những dịch vụ xã hội cơ bản, đời sống vật chất, tinh thần cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ngày càng giảm; các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình hạn chế, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy; tỷ lệ bạo lực gia đình giảm. Năm 2021, toàn tỉnh có trên 84% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Tin rằng, trong những năm tới, việc xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc, ấm no sẽ được các hộ dân trên địa bàn tiếp tục hưởng ứng bằng nhiều hoạt động, việc làm cụ thể. Qua đó, lan tỏa tình yêu thương trong mỗi người, mỗi gia đình, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp, văn minh.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/th%E1%BA%AFp-l%E1%BB%ADa-y%C3%AAu-th%C6%B0%C6%A1ng-trong-m%E1%BB%97i-gia-%C4%91%C3%ACnh