Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Từ thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ và phát triển rừng cho người dân trên địa bàn huyện Phong Thổ.
Những con đường bê-tông sạch đẹp, nhiều ngôi nhà xây kiên cố, các công trình mới khang trang được xây dựng làm nổi bật một vùng quê. Trong những ngôi nhà có các trang thiết bị điện tử như: tivi, tủ lạnh, xe máy... Đây là những hình ảnh dễ dàng nhận thấy nhất khi đến xã Bản Lang (huyện Phong).
Theo người dân ở đây cho biết, có được những đổi thay tích cực như hiện nay ngoài sự hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, nông thôn mới… thì nguồn kinh phí đóng góp quan trọng trong việc tạo thu nhập, nâng thu nhập cho người dân là từ chính sách chi trả DVMTR. Từ thực hiện chính sách chi trả DVMTR nhiều hộ dân mỗi năm có thêm nguồn vốn để đầu tư mua cây, con giống để phát triển kinh tế, nâng cao mức sống.
Ông Lành Văn Phong - Trưởng bản Bản Lang 2 chia sẻ với chúng tôi, bản có 228 hộ dân thì gần 100% người dân trong bản đăng ký tham gia bảo vệ, phát triển rừng để được hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR. Bà còn trong bản thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn tổ chức các buổi tuần tra, phát đường băng cản lửa và tham gia trồng, bảo vệ rừng. Nhờ đó, thu nhập của người dân trong bản ngày càng ổn định. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của bản khoảng 25 - 27 triệu đồng/người/năm.
Được biết, xã Bản Lang hiện có 5.390,96ha diện tích rừng. Ông Nguyễn Văn Thủy - Chủ tịch UBND xã cho biết: Để giữ rừng, cấp ủy, chính quyền xã thành lập và duy trì hoạt động của tổ chuyên trách bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) ở các bản. Giao cán bộ nông nghiệp xã và kiểm lâm phụ trách địa bàn, các trưởng bản thường xuyên phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR, gắn chính sách chi trả DVMTR với phát triển rừng như: vận động người dân nhận khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ, PCCCR để được hưởng lợi, có thêm thu nhập từ rừng.
Năm 2021, xã đã thực hiện chi trả 2.124,57ha rừng với số tiền hơn 2 tỷ đồng; Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện chi trả 2.991,56ha với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng. Với tổng số 1.689 hộ được hưởng tiền chi trả góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn từ 50,93% (năm 2020) lên 52,94% (năm 2021).
Cùng với bảo vệ rừng, xã chú trọng việc phát triển rừng, vì vậy, hằng năm xã phối hợp với Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện đo đạc và khảo sát, tuyên truyền, vận động người dân nhận khoán trồng, chăm sóc rừng. Tổ chức cho các hộ, chủ rừng ký cam kết thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về công tác bảo vệ, PCCCR. Năm 2022, xã dự kiến trồng mới 65,05ha rừng. Hiện, đã triển khai cho người dân đăng ký và đang chờ cây giống để tiến hành trồng theo đúng kế hoạch của huyện đề ra.
Đi dọc các xã biên giới ở huyện Phong Thổ, chúng tôi cảm nhận màu xanh của những cánh rừng tái sinh cùng với những cánh rừng cổ thụ từ sườn đồi đến các đỉnh núi cao. Ông Nguyễn Văn Tuyển - Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn huyện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về Luật Lâm nghiệp, chính sách chi trả DVMTR nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, các chủ rừng, cộng đồng dân cư. Tăng cường phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR, việc nhận khoán trồng, bảo vệ rừng của các xã, thị trấn.
Hàng năm, Ban thực hiện công tác rà soát, xác định diện tích rừng có cung ứng DVMTR và chi trả tiền DVMTR đảm bảo tiến độ, công khai, minh bạch, đúng người, đúng diện tích. Gắn bảo vệ với phát triển rừng, chủ động xây dựng kế hoạch trồng rừng mới và khảo sát để lựa chọn các loại cây trồng phù hợp trình UBND huyện phê duyệt và triển khai.
Thực hiện trồng rừng mới, năm 2022, huyện Phong Thổ dự kiến sẽ trồng hơn 300ha, chủ yếu ở các xã: Nậm Xe, Bản Lang, Khổng Lào, thị trấn Phong Thổ, Huổi Luông, Ma Ly Pho, Hoang Thèn. Hiện, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện đang phối hợp với các bên có liên quan, UBND các xã, thị trấn triển khai trồng rừng năm nay, rà soát diện tích rừng, xây dựng phương án giao khoán cho cộng đồng dân cư thôn, bản quản lý bảo vệ; tổ chức đấu thầu cung cấp giống qua mạng.
Từ chính sách chi trả DVMTR đã tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho Nhân dân. Năm 2021, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện đã chi trả 23.153,88ha rừng với tổng số tiền gần 23 tỷ đồng cho 11.982 hộ được hưởng. Từ số tiền đó, giúp bà con có thêm nguồn thu để mua cây, con giống, phát triển trồng trọt, chăn nuôi, mua sắm đồ dùng sinh hoạt, trang trải cuộc sống hàng ngày.
Nhiều xã, bản trên địa bàn đã có tiền xây dựng các công trình phúc lợi để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Qua đó, góp phần nâng độ che phủ rừng của huyện đạt 40,04% (tăng 2% so với năm 2020). Đây chính là động lực để Nhân dân các dân tộc huyện Phong Thổ nâng cao trách nhiệm trong công tác giữ gìn, bảo vệ và phát triển rừng - lá phổi xanh của trái đất.