Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số

Đó là chủ đề của hội thảo khoa học quốc tế LSCAC 2024 - Ngôn ngữ, Xã hội, Văn hóa trong bối cảnh châu Á diễn ra từ ngày 22 - 24/11 tại TP. Huế, do Trường cao đẳng Huế phối hợp với Trường đại học Quốc gia Malang (Indonesia), Đại học Hyderabad (Ấn Độ), Đại học Mahasarakham (Thái Lan), Viện Nhân học Văn hóa (Hà Nội) và Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Đông Bắc (Thái Lan) tổ chức.

 Hội thảo thu hút hàng trăm nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế

Hội thảo thu hút hàng trăm nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế

Đây là kỳ thứ 7 chuỗi hội thảo quốc tế LSCAC được tổ chức. Có bề dày uy tín, có số lượng và chất lượng khoa học cao, hội thảo LSCAC được tổ chức lần này do Trường cao đẳng Huế đăng cai đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm nhà khoa học có uy tín trên thế giới và trong nước. Hội thảo có hơn 160 tham luận khoa học đăng ký, 90 tham luận được chọn trình bày. 86 bài báo được báo cáo tại 22 sessions Oral presentation về các chủ đề chính của hội thảo.

Tham dự Hội thảo LSCAC 2024 còn có 3 diễn giả chính là các giáo sư đến từ các trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam... với các chủ đề thời sự, khoa học, thực tiễn như: "Đa ngôn ngữ và trí tuệ nhân tạo AI cho sự phát triển bền vững lâu dài ở châu Á" của GS Prabhakar Rao Jandhyala, Đại học Hyderabad; "Các nguồn tài nguyên số hỗ trợ việc học tiếng Anh qua những giai đoạn từ: Cổ, Trung đến Hiện đại" của Ted Morrissey, Lindenwood University, Hoa Kỳ; "Thực tiễn giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam, nhìn từ chính sách và thực tiễn triển khai", của PGS TS. Phạm Thị Hồng Nhung, Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế.

 Trao đổi, trò chuyện của các diễn giả với đại biểu, giảng viên, sinh viên tham dự hội thảo

Trao đổi, trò chuyện của các diễn giả với đại biểu, giảng viên, sinh viên tham dự hội thảo

Chương trình hội thảo còn có các sự kiện khoa học bên lề như: Buổi trao đổi về "Nghiên cứu khoa học trong bối cảnh công nghệ số", của PGS.TS. Đỗ Lai Thúy, đến từ Viện Nhân học Văn hóa, Hà Nội với đại biểu, giảng viên, sinh viên tham dự hội thảo; trao đổi và thỏa thuận, ký kết hợp tác khoa học song phương và đa phương giữa trường và viện nghiên cứu tại Việt Nam với thế giới...

Hội thảo LSCAC 2024 là dịp gắn kết mối quan hệ hợp tác giữa cán bộ giảng viên và các nhà khoa học của các trường, viện và các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế. Qua đó nhằm thúc đẩy sự phát triển của khoa học, là nơi trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, ký kết hợp tác khoa học như trao đổi giảng viên, sinh viên, công bố các nghiên cứu khoa học trên diễn đàn quốc tế, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các cơ sở giáo dục trong khu vực và trên thế giới.

 Bí thư Thành ủy Huế - ông Phan Thiên Định mong muốn nhận được những ý tưởng, giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội

Bí thư Thành ủy Huế - ông Phan Thiên Định mong muốn nhận được những ý tưởng, giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội

Phát biểu tại hội thảo, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế - ông Phan Thiên Định kỳ vọng, trong khuôn khổ các hoạt động của hội thảo, các chuyên gia cũng như các đại biểu tham dự sẽ phân tích, kiến giải, đưa ra những giải pháp mang tính chiến lược để những nhà quản lý dựa trên cơ sở đó có được những tham vấn quý báu và cụ thể hóa vào thực tiễn. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế song song với giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp mang tính bản địa, đó là ngôn ngữ, xã hội và văn hóa trong bức tranh chung về một châu Á hội nhập và phát triển.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu được trải nghiệm văn hóa Huế với hàng trăm di tích lăng tẩm, chùa chiền, các công trình kiến trúc đặc biệt thời nhà Nguyễn; khám phá những bộ sưu tập áo dài độc đáo và văn hóa ẩm thực của Huế, của Việt Nam.

Tin, ảnh: HOÀI NGỌC

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/xa-hoi-va-van-hoa-o-chau-a-trong-thoi-ky-cong-nghe-so-148339.html