Xã Hội | Ytế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Những năm trước, xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên) từng được xem việc sinh con thứ 3 là thách thức với cấp ủy, chính quyền xã, nhưng đến nay, các gia đình trong độ tuổi sinh đẻ từng bước thay đổi nhận thức. Nhờ đó, tình trạng sinh con thứ 3 đã được kiểm soát.
Chị Nguyễn Thị Hồng Phương - Trạm phó Trạm Y tế xã cho biết: Toàn xã có 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, gồm các dân tộc: Thái, Lào. Dân số đông, địa bàn rộng với 9 bản (được sáp nhập từ 18 bản). Như vậy, nhiệm vụ của cộng tác viên dân số và y tế thôn bản phải đảm nhận gấp đôi nên không thể bao quát hết. Mô hình cô đỡ thôn bản được Trung tâm Y tế huyện ký kết hợp đồng đến nay đã chấm dứt. Trong khi đó, đội ngũ này là cánh tay đắc lực để hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và tuyên truyền công tác kế hoạch hóa gia đình cho người dân các bản đông dân, ở vùng cao. Cũng nhờ đội ngũ này, việc rà soát phụ nữ có thai được sâu sát hơn. Tuy nhiên, mô hình này không còn nữa nên cũng là khó khăn cho xã trong việc kiểm soát tình trạng sinh con thứ 3...
Khắc phục khó khăn, trạm đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là tổ chức hội phụ nữ trong công tác tuyên truyền, vận động, sâu sát nắm bắt địa bàn để từng bước chuyển biến nhận thức, thói quen, quan điểm sống của từng gia đình. Đối với bộ phận y tế, nâng cao tính chủ động, trách nhiệm, thậm chí hy sinh quyền lợi cá nhân nhiều hơn. Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 phức tạp, lực lượng y tế bận rộn hơn, nhưng nhiệm vụ sâu sát để nắm tình hình, kiểm soát dân số vẫn luôn phải thực hiện song song. Nhiệm vụ chính là giao cho cán bộ phụ trách dân số đến các gia đình, kể cả vùng sâu, vùng xa để điều tra, rà soát tình hình phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai, số lượng trẻ thuộc diện tiêm chủng mở rộng; sàng lọc, chẩn đoán trước và sau sinh... Đồng thời tuyên truyền, vận động các gia đình chấp hành việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chỉ dừng lại ở 2 con dù là trai hay gái cũng như nêu những hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh để các gia đình hiểu rõ hơn và đồng thuận chấp hành. Toàn xã có 96% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai nên tỷ lệ sinh con thứ 3 ngày càng giảm.
Đánh giá một cách khách quan và rõ nhất về những chuyển biến trong nhận thức cũng như hành động của mỗi gia đình trong độ tuổi sinh đẻ phải nói đến tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã. Chị Lò Thị Thinh - Chủ tịch Hội LHPN xã thông tin: Trong tổng số 92 cháu được sinh ra từ đầu năm đến nay chỉ có 12 cháu là con thứ 3 (hầu hết là có thai ngoài ý muốn). Con số tính đến thời điểm này giảm 2% so với năm 2020. Đây là tỷ lệ giảm đều so với thời điểm 5 năm trở lại đây. Dẫn chứng cho điều này có thể nhắc đến bản Hô Tra, nhiều năm trước có gia đình sinh đến 6 người con với mong muốn có con trai để nối dõi hoặc có thêm người để lao động giúp đỡ việc gia đình, đồng áng. Đa phần còn lại là do tư tưởng phải “có nếp, có tẻ”, nhà nào sinh con một bề nữ thì muốn sinh thêm con trai và ngược lại.
Những tư tưởng đó đã dần trở thành quá khứ bởi hiện nay nhiều gia đình có quan điểm rất tiến bộ. Các thế hệ cao tuổi không can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng của con trẻ mà để các con tự quyết. Dù gái hay trai cũng chỉ dừng lại ở 2 con. Chẳng hạn như gia đình chị Hặc (bản Hảo Nghè) hay chị Liên (bản Mường) sinh con đủ trai, gái và sinh con một bề là gái nhưng chưa bao giờ gia đình các chị muốn sinh thêm con vì để chăm lo, vun vén cho tương lai của các con sau này.
Bộ mặt nông thôn xã Mường Khoa đang đổi mới từng ngày, đồng nghĩa với trình độ nhận thức của người dân đã được nâng lên. Điều này chính là động lực để người dân chấp hành tốt chính sách dân số.