Xã Khánh Nam: Điểm sáng phong trào nông dân
Những năm qua, Hội Nông dân xã Khánh Nam (huyện Khánh Vĩnh) là điểm sáng về triển khai các mô hình kinh tế có hiệu quả, góp phần thúc đẩy công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Nông dân chăm lo làm kinh tế
Chúng tôi đến gia đình ông Hoàng Văn Trường ở thôn A Xay (xã Khánh Nam) khi ông đang sửa soạn nước uống cho thợ xây nhà. Ông cho biết, sau nhiều năm tích cóp, giờ đây, gia đình bỏ ra hơn 1 tỷ đồng để xây căn nhà to rộng, kiên cố hơn. Trò chuyện, đôi mắt người đàn ông dân tộc Tày ánh lên niềm tự hào khi nhắc đến con cái: “Vợ chồng tôi có 2 con. Con trai đầu đã học xong đại học, còn con gái đã học xong lớp 12. Các cháu được ăn học đàng hoàng cũng nhờ phần lớn vào cây mía, cây bưởi, con bò, con gà”.
Ông Hoàng Văn Trường thu hoạch bưởi
Vợ chồng ông Trường từ tỉnh Cao Bằng vào Khánh Nam lập nghiệp từ năm 1989. Ban đầu, ông khai hoang trồng cây mía đường, keo, rồi chuyển dần sang trồng bưởi da xanh trong khoảng 10 năm trở lại đây. Hiện nay, ông có 3ha đất, trong đó có khoảng 1,2ha đã trồng bưởi, còn lại là mía và keo. Trong 1,2ha bưởi, có khoảng 3 sào đã được gần 10 năm, còn lại cây 4 năm tuổi. Chỉ tay về phía gần 1ha bưởi xanh tốt bắt đầu cho trái bói, ông cho biết, nhờ tích cóp và được Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để mua cây giống, rồi tham gia nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nên gia đình ông đã mạnh dạn mở rộng vùng trồng. “Gia đình tôi vừa đầu tư hệ thống tưới hết 150 triệu đồng để tưới cho 5 sào bưởi, giờ chỉ cần bật máy bơm là vòi tưới đã đi đến từng gốc cây” - ông Trường cho biết.
Cạnh nhà ông Trường là gia đình ông Mạc Văn Hùng. Với 1ha đất trồng bưởi da xanh và tiên phong trong việc nuôi giống bò 3B, gia đình ông Hùng có thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng mỗi năm. Theo ông Hùng, để có được kết quả này, ngoài bản thân không ngừng học hỏi, nỗ lực lao động sản xuất, ông còn được các cấp hội nông dân hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, thâm canh các loại cây trồng trong sản xuất. Ông còn là Tổ trưởng Tổ Trồng bưởi da xanh của xã với 16 hộ thành viên tham gia cùng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng bưởi, tương trợ lẫn nhau…
Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, những năm qua, việc triển khai hiệu quả các phong trào nông dân đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trên địa bàn tỉnh. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững. Trong đó, Khánh Nam là điểm sáng trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân xây dựng mô hình giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Cao Ngọc Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Nam cho biết, những năm qua, trên địa bàn xã có nhiều hộ nông dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã xây dựng được mô hình kinh tế có thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu trở thành những gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương. Ngoài 2 hộ nêu trên còn có các hộ, như: Cao Văn Lếp, Cao Hà Răng, Hoàng Văn Sấn ở thôn Hòn Dù; Cao Thành, Phùng Văn Ý, Lục Thị Quyên ở thôn A Xay…
Đồng hành trợ giúp
Ông Cao Ngọc Hiếu cho biết, để triển khai hiệu quả các mô hình kinh tế, giúp nông dân từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu, Hội Nông dân xã đã tập trung tuyên truyền, vận động nhằm từng bước thay đổi nhận thức của hội viên, nông dân về phát triển sản xuất, nhất là thay đổi tập quán sản xuất, từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu suất lao động của nông dân. Hội đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội Nông dân tỉnh tổ chức các lớp học nghề “Kỹ thuật thú y” và “Trồng cây ăn quả” cho hội viên, nông dân trên địa bàn xã. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình kinh tế, như: Chăn nuôi bò sinh sản; chuyển đổi cây trồng; kỹ thuật chăm sóc bưởi da xanh, chăn nuôi gà thả vườn… để giúp nông dân làm chủ được kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào sản xuất.
Để nông dân có vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Khánh Vĩnh cho nông dân vay vốn, với tổng dư nợ đến nay hơn 8 tỷ đồng cho 183 lượt hội viên vay vốn. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của xã vận động và ngân sách xã cấp hàng năm, cùng nguồn vốn huyện ủy thác với tổng số tiền hơn 390 triệu đồng, hội đã hỗ trợ 2 tổ hợp tác trồng bưởi da xanh cho 13 hộ vay, giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư các loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư để phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo của xã.
Ông ĐẶNG THÀNH NHÂN - Chủ tịch UBND xã Khánh Nam: Những năm qua, Hội Nông dân xã đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động, định hướng cho hội viên, nông dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số triển khai các mô hình phát triển kinh tế trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Không những trợ giúp về kỹ thuật, vốn, hội còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo khí thế thi đua sôi nổi để thực hiện tốt phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của xã trong những năm qua.
Lê Hoàng Hải