Xã Khánh Nam: Tập trung công tác giảm nghèo

Để thoát được nghèo đói, trong câu chuyện của những gia đình mà chúng tôi có dịp trò chuyện ở xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh, bên cạnh sự nỗ lực, chịu khó, học hỏi thì sự đùm bọc, nương đỡ lẫn nhau bằng tình đoàn kết, yêu thương xóm giềng là yếu tố quan trọng.

Nỗ lực vươn lên

"Trong quá trình lập nghiệp ở vùng đất Khánh Nam, tôi đã được trợ giúp rất nhiều" - ông Phùng Văn Ý (người dân tộc Nùng, thôn A Xay) bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như thế. Ông kể, cách đây 30 năm, 5 anh em ông từ tỉnh Cao Bằng vào Khánh Nam lập nghiệp. Siêng năng, đoàn kết và luôn hỗ trợ nhau, anh em ông đã bỏ bao công sức để khai hoang vỡ hóa, chăm chút làm ăn. Đến năm 2000, ông Ý lập gia đình và được chia 1ha đất để vợ chồng trẻ có kế sinh nhai. Trên diện tích đó, vợ chồng ông trồng bắp, mì và mía đường. Nhờ tinh thần học hỏi không ngừng và siêng năng tích cóp, dần dần, vợ chồng ông cũng đã có hơn 2ha đất sản xuất. Gia đình ông đã được xóm giềng nơi đây hỗ trợ rất nhiều. Đồng thời, năm 2007, được Nhà nước hỗ trợ hơn 10 triệu đồng (theo diện hộ đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn về nhà ở), cùng với người thân hỗ trợ, gia đình ông đã xây được căn nhà khang trang.

Ông Phùng Văn Ý thu hoạch bưởi da xanh.

Ông Phùng Văn Ý thu hoạch bưởi da xanh.

Đến năm 2016, được ngân hàng cho vay 50 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ một phần cây giống, vợ chồng ông Ý chuyển sang trồng 300 cây bưởi da xanh. Ông cũng tích cóp mở rộng toàn bộ diện tích gần 2,5ha để nâng số lượng lên hơn 600 cây, trong đó có 300 cây đã cho thu hoạch, số còn lại năm nay cho trái bói. 1ha bưởi da xanh cho gia đình ông thu nhập đều đặn mỗi năm gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn đầu tư hệ thống tưới bài bản, lắp đường ống dẫn nước dài hơn 1km từ sông Giang vào rẫy. Từng bước thoát nghèo và vững vàng về kinh tế, 2 con của ông Ý được ăn học đàng hoàng. Hiện nay, người con đầu đang học năm thứ 4 ở Học viện Hành chính Quốc gia - Phân viện miền Trung (tỉnh Quảng Nam), con thứ 2 học lớp 12 ở thị trấn Khánh Vĩnh.

Đến một gia đình khác ở thôn A Xay, câu chuyện về hành trình thoát nghèo cũng thấm đượm tinh thần yêu thương, đùm bọc của anh em, xóm làng. Ông Hoàng Văn Thành (48 tuổi), người dân tộc Tày nhớ lại: Hơn 30 năm trước, 3 anh em ông từ phía bắc vào đây lập nghiệp. Lúc đấy, gia đình ông được địa phương cấp cho 1ha đất sản xuất. Cũng như nhiều nông dân nơi đây, ban đầu, gia đình ông trồng bắp, mía đường, rồi từng bước chuyển sang trồng bưởi da xanh. Tiền bán bưởi, gia đình dùng để tái đầu tư, mở rộng diện tích nên đến nay đã đầu tư được 2,5ha. Trong quá trình lập nghiệp, ông học được kiến thức, kỹ năng thông qua các lớp tập huấn và bà con xóm giềng, anh em trong vùng; được Nhà nước hỗ trợ và bán trợ giá về cây giống, phân bón… Đến nay, ông có 700 gốc bưởi, 500 gốc trong số đó đã cho thu hoạch, mỗi năm lãi khoảng 150 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn trồng mít, sầu riêng, bơ, cam, mỗi thứ vài chục cây theo diện thử nghiệm. Nhờ chịu khó học hỏi, chăm chỉ lao động, kinh tế gia đình ông từng bước khấm khá, con cái được học hành đầy đủ.

Phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 10%

Ông Cao Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nam cho biết, những năm qua, chương trình giảm nghèo trên địa bàn xã đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Cùng với sự nỗ lực của người dân, những năm qua, xã cũng nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp chính quyền, hội, đoàn thể, mạnh thường quân thông qua các dự án, mô hình kinh tế nhằm động viên người dân nỗ lực vươn lên.

Ông Hoàng Văn Thành trở về sau một ngày lao động.

Ông Hoàng Văn Thành trở về sau một ngày lao động.

Xã Khánh Nam có tổng cộng 618 hộ dân, hiện nay xã còn 284 hộ nghèo. Năm 2023, xã đặt mục tiêu giảm 65 hộ nghèo, phấn đấu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10% vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu đặt ra, một trong những giải pháp quan trọng được xã triển khai sâu rộng đó là hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nghèo. Trong đó, xã tập trung vận động người dân chăm sóc cây trồng chủ lực như: Bưởi da xanh, mía, sầu riêng… và trồng thêm các loại cây như: Keo, mía, bắp, mì; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động người dân tham gia các chương trình phát triển sản xuất, phát triển kinh tế hộ, như: Mô hình nuôi bò sinh sản, hợp tác xã trồng bưởi da xanh, chăn nuôi gà sạch...; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là tổ chức các lớp đào tạo theo nhu cầu của người lao động.

Cùng với hỗ trợ mô hình kinh tế, theo lãnh đạo UBND xã, công tác tuyên truyền vận động người nghèo chủ động vượt khó, vươn lên thoát nghèo được triển khai sâu rộng và đạt kết quả tích cực. Từ đầu năm đến nay, xã đã thực hiện 4 lớp lồng ghép các nội dung tuyên truyền theo chuyên đề về Chương trình giảm nghèo bền vững cho 170 lượt người để người dân hiểu và tham gia có hiệu quả các dự án, mô hình giảm nghèo. Ngoài ra, xã phân công mỗi cán bộ, đảng viên phụ trách giúp đỡ từng hộ nghèo. Riêng trong năm 2023, có 15 cán bộ, đảng viên phụ trách, có các giải pháp hỗ trợ cho 65 hộ thoát nghèo

Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế, các hộ nghèo chưa có nhà ở kiên cố (11 hộ) và cần sửa chữa nhà (55 căn) đều được xã lập danh sách, lên kế hoạch và nguồn lực để hỗ trợ. Các nội dung khác như: Vận động trẻ em tới trường, dinh dưỡng cho trẻ em, hỗ trợ tiền điện, chính sách y tế… đều được triển khai đúng, đủ, kịp thời, tạo thêm động lực, hỗ trợ nhân dân trong quá trình nỗ lực thoát nghèo.

HỒNG ĐĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202311/xa-khanh-nam-tap-trung-cong-tac-giam-ngheo-4183d8a/