Xã Kiều Phú: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Kiều Phú được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Cấn Hữu, Liệp Nghĩa, Tuyết Nghĩa (huyện Quốc Oai); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Ngọc Liệp, Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai).

Lý do lấy tên xã mới là Kiều Phú là bởi tên gọi của nhà thờ Kiều Phú được gọi theo tên dòng họ Kiều Phú, ở thôn Liệp Hạ (thời Lê gọi là thôn Vĩnh Phúc, xã Liệp Hạ, tổng Liệp Hạ, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây), được xây dựng từ thời Lê, trải qua nhiều lần tu sửa. Kiến trúc hiện tại được khởi dựng lại vào thời Nguyễn.

Kiều Phú là một danh nhân của xứ Đoài, nhà thờ Kiều Phú là nơi tưởng niệm tiền nhân và cũng là một thắng cảnh rất mực tự hào của địa phương. nhà thờ Kiều Phú đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa năm 1995.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Kiều Phú

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Kiều Phú

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Kiều Phú

Xã Kiều Phú giáp các xã: Hưng Đạo, Phú Cát, Tây Phương, Phú Nghĩa, Hạ Bằng, Quốc Oai của thành phố Hà Nội. Xã có diện tích tự nhiên là 34,49 km2; quy mô dân số là 60.885 người.

Xã Quang Trung (Huyện Thạch Thất): Diện tích: 0,53 km²; Quy mô dân số: 2.493 người
Xã Liệp Nghĩa (Huyện Quốc Oai): Diện tích: 7,61 km²; Quy mô dân số: 14.759 người
Xã Tuyết Nghĩa (Huyện Quốc Oai): Diện tích: 5,14 km²; Quy mô dân số: 8.184 người
Xã Ngọc Liệp (Huyện Quốc Oai): Diện tích: 6,36 km²; Quy mô dân số: 10.224 người
Xã Ngọc Mỹ (Huyện Quốc Oai): Diện tích: 5,00 km²; Quy mô dân số: 13.294 người
Xã Cấn Hữu (Huyện Quốc Oai): Diện tích: 9,85 km²; Quy mô dân số: 11.931 người

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Kiều Phú

Xã Kiều Phú có đường 421B, đại lộ Thăng Long đi qua - đây là tuyến giao thông quan trọng nối trung tâm Thủ đô Hà Nội với Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Vị trí này tạo điều kiện thuận lợi cho xã trong việc tiếp cận hạ tầng, dịch vụ và có cơ hội phát triển từ quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa khu vực phía Tây Hà Nội.

Xã Kiều Phú phát triển nông nghiệp chất lượng cao với các đặc sản như bưởi, rau sạch, lúa; duy trì các làng nghề mộc, cơ khí, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Xã Kiều Phú đóng vai trò là vùng chuyển tiếp giữa khu vực nông thôn và đô thị. Nơi đây còn là vùng văn hóa đặc sắc với nhiều di tích lịch sử và lễ hội truyền thống, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa ngoại thành Thủ đô.

Đặc điểm kinh tế xã Kiều Phú

Xã Kiều Phú phát triển nông nghiệp chất lượng cao với vùng sản xuất lúa hàng hóa ứng dụng cơ giới hóa, năng suất cao; vùng chuyên canh cây ăn quả và rau an toàn tại Ngọc Liệp, Ngọc Mỹ đạt chuẩn VietGAP; chăn nuôi gia cầm tập trung tại Cấn Hữu đạt chuẩn VietGAP; nuôi thủy sản chuyên canh với các giống cá hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, xã cũng đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ thông qua hợp tác xã và doanh nghiệp, từng bước hình thành chuỗi giá trị nông sản bền vững, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân.

Công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao: Trên địa bàn có các cụm công nghiệp trọng điểm như Ngọc Mỹ - Thạch Thán, Ngọc Liệp mở rộng và Liệp Nghĩa, tập trung vào chế biến gỗ, cơ khí, dệt may và các ngành công nghiệp sạch. Các cụm này không chỉ thúc đẩy sản xuất mà còn góp phần di dời cơ sở làng nghề ra khỏi khu dân cư, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống. Hiện nay, có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, điển hình như tại Ngọc Liệp, giúp nâng thu nhập bình quân lên gần 80 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2024, khẳng định hiệu quả của hướng phát triển này.

Về tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống: Xã Kiều Phú có nhiều làng nghề truyền thống như mộc dân dụng ở Ngọc Than, làm nón ở Phú Mỹ, đan cót nan tại thôn Muôn và Thế Trụ, góp phần tạo việc làm ổn định và giữ gìn giá trị văn hóa địa phương.

Về thương mại - dịch vụ: Với vị trí gần đại lộ Thăng Long và có tuyến tỉnh lộ 421B đi qua, xã Kiều Phú có điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ vận tải, logistics và thương mại, góp phần thúc đẩy giao thương và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Về du lịch: Với cảnh quan nông thôn đặc trưng, xã Kiều Phú có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp và trải nghiệm như tham quan vườn cây ăn quả, tham gia sản xuất nông nghiệp, vừa mang lại trải nghiệm thực tế cho du khách, vừa tăng thu nhập cho người dân địa phương. Đồng thời, nhờ vị trí gần các điểm du lịch nổi tiếng như chùa Thầy, núi Sài Sơn, khu sinh thái Tuần Châu Hà Nội, xã có lợi thế phát triển tour liên kết, góp phần đa dạng hóa loại hình du lịch trong vùng.

Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Kiều Phú

Xã Kiều Phú là một địa phương giàu truyền thống văn hóa - xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa xứ Đoài, đặc biệt là hệ thống di tích văn hóa - lịch sử tại các làng nghề truyền thống như: làng nghề mộc dân dụng tại thôn Ngọc Than (Ngọc Mỹ), làm nón ở thôn Phú Mỹ (Ngọc Mỹ), đan cót nan tại thôn Muôn (Tuyết Nghĩa) và chế biến gỗ, cót nan tại Thế Trụ (Liệp Nghĩa).

Về giáo dục, xã Kiều Phú có mạng lưới trường học khá phát triển, bao gồm các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Các trường tiểu học như Trường Tiểu học Quang Trung, Trường Tiểu học Liệp Nghĩa, Trường Tiểu học Tuyết Nghĩa, Trường Tiểu học Ngọc Liệp, THCS Kiều Phú, THPT Ngọc Mỹ,... đều có cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ giáo viên chất lượng. Cung cấp chương trình học cho trẻ em trong khu vực.

Về y tế, trạm y tế xã Kiều Phú đảm nhiệm vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, với các hoạt động như tiêm chủng, khám chữa bệnh thông thường, quản lý sức khỏe cộng đồng,… được ứng dụng chuyển đổi số. Trên địa bàn có các bệnh viện lớn tuyến trung ương như Bệnh viện Nhi Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 2 đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh chuyên sâu của người dân.

Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Kiều Phú: Thôn Phú Mỹ, xã Kiều Phú
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Kiều Phú: đồng chí Phạm Quang Tuấn
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Kiều Phú: đồng chí Phùng Huy Diễn
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kiều Phú: đồng chí Nguyễn Thị Thu Trang.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Đài Hà Nội

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/xa-kieu-phu-nhung-thong-tin-chi-tiet-sau-sap-xep-344178.htm