Xã Lâm Sơn vướng tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn

Xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn đã hoàn thành 17/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao. Còn 2 tiêu chí về giáo dục; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn xã cần hoàn thành để được công nhận đạt NTM nâng cao, trong đó tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn được xác định là khó hoàn thành nhất.

Xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn đã hoàn thành 17/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao. Còn 2 tiêu chí về giáo dục; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn xã cần hoàn thành để được công nhận đạt NTM nâng cao, trong đó tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn được xác định là khó hoàn thành nhất.

Sản phẩm gỗ lũa ở xóm Đoàn Kết, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) thời gian qua tiêu thụ khá cầm chừng.

Sản phẩm gỗ lũa ở xóm Đoàn Kết, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) thời gian qua tiêu thụ khá cầm chừng.

Về tiêu chí giáo dục, trường TH&THCS, trường mầm non đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Tuy nhiên, trường mầm non đạt chuẩn từ năm 2014, hiện đang xây dựng các tiêu chí để được công nhận lại. Trường TH&THCS đang xây dựng các tiêu chí để đạt chuẩn mức độ 2.

Đồng chí Bùi Anh Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn cho biết: Đối với tiêu chí về giáo dục, thời gian tới các trường hoàn thiện cơ sở vật chất và công nhận lại là sẽ hoàn thành. Còn đối với tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn đang là điểm vướng mà Lâm Sơn khó thực hiện. Trong tiêu chí này có các chỉ tiêu chưa hoàn thành như: ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp bán qua kênh mạng, cấp mã vùng, mô hình phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả. Những năm gần đây, do đất đai thu hẹp, thời tiết khắc nghiệt, giá thành sản phẩm thấp, tiêu thụ khó nên người dân trong xã không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp. 90% người trong độ tuổi lao động của xã đi làm trong các khu công nghiệp. Xã có 2 hợp tác xã thì hợp tác xã cây có múi đã ngừng hoạt động. Hợp tác xã nuôi ong Lâm Sơn đang hoạt động và có sản phẩm mật ong Lâm Sơn. Sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận năm 2019 và đánh giá xếp hạng OCOP 3 sao năm 2020, thực hiện truy xuất nguồn gốc và bán hàng qua sàn giao dịch thương mại điện tử, nhưng đến thời điểm hiện tại chưa được chuẩn hóa lại, chất lượng hoạt động của hợp tác xã còn yếu, thụ động. Ngoài ra, Lâm Sơn có nghề chế tác đá, gỗ lũa, song từ sau dịch Covid-19 và đường Hòa Lạc - Hòa Bình thông đường thì khách du lịch ít qua lại nên việc tiêu thụ cầm chừng. Các sản phẩm nông nghiệp khác như măng, chuối, sả , chè sản xuất nhỏ lẻ.

Đồng chí Bùi Anh Quý cho biết thêm: Ngoài 2 tiêu chí trên thì việc nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM còn hạn chế, chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo khắc phục khó khăn, phát huy nội lực trong xây dựng NTM. Một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nâng cao còn chậm. Có tiêu chí chưa đạt và một số tiêu chí đạt được nhưng kết quả chưa cao, chưa bền vững, như tiêu chí về quy hoạch, thủy lợi và phòng chống thiên tai, văn hóa và thông tin truyền thông, y tế, môi trường, chất lượng môi trường sống. Nguồn vốn được phân bổ cho các công trình ít, trong khi đó đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn nên việc huy động nhân dân đóng góp vốn tỷ lệ đối ứng 50% tổng giá trị công trình rất khó để thực hiện…

Nhằm hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao trong thời gian tới, UBND xã Lâm Sơn tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” và các phong trào "Nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh”, "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phong trào xây dựng NTM”. Tập trung chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí xã NTM, NTM nâng cao trên cơ sở phân công trách nhiệm cán bộ, công chức các ban, ngành, đoàn thể phụ trách. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng NTM. Trong đó ưu tiên phát triển thế mạnh vùng cây ăn quả, rau, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Phát huy và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông sản tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Thúc đẩy triển khai Chương trình OCOP nhằm phát triển các sản phẩm đặc sản của xã, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/294/191317/xa-lam-son-vuong-tieu-chi-to-chuc-san-xuat-va-phat-trien-kinh-te-nong-thon.htm