Xã Lỗ Sơn cụ thể hóa nghị quyết đại hội Đảng bộ
Lỗ Sơn là xã vùng sâu của huyện Tân Lạc, thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, từ sự đồng thuận, thống nhất cao của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, điều hành các mặt công tác, xã đã có sự chuyển mình tích cực. Đặc biệt, trong phát triển kinh tế, xã chỉ đạo, định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, từng bước mở mang ngành nghề để giải quyết việc làm, tăng thu nhập.
Phát huy lợi thế về tiềm năng đất đai, có đường tỉnh 436 chạy qua, chợ trung tâm xã là nơi tiêu thụ nông sản của bà con trong vùng, người dân đã bám đất, bám ruộng tạo ra sản phẩm hàng hóa. Ngoài duy trì diện tích trồng lúa, ngô để đảm bảo an ninh lương thực, những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng ủy xã về phát triển các sản phẩm nông nghiệp, đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, xã đã chuyển đổi trên 45 ha đất 2 vụ lúa để trồng bí đỏ, mướp đắng, dưa bao tử... Đảng ủy, chính quyền tích cực chỉ đạo cải tạo vườn tạp, thay thế cây trồng kém hiệu quả. Qua đó, toàn xã phát triển diện tích trồng bưởi đỏ, bưởi da xanh, cam... khoảng 65 ha.
Trong xã, nhiều người biết đến mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Hà Văn Tố, xóm Tân Lập với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đưa khách đi thăm chuồng nuôi được đầu tư quy củ, ông Tố chia sẻ: Thực hiện chủ trương của xã về phát triển kinh tế hộ, gia đình được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT và qua tìm hiểu tài liệu, sách báo, nhu cầu thị trường, nhà tôi đã đầu tư nuôi 8 con trâu vỗ béo, hơn 20 con lợn. Từ diện tích đất trên 4.000 m2, tôi dành khoảng 2.000 m2 trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi; duy trì diện tích trồng cây hàng năm. Ngoài ra, gia đình cải tạo 1.000 m2 đất vườn trồng Sachi. Đồng đất quanh năm không nghỉ, ngoài 2 vụ chính, gia đình tranh thủ trồng rau vụ đông, vừa phục vụ bữa ăn hàng ngày, vừa có thêm thu nhập.
Với suy nghĩ làm nông nghiệp là phải chịu thương, chịu khó, có kiến thức KHKT, nhạy bén với nhu cầu thị trường, đã giúp gia đình ông Tố và nhiều hộ trong xã có được mô hình kinh tế hiệu quả từ trồng cây ăn quả có múi, nuôi trâu, bò vỗ béo, nuôi lợn sạch bằng thảo dược, tận dụng mặt nước nuôi cá lồng ở suối... Nhờ định hướng đúng, cùng sự đổi mới nếp nghĩ, cách làm của người dân, đã nâng tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản của xã trong 5 năm (2015 - 2020) đạt trên 176 tỷ đồng, vượt 14,2% so với chỉ tiêu nghị quyết đại hội (NQĐH) Đảng bộ xã đề ra.
Song song với nông nghiệp, những năm gần đây, sản xuất TTCN, dịch vụ cũng có bước phát triển với các nghề: Sản xuất gạch bi, đồ gỗ, cơ khí, chế biến nông sản, buôn bán nhỏ lẻ... Giá trị sản xuất TTCN đạt 18,1 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu nghị quyết; tổng doanh thu dịch vụ đạt 31 tỷ đồng, bằng 233,3% so với chỉ tiêu nghị quyết.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, điều hành của UBND xã, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể, nhất là nỗ lực vượt khó của người dân, đời sống người dân xã Lỗ Sơn ngày một nâng cao. Năm 2020, thu nhập bình quân ước đạt 44 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,6% năm 2019 còn 9,96%.
Với quyết tâm chính trị cao là "đẩy mạnh phát triển KT - XH; phấn đấu xã Lỗ Sơn sớm về đích NTM", NQĐH Đảng bộ xã lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra chỉ tiêu: Hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM vào năm 2022; thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng vào năm 2025; phát triển đạt mức trung bình của huyện...
Đồng chí Đinh Thị Mạnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng đã nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. BTV Đảng ủy xã đã cụ thể hóa các chỉ tiêu vào chương trình hành động cả nhiệm kỳ và bổ sung vào chương trình công tác năm 2020. Đồng thời, UBND xã bám sát NQĐH để xây dựng kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch phát triển KT - XH năm 2021 phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Với truyền thống đoàn kết, phẩm chất cần cù trong lao động, sản xuất của cán bộ, Nhân dân, Lỗ Sơn kỳ vọng sớm phát triển kinh tế theo hướng CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.