Xá lợi Đức Phật từng được cung nghinh qua những quốc gia nào?
Xá lợi Đức Phật từng được cung nghinh qua nhiều quốc gia, trong đó lần đầu tiên được cung nghinh đến Việt Nam bằng chuyên cơ quân sự
Xá lợi Đức Phật được một kỹ sư và chủ đất người Anh tên William Claxton Peppe (1852–1937) khai quật tại khu đất Birdpur Estate, làng Piprahwa, thuộc huyện Siddharthnagar, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Địa điểm khai quật gần khu vực được xác định là Kapilavastu cổ đại.
Thời điểm khai quật được xác định như sau: Ngày 18-1-1898, kỹ sư William Claxton Peppe đã phát hiện tráp đá đựng Xá lợi Đức Phật bên trong ngôi tháp gạch đỏ (Piprahwa Stupa).
Hộp đá chứa Xá lợi được khắc bằng chữ Brāhmī có ghi rõ "Xá lợi của Đức Phật". Đây là một trong những bằng chứng khảo cổ học sớm nhất và xác thực nhất xác nhận sự thờ phụng Xá lợi của Đức Phật.



Xá lợi Đức Phật được cung nghinh qua nhiều quốc gia trong những năm gần đây
Trong những năm qua, Xá lợi Đức Phật đã được cung nghinh qua nhiều quốc gia khác nhau. Năm 2015, Xá lợi Đức Phật được tôn trí tại Sri Lanka nhân dịp kỷ niệm 2.600 năm Đức Phật thành đạo. Sự kiện này thu hút hàng triệu Phật tử đến chiêm bái tại Colombo và các địa điểm lớn trên quốc đảo này.
Năm 2022, Xá lợi Đức Phật được tôn trí tại triển lãm ở Thủ đô Ulaanbaatar (Mông Cổ) từ ngày 14 đến 21-6-2022 do Chính phủ Ấn Độ phối hợp với Chính phủ Mông Cổ và Trung tâm Gandan (tu viện Phật giáo lớn nhất tại Mông Cổ) đồng tổ chức.
Sự kiện thu hút hơn 200.000 lượt chiêm bái, được Chính phủ Mông Cổ đón nhận trọng thể như hoạt động Phật giáo quốc gia.
Năm 2024, Bộ Văn hóa Thái Lan phối hợp với Chính phủ Ấn Độ đưa Xá lợi Đức Phật từ Viện Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ đến Thái Lan từ ngày 22-2 đến 19-3-2024. Sự kiện thu hút hơn 5.6 triệu lượt người đến đảnh lễ Xá lợi trong suốt gần 26 ngày triển lãm, theo công bố của Bộ Văn hóa Thái Lan.
Theo Ban tổ chức, Vesak, ngày lễ thiêng liêng nhất của Phật giáo, là dịp tưởng niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời đức Phật: đản sinh, giác ngộ và nhập niết-bàn.
Đại lễ được tổ chức vào ngày trăng tròn tháng Vesak theo lịch Ấn Độ (rằm tháng Tư Âm lịch), đại lễ Vesak không chỉ mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc mà còn là biểu tượng cho hành trình vượt qua khổ đau để đạt đến trí tuệ và bình an.
Ngày Vesak được cộng đồng quốc tế công nhận từ ngày 15-12-1999 khi Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết 54/115, chính thức công nhận quốc tế về Ngày Vesak.
Sự công nhận này khẳng định giá trị nhân văn và tầm ảnh hưởng của giáo pháp Phật giáo đối với hòa bình thế giới, phát triển bền vững ở phạm vi toàn cầu.
Ngày Vesak quốc tế đã trở thành nhịp cầu kết nối hàng triệu người trên khắp thế giới, từ các ngôi chùa ở Đông Nam Á đến những trung tâm thiền phương Tây.
Tại mỗi quốc gia, lễ hội này được tổ chức theo cách riêng, phản ánh sự đa dạng văn hóa nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần chung: lòng từ bi, trí tuệ và sự giác ngộ.
Nepal và Ấn Độ: Nơi sinh và hành đạo của đức Phật, Vesak được gọi là Buddha Pūrnịmā – ngày trăng tròn thiêng liêng.
Đông Nam Á: Vesak gắn liền với các nghi lễ truyền thống như tắm Phật, dâng hương và thả đèn hoa đăng.
Nhật Bản: Hiện đại hóa đã khiến Vesak được tổ chức cố định vào ngày 8-4 Dương lịch, nhưng vẫn giữ nguyên ý nghĩa tâm linh.