Xả lũ thủy điện và các hồ đập: Phải đảm bảo an toàn cho người dân
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế kiểm tra quy trình xả lũ của hồ thủy điện Sông Ba Hạ. Ảnh: TRUNG HIẾU
Ngày 11/11, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế kiểm tra quy trình xả lũ tại thủy điện Sông Ba Hạ. Báo Phú Yên phỏng vấn đồng chí Trần Hữu Thế xung quanh vấn đề xả lũ.
* Người dân hay lo ngại khi nghe xả lũ vì sợ ngập lụt. Vậy đợt xả lũ lần này ở mức nào, thưa đồng chí?
- Đợt xả lũ lần này chúng tôi đã chủ động điều tiết, bởi vì trước đây, hồ thủy điện Sông Ba Hạ từng xả 15.000m3/s, lần này xả 4.500m3/s chưa phải ở mức tối đa. Nếu xả lũ lượng nước lớn, cộng với triều cường, sóng và gió thì chắc chắn ở hạ du sẽ không tiếp nhận nổi. Vì thế, chúng tôi chỉ đạo lực lượng chức năng cố gắng đo và theo dõi lượng thủy triều để cân đối việc xả lũ cho an toàn.
* Mấy ngày qua lượng mưa lớn, theo đồng chí, việc thủy điện cùng các hồ thủy lợi tích nước và xả lũ như thế nào cho đảm bảo?
- Hiện lượng mưa quá lớn trên diện rộng không chỉ ở Phú Yên mà còn các tỉnh ở Tây Nguyên nên gần như tất cả các thủy điện, hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh đều phải xả lũ. Với các đập thủy điện và hồ chứa nước thủy lợi lớn, chúng tôi đã yêu cầu xả lũ trước khi cơn bão số 12 vào để có khả năng tích được nước. Vì thế lượng nước mưa khi về thủy điện vừa giữ, vừa phát, đảm bảo trong ngưỡng an toàn. Nếu như lượng nước về nhiều hơn, chúng tôi sẽ yêu cầu điều tiết để đảm bảo lượng nước ở hạ du.
* Công tác vận hành liên hồ chứa được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
- Năm nay, công tác vận hành liên hồ từ hồ thủy lợi lớn đến hồ thủy điện nhịp nhàng hơn và thông tin thông suốt. Việc phối hợp giữa chính quyền địa phương với các chủ hồ tốt khiến cho quá trình điều hành cũng như vận chuyển sơ tán người dân thực hiện tốt hơn, mức độ thiệt hại giảm thiểu hơn nhiều.
* Với vùng hạ du, đồng chí có khuyến cáo gì đối với bà con trong việc chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong phòng, chống lũ lụt để giảm thiệt hại?
- Liên quan đến di dời, sơ tán dân, chúng tôi luôn luôn có cảnh báo và nhắn tin qua hệ thống các nhà mạng. Bên cạnh đó, chúng tôi chỉ đạo điều hành trực tiếp đối với các ban chỉ huy phòng chống lụt bão địa phương. Khi xả lũ tăng lên cao, có khả năng nguy hiểm từng khu vực, chúng tôi sẽ báo động trực tiếp. Vì vậy, chúng tôi mong bà con cố gắng hợp tác với chính quyền địa phương để khi có lệnh thì di dời ngay, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
* Xin cảm ơn đồng chí!
TRUNG HIẾU - VÕ PHÊ (thực hiện)