Xã Nghĩa Dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa
Xã Nghĩa Dân được thành lập trên cơ sở hợp nhất 4 xã gồm: Nghĩa Dân, Toàn Thắng, Vĩnh Xá, Đồng Thanh. Sau hợp nhất, toàn xã có gần 1,5 nghìn héc - ta diện tích đất nông nghiệp, gồm đa dạng các loại đất sản xuất như: Đất lúa, đất trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, dược liệu và diện tích nuôi thủy sản. Đây là điều kiện thuận lợi để xã phát huy thế mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị, hiệu quả và an toàn.

Mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ của gia đình ông Ngô Văn Thông ở xã Nghĩa Dân.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dân cho biết: Mặc dù có thế mạnh để phát triển công nghiệp, dịch vụ, song xã vẫn luôn quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp. Hằng năm, địa phương tập trung đánh giá lại tình hình sản xuất nông nghiệp, từ đó có hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đưa vào canh tác những giống cây trồng mới, hiệu quả. Ngoài ra, xã quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Đường ra đồng, thủy lợi... Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp được duy trì, phát triển theo hướng hàng hóa, có liên kết sản xuất. 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông nghiệp của xã đạt trên 100 tỷ đồng.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, ngay sau khi hợp nhất, xã duy trì, phát triển vùng sản xuất dựa trên thế mạnh sẵn có của từng vùng, từng cánh đồng. Đối với đất lúa, xã tuyên truyền người dân sản xuất giống lúa chất lượng cao, phù hợp với cơ cấu giống của địa phương; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Vụ mùa năm nay, tỉ lệ gieo cấy lúa chất lượng cao của xã đạt 70% diện tích trồng lúa; 20 héc - ta gieo cấy lúa theo mô hình sản xuất lúa tập trung; 30 héc - ta gieo cấy bằng máy... Với trên 500 héc - ta trồng cây ăn quả, hoa, cây dược liệu, xã Nghĩa Dân có thế mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trên địa bàn xã hình thành vùng sản xuất tập trung, trong đó cam và nhãn là cây ăn quả chủ lực. Để duy trì, nâng cao hiệu quả diện tích chuyển đổi, người dân trong xã đã tích cực áp dụng kỹ thuật vào sản xuất như: Công nghệ chiết, ghép mắt; sử dụng chế phẩm nano bạc phòng, trừ sâu bệnh trên cây nhãn, cây có múi; tưới nước và bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt; quản lý dịch hại tổng hợp; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP... Đến nay, xã có gần 100 héc - ta cây ăn quả được chứng nhận đạt VietGAP. Đặc biệt, người dân đã liên kết với nhau để hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị như: Liên kết thành lập hợp tác xã (HTX), liên kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp. Trong xã thành lập được 11 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, 4 HTX thực hiện và duy trì liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ông Ngô Văn Thông, người dân trong xã cho biết: Tôi trồng hơn 1 mẫu cam, bưởi. Từ năm 2020, ngoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi còn trồng cam theo hướng hữu cơ, sử dụng chế phẩm nano bạc, quản lý dịch hại tổng hợp để phòng trừ sâu, bệnh cho cây ăn quả... Qua theo dõi cho thấy, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giúp cho cây ít sâu bệnh hơn, mã quả đẹp, to hơn và bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm. Nhờ đó, lợi nhuận cao hơn từ 20 - 30% so với trồng theo phương pháp truyền thống. Hiện nay, tôi còn tham gia HTX để tăng cường liên kết, chia sẻ kinh nghiệm phát triển thương hiệu cam hữu cơ.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, xã từng bước chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng chăn nuôi lợn, tăng tỉ trọng chăn nuôi trâu, bò, gia cầm và các vật nuôi có giá trị kinh tế cao gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến nay, 50% số hộ chăn nuôi trong xã áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAPH. Ông Đào Văn Nam, chủ trang trại nuôi gà trong xã cho biết: Trước đây, do thiếu kiến thức, vốn đầu tư nên tôi chỉ nuôi gà với quy mô nhỏ lẻ, số lượng vài trăm con. Được địa phương tạo điều kiện về vốn, tập huấn và quy hoạch vùng chăn nuôi nên tôi đã mở rộng chuồng trại. Đến nay, với trên 1 nghìn m2 chuồng trại, tôi duy trì nuôi 5 nghìn con gà, chủ yếu là gà sinh sản. Nhờ chú trọng công tác vệ sinh, tích cực áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tuân thủ quy trình sản xuất an toàn sinh học, mô hình chăn nuôi của gia đình tôi cho lợi nhuận từ 400 triệu đồng/năm trở lên.
Nhằm hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững gắn với nhu cầu thị trường, thời gian tới, xã tập trung rà soát diện tích chuyển đổi, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển cho từng vùng, tập trung cải tạo và phát triển vùng trồng cam; tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân; thực hiện tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; tích cực tham gia chương trình OCOP...