Cùng chung nỗi lo, Nhật Bản và EU lập liên minh thương mại

Cùng chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mới của Mỹ và cạnh tranh với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản hôm nay khởi động 'liên minh cạnh tranh' nhằm tăng cường phối hợp và tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu.

 Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru bắt tay trước cuộc hội đàm tại Tokyo ngày 23/7. (Ảnh: Reuters)

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru bắt tay trước cuộc hội đàm tại Tokyo ngày 23/7. (Ảnh: Reuters)

Bước đi này diễn ra trong bối cảnh cả hai bên đều đối mặt với áp lực gia tăng từ Washington. Ngày 22/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington đã đạt được thỏa thuận thương mại mới với Tokyo.

Theo thỏa thuận vừa đạt được với Mỹ, ô tô - chiếm hơn 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ - sẽ được giảm thuế từ 27,5% xuống 15%. Mức thuế 25% với các loại hàng hóa khác của Nhật sẽ được giảm từ 25% xuống còn 15%.

Nhật Bản sẽ giữ nguyên mức thuế quan hiện tại với hàng nông sản nhập khẩu từ Mỹ, nhưng đồng ý nhập khẩu thêm gạo từ Mỹ trong hạn ngạch miễn thuế hiện hành. Thép và nhôm - chịu mức thuế riêng 50% - không được đưa vào thỏa thuận.

Trong khi đó, EU vẫn phải đối mặt với mức thuế 30% và thời hạn chót để đàm phán là ngày 1/8.

Liên minh mới là một phần trong nhiều thỏa thuận mà Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Nhật Bản vừa diễn ra tại Tokyo.

Liên minh này sẽ tăng cường hợp tác và phối hợp chính sách trong nhiều vấn đề, bao gồm thúc đẩy năng lực cạnh tranh công nghiệp, phục hồi chuỗi cung ứng và giảm phụ thuộc chiến lược.

Hai bên cũng sẽ tăng cường phối hợp và dẫn dắt các cuộc thảo luận quốc tế trong các tổ chức và diễn đàn như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và G7.

"Về địa - kinh tế, chúng ta đang chứng kiến căng thẳng thương mại và bất ổn gia tăng, ngay cả giữa các đối tác lâu năm. Với các đối tác chiến lược như châu Âu và Nhật Bản, điều này nghĩa là cần đưa mối quan hệ của chúng ta gần gũi hơn nữa để đáp ứng thực tế của thời đại và định hình tương lai", bà von der Leyen phát biểu trong cuộc phỏng vấn với báo Nikkei.

Một chủ đề quan trọng được hai bên thảo luận là củng cố chuỗi cung ứng "đáng tin cậy", ban đầu tập trung vào các nguyên liệu thô quan trọng như đất hiếm, sau đó có thể mở rộng sang các lĩnh vực khác trong tương lai.

Tháng trước, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Stephane Sejourne công bố lựa chọn 13 dự án chiến lược, tập trung vào khâu cung cấp nguyên liệu thô quan trọng từ các quốc gia ngoài EU.

Danh sách này bao gồm các dự án cung cấp than chì tại Ukraine, Na Uy, Greenland, Madagascar và Kazakhstan; khai thác niken và coban tại Canada, Brazil và Zambia.

Bà von der Leyen nói với Nikkei rằng EU sẽ tìm hiểu các cơ hội đầu tư cùng Nhật Bản trên khắp châu Âu, và lần đầu tiên khẳng định hai bên có "triển vọng mạnh mẽ" có thể hợp tác trong lĩnh vực khai khoáng.

Bước đi này diễn ra sau khi Trung Quốc áp hạn chế xuất khẩu 7 nguyên tố đất hiếm và nam châm được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp quốc phòng, năng lượng và ô tô, để đáp trả việc Mỹ tăng thuế quan với các sản phẩm của Trung Quốc.

Dù xuất khẩu của Trung Quốc phần lớn đã được nối lại, nhưng hành động này đã tác động đến các ngành công nghiệp của EU và Nhật Bản. Vì vậy, hai bên đang xem xét thiết lập quan hệ đối tác công tư để tạo nên chuỗi cung ứng mới và giảm phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc – quốc gia đang thống trị ngành khai thác đất hiếm toàn cầu.

Tú Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cung-chung-noi-lo-nhat-ban-va-eu-lap-lien-minh-thuong-mai-post1762976.tpo