Cần chính sách hỗ trợ để bảo hiểm thành 'tấm khiên' cho người yếu thế

Bảo hiểm đóng vai trò như một lớp phòng vệ kinh tế, giúp người dân và doanh nghiệp có điểm tựa tái thiết sau thiên tai. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, bảo hiểm cần được xem như một trụ cột không thể thiếu trong chiến lược ứng phó rủi ro quốc gia.

Ai chia sẻ tổn thất cùng người dân khi thiên tai ập đến?

Mỗi năm, Việt Nam phải gánh chịu hàng chục cơn bão, áp thấp nhiệt đới, đi kèm với mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất... gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, miền núi. Mặc dù Nhà nước và các cấp chính quyền luôn có phương án ứng phó, cứu trợ kịp thời, nhưng tổn thất vẫn rất lớn. Trung bình mỗi năm, thiên tai gây thiệt hại từ 15.000 đến 30.000 tỷ đồng, buộc Nhà nước phải chi ngân sách bổ sung để khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân và phục hồi sản xuất. Bên cạnh đó còn là những tổn thất vô hình như mất mùa kéo dài, gián đoạn chuỗi cung ứng, mất an ninh lương thực cục bộ và ảnh hưởng đến tâm lý người dân.

Bảo hiểm đóng vai trò như một lớp phòng vệ kinh tế, giúp người dân và doanh nghiệp có điểm tựa tái thiết sau thiên tai.

Bảo hiểm đóng vai trò như một lớp phòng vệ kinh tế, giúp người dân và doanh nghiệp có điểm tựa tái thiết sau thiên tai.

Trong khi ngân sách là nguồn lực hữu hạn và không phải lúc nào cũng hỗ trợ kịp thời, ngành bảo hiểm đặc biệt là bảo hiểm phi nhân thọ lại có thể trở thành một công cụ tài chính hữu hiệu, san sẻ rủi ro và giảm gánh nặng ngân sách quốc gia. Minh chứng rõ ràng là bão Yagi năm 2024 đã gây thiệt hại hơn 83.000 tỷ đồng. Riêng tại Agribank, 28.200 khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng với tổng dư nợ chịu tác động khoảng 40.000 tỷ đồng, trong đó có gần 17.000 tỷ đồng thiệt hại trực tiếp. Hàng loạt doanh nghiệp, hộ sản xuất rơi vào cảnh nợ xấu, đình trệ sản xuất, mất khả năng phục hồi. Trong bối cảnh đó, bảo hiểm đóng vai trò như một lớp phòng vệ kinh tế, giúp người dân và doanh nghiệp có điểm tựa tái thiết sau thiên tai. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, bảo hiểm cần được xem như một trụ cột không thể thiếu trong chiến lược ứng phó rủi ro quốc gia.

Bảo hiểm – lá chắn tài chính cho khu vực tam nông và người yếu thế

Khu vực tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) là nơi dễ tổn thương nhất trước thiên tai. Người dân nơi đây thường thiếu vốn, thiếu hiểu biết tài chính, dễ bị tác động bởi thời tiết, dịch bệnh, biến động giá cả... Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nay lại càng bất ổn bởi biến đổi khí hậu.

Nghị quyết 19-NQ/TW của Đảng đã định hướng phát triển nông nghiệp xanh, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Trong định hướng đó, bảo hiểm cần được đặt ngang hàng với đầu tư hạ tầng, giống cây trồng vật nuôi, tín dụng ưu đãi... như một trụ cột an sinh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hiện vẫn khó tiếp cận với bảo hiểm do thu nhập thấp, hiểu biết hạn chế, thiếu sản phẩm phù hợp và đặc biệt là thiếu kênh phân phối hiệu quả.

Ông Đỗ Minh Hoàng – Thành viên HĐQT Bảo hiểm Agribank nhận định: vấn đề không phải là bảo hiểm có tồn tại hay không, mà là "bảo hiểm có thực sự đến được với người cần nó nhất hay chưa". Theo ông, người dân ở vùng nông nghiệp thường có thu nhập thấp, ít hiểu biết về bảo hiểm, trong khi rủi ro luôn hiện hữu. Nếu không có sự hỗ trợ chính sách và truyền thông phù hợp, thì dù sản phẩm có thiết kế tốt đến đâu, bảo hiểm cũng khó phát huy tác dụng. Nhà nước cần xác định rõ: bảo hiểm không chỉ là hàng hóa thị trường, mà phải được nhìn nhận là một thiết chế an sinh, góp phần giảm gánh nặng ngân sách khi thiên tai xảy ra.

Từ thực tiễn cho thấy, trong cơn bão Yagi, nhiều khách hàng tham gia bảo hiểm tại Bảo hiểm Agribank đã được chi trả quyền lợi kịp thời. Điển hình như Công ty Việt Trường tại Hải Phòng được bồi thường hơn 22 tỷ đồng; Công ty Presenza được tạm ứng 1 tỷ đồng ngay sau bão để khắc phục thiệt hại, nhanh chóng khôi phục sản xuất. Thống kê cho thấy, trong bão Yagi đã có 536 hồ sơ bồi thường với tổng số tiền lên đến 177 tỷ đồng. Đây là minh chứng rõ nét cho vai trò của bảo hiểm không chỉ trong khắc phục hậu quả thiên tai mà còn tạo dựng niềm tin cộng đồng, củng cố an sinh xã hội.

Việc tham gia bảo hiểm là một hình thức phòng ngừa rủi ro chủ động, giúp bảo vệ thành quả lao động và chia sẻ gánh nặng tài chính giữa cá nhân, cộng đồng và Nhà nước

Việc tham gia bảo hiểm là một hình thức phòng ngừa rủi ro chủ động, giúp bảo vệ thành quả lao động và chia sẻ gánh nặng tài chính giữa cá nhân, cộng đồng và Nhà nước

Cần chính sách phù hợp để đưa bảo hiểm vào thực tiễn cuộc sống

Có thể thấy, việc tham gia bảo hiểm là một hình thức phòng ngừa rủi ro chủ động, giúp bảo vệ thành quả lao động và chia sẻ gánh nặng tài chính giữa cá nhân, cộng đồng và Nhà nước. Từ một “chiếc phao tài chính” mang tính cứu trợ, bảo hiểm đang dần trở thành một trụ cột trong hệ thống ứng phó rủi ro thiên tai tại Việt Nam.

Để tăng khả năng tiếp cận bảo hiểm, đặc biệt với nhóm yếu thế, theo giới chuyên môn cần có các chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm hợp lý; đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý để các tổ chức tài chính có thể triển khai các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với thực tế. Cùng với đó, việc nâng cao nhận thức thông qua giáo dục tài chính và truyền thông cộng đồng là rất quan trọng. Việc đưa nội dung về bảo hiểm vào chương trình giáo dục phổ thông cũng nên được xem xét như một giải pháp dài hạn nhằm thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội vào hệ thống phòng ngừa rủi ro.

Để phát triển bảo hiểm một cách bền vững và phù hợp với thực tiễn, cần xây dựng khuôn khổ pháp lý rõ ràng, ổn định, đồng thời có các cơ chế khuyến khích hiệu quả. Trước hết, cần ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ phí bảo hiểm cho người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Đồng thời, cần cho phép kênh Bancassurance được vận hành trong giới hạn bảo vệ khách hàng, minh bạch thông tin và không bị hiểu nhầm là “bán kèm”.

Bên cạnh đó, Nhà nước nên ban hành Nghị định riêng về bảo hiểm nông nghiệp, trong đó quy định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên tham gia, các mô hình hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và doanh nghiệp bảo hiểm. Song song, cần triển khai các chương trình đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về bảo hiểm. Các địa phương nên có cơ chế phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm để cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục, rút ngắn thời gian bồi thường khi rủi ro xảy ra. Tăng cường ứng dụng công nghệ để theo dõi mùa vụ, cảnh báo sớm thiên tai, làm căn cứ đánh giá thiệt hại khách quan.

Cuối cùng, cần khuyến khích các mô hình liên kết 4 nhà (Nhà nước – Nhà nông – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp), trong đó bảo hiểm đóng vai trò là lớp áo giáp tài chính bền vững. Thí điểm các mô hình bảo hiểm chỉ số, bảo hiểm rủi ro thời tiết, bảo hiểm nông nghiệp công nghệ cao… cũng là hướng đi cần được hỗ trợ và nhân rộng.

Khi người dân có điều kiện tiếp cận bảo hiểm một cách thuận lợi, họ có thể yên tâm đầu tư sản xuất, giảm thiểu thiệt hại tài chính khi rủi ro xảy ra và phục hồi nhanh hơn sau thiên tai. Về phía Nhà nước, điều này cũng góp phần giảm áp lực ngân sách hỗ trợ khẩn cấp, tăng tính chủ động trong điều hành và thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Bảo hiểm vì vậy không đơn thuần là một sản phẩm tài chính, mà cần được nhìn nhận như một công cụ an sinh quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia, để bảo hiểm thực sự trở thành chiếc phao cứu sinh cho người dân trước thiên tai. Để phát huy vai trò này, cần tiếp tục tháo gỡ những rào cản thể chế, hoàn thiện chính sách và nâng cao hiệu quả triển khai trên thực tế, đặc biệt tại khu vực nông thôn và vùng dễ bị tổn thương.

Thiên tai ngày càng khó lường, trong khi người nông dân, người yếu thế vẫn là nhóm dễ bị tổn thương nhất. Khi mùa mưa bão đang đến gần, việc chủ động các giải pháp phòng ngừa rủi ro thiên tai là yêu cầu cấp thiết. Thực tế hiện tại đang cho thấy bảo hiểm không nên xem là lựa chọn xa xỉ mà cần trở thành một phần quan trọng trong chiến lược ứng phó rủi ro của mỗi người dân. Để làm được điều đó, cần sự chung tay từ Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc xây dựng một hệ sinh thái bảo hiểm minh bạch, toàn diện, bền vững, nhân văn.

Nhóm phóng viên

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/can-chinh-sach-ho-tro-de-bao-hiem-thanh-tam-khien-cho-nguoi-yeu-the-167750.html