Xã Sơn Thái: Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả
Nhờ triển khai hiệu quả các mô hình chăn nuôi, trồng trọt xen canh và đa dạng hóa sinh kế, công tác giảm nghèo của xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh) trong năm qua đã có những chuyển biến tích cực.
Trước đây, gia đình ông Cao Diệu (thôn Giang Biên) thuộc diện hộ nghèo của xã. Vài năm trở lại đây, được sự hỗ trợ vốn từ người thân, ông Diệu đầu tư trồng keo, mì, mua heo giống bản địa về nuôi ngay trên mảnh đất gia đình. Nhờ chăm chỉ lao động theo hướng lấy ngắn nuôi dài, sau khi thu hoạch mì, bán lứa heo trưởng thành, gia đình ông Diệu tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất, tăng số lượng đàn heo nên nguồn thu nhập dần ổn định. Năm 2023, gia đình ông Diệu là một trong số những hộ nghèo vươn lên thoát nghèo ở địa phương.
Xã Sơn Thái có 586 hộ với 2.509 nhân khẩu. Phần lớn người dân trên địa bàn sống dựa vào nông nghiệp (chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng chuối, keo, mì…), trong đó nhiều hộ dân vẫn duy trì lối canh tác cũ theo lối du canh, du cư, dẫn đến đời sống còn nhiều khó khăn. Nhờ triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm đáng kể. Theo thống kê, đầu năm 2023, xã có 370 hộ nghèo, chiếm 64,12%; 90 hộ cận nghèo, chiếm 15,6%. Đến cuối năm, số hộ nghèo còn 233 hộ, giảm 137 hộ; hộ cận nghèo còn 86 hộ, giảm 4 hộ.
Ông Pi Năng Cội - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thái cho biết: “Có được kết quả đó là nhờ xã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tuyên truyền, vận động người dân địa phương từ bỏ lối canh tác cũ, lạc hậu, tham gia phát triển các mô hình sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp… Cùng với đó, được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội... về vốn sản xuất, nhà ở, đào tạo nghề nên công tác giảm nghèo của địa phương đạt được những kết quả đáng ghi nhận”. Cụ thể, tính đến tháng 9-2023, xã đã phối hợp giải quyết cho 28 hộ vay vốn, với tổng số tiền 775 triệu đồng. Trong đó, có 8 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo, 1 hộ mới thoát nghèo, 13 hộ vay sản xuất kinh doanh. Về chính sách hỗ trợ nhà ở, UBMTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ 4 căn nhà, trị giá 240 triệu đồng; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hỗ trợ 3 nhà, trị giá 205 triệu đồng; Vietcombank hỗ trợ xây 10 căn nhà, trị giá 1 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho 43 hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí 860 triệu đồng. Ngoài ra, xã phối hợp với Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Khánh Vĩnh mở 1 lớp học nghề trồng cây ăn quả cho 25 đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo…
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, địa phương cũng triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất, đa dạng hóa sinh kế giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Xã đang tiến hành các thủ tục thành lập Hợp tác xã Sơn Thái, thực hiện mô hình chuỗi nông nghiệp xanh, với 10 hộ dân tham gia trồng 20ha thơm, lúa rẫy. Nhiều hộ triển khai tốt mô hình trồng bưởi da xanh, dừa xiêm, xen canh dứa, cam, chôm chôm, nuôi cá… cho thu nhập cao. Đối với hoạt động chăn nuôi, địa phương có 18 hộ đăng ký hỗ trợ mô hình nuôi bò; mô hình nuôi heo bản địa đang phát triển mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo của xã cũng tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, công tác phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân vươn lên thoát nghèo chưa được thực hiện thường xuyên; một số hộ dân vẫn còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa quan tâm, chủ động đăng ký tham gia các mô hình sản xuất vươn lên thoát nghèo; công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể chưa thật sự sâu sát, linh hoạt nên việc đề ra các giải pháp giảm nghèo chưa kịp thời. Năm 2024, xã sẽ tập trung thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo (dự kiến xuống còn 17,46%); tạo điều kiện cho 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất; bố trí đất ở và hoàn thành xây dựng 6 căn nhà cho hộ nghèo…
AN NHIÊN