Xã Trung Nghĩa với công tác bảo tồn di tích

Xã Trung Nghĩa (Ý Yên) được sáp nhập từ ba xã Yên Trung, Yên Thành và Yên Nghĩa, trở thành đơn vị hành chính rộng lớn với diện tích hơn 20,7km2, dân số hơn 16 nghìn người. Không chỉ mở rộng quy mô, xã mới còn được kế thừa kho tàng di sản phong phú. Hiện toàn xã có 20 di tích đình, chùa, đền, phủ đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) tỉnh kiểm kê, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đình Ruối và 3 di tích cấp tỉnh gồm: đình Thông, quần thể đình - chùa - phủ Nhuộng, từ đường họ Lê. Thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa được xã Trung Nghĩa xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình phát triển bền vững.

Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đình Ruối, xã Trung Nghĩa.

Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đình Ruối, xã Trung Nghĩa.

Hệ thống di tích dày đặc

Mỗi di tích ở xã Trung Nghĩa đều gắn với những câu chuyện lịch sử, văn hóa đặc sắc, trở thành niềm tự hào của từng cộng đồng dân cư. Đình Ruối (thôn Ngọc Chuế) thờ Kiến Quốc phu nhân Lương Thị Minh Nguyệt, nữ anh hùng thời Lê sơ từng lập quán bên thành Cổ Lộng để thu thập tin tức quân Minh, bí mật giúp nghĩa quân Lam Sơn đánh hạ thành trì quan trọng này. Sau chiến thắng, bà và chồng là ông Đinh Công Tuấn từ chối phong tước, chỉ xin ruộng giúp dân. Cảm phục đức độ và công lao, nhân dân lập đền thờ bà. Năm 1902, di tích được tu bổ thành đình Kiến Quốc, do có hàng ruối cổ bao quanh nên dân quen gọi là đình Ruối. Năm 1992, đình được công nhận là Di tích cấp quốc gia. Hàng năm, lễ hội truyền thống tổ chức vào tháng 11 âm lịch với nhiều nghi lễ đặc sắc, vừa tưởng nhớ tiền nhân, vừa giáo dục truyền thống yêu nước.

Còn đình Thông là nơi tôn thờ Thiên Đá Đại Vương, vị thần thời Hùng Vương từng giúp dân trị thủy, trừ tà, khai hoang lập ấp, phát triển sản xuất ở vùng Tiêu Bảng. Ngài được tôn làm Thành hoàng làng, là chỗ dựa tinh thần của nhân dân. Đình có kiến trúc cổ truyền đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ với hoành phi, câu đối, vì kèo chạm khắc công phu. Không chỉ là nơi thờ tự, đình Thông còn là trung tâm văn hóa cộng đồng, từng là nơi tổ chức họp mặt cách mạng, đấu tranh chống sưu thuế trước năm 1945.

Một điểm nhấn đặc biệt trong hệ thống di tích Trung Nghĩa là quần thể đình - chùa - phủ thôn Nhuộng. Đình Nhuộng thờ Quý Minh Đại Vương, em thần Tản Viên, vị thần trấn Nam; chùa Hưng Long là nơi sinh hoạt Phật giáo của cộng đồng; phủ Thánh Mẫu thờ Thủy Tinh Mã Vàng công chúa, phản ánh tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Ba công trình nằm trong một không gian liền kề, tạo thành tổ hợp văn hóa - tâm linh đặc sắc, thể hiện sự hòa quyện giữa tôn giáo và tín ngưỡng bản địa.

Ngoài ra, từ đường họ Lê ở thôn Văn Minh là di tích tiêu biểu của dòng họ lớn trong vùng. Được xây dựng từ thời Hậu Lê, công trình hiện lưu giữ nhiều sắc phong, hoành phi, câu đối cổ. Đây là nơi tổ chức tế lễ, hội họp họ tộc, hoạt động khuyến học, gìn giữ đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và góp phần gắn kết cộng đồng địa phương.

Phát huy giá trị di tích sau sáp nhập

Đồng chí Phan Viết Thắng, Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa cho biết: Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, chính quyền và nhân dân xã Trung Nghĩa đặc biệt chú trọng công tác bảo tồn hệ thống di tích trên địa bàn. Ngay từ những ngày đầu thành lập xã mới, UBND xã đã rà soát, kiện toàn các ban quản lý di tích tại từng địa điểm, đồng thời củng cố ban khánh tiết ở các đình, chùa để trông coi cơ sở thờ tự và tổ chức nghi lễ. Mỗi di tích đều có một ban quản lý gồm các cụ cao niên uy tín cùng đại diện chính quyền thôn, Hội Người cao tuổi, đoàn thể… Thông qua đó, vai trò tự quản của cộng đồng trong bảo vệ di sản được phát huy, dưới sự hướng dẫn hỗ trợ của chính quyền. Xã Trung Nghĩa hiện có nhiều đội tế nam quan, tế nữ quan hoạt động sôi nổi tại các đình, đền. Các đội tế quy tụ những người am hiểu nghi lễ cổ truyền.

Không chỉ dừng ở việc gìn giữ, xã còn tích cực phát huy giá trị di tích bằng nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo. Các trường học trên địa bàn đã tổ chức cho học sinh những buổi học ngoại khóa tại các di tích lịch sử. Các em được nghe kể chuyện về nữ tướng Lương Thị Minh Nguyệt khi thăm đình Ruối, được tận mắt ngắm nhìn hoành phi, câu đối cổ tại đình Thông, hay tìm hiểu về nghi lễ thờ Mẫu trong phủ Nhuộng. Qua mỗi chuyến đi thực tế, học sinh thêm yêu lịch sử quê nhà và hình thành ý thức trân trọng di sản. Phong trào toàn dân chung tay bảo vệ di tích cũng lan tỏa khắp các thôn xóm. Hàng tháng, các chi Hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh… lại huy động hội viên tham gia tổng vệ sinh khuôn viên đình, chùa. Từng gốc cây sân đình, từng bức tường rêu phong đều được người dân quét dọn, giữ gìn sạch đẹp. Các camera an ninh đã được lắp đặt tại các điểm di tích để phòng ngừa trộm cắp cổ vật và giám sát, nhắc nhở du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham quan. Các lễ hội đình, đền ngoài chú trọng bảo tồn phần lễ trang nghiêm, phần hội cũng phong phú với trò chơi dân gian, văn nghệ quần chúng tái hiện lịch sử địa phương, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Qua đó, di sản văn hóa được “sống” trong đời sống đương đại, trở thành nguồn lực tinh thần gắn kết cộng đồng và giáo dục truyền thống hiệu quả.

Nâng cấp hạ tầng - nguồn lực cho di sản

Xác định di sản văn hóa là tài sản quý báu, trên cơ sở kế thừa từ các địa phương, xã Trung Nghĩa đã huy động nhiều nguồn lực để tôn tạo di tích cũng như phát triển hạ tầng phục vụ công tác bảo tồn. Nhiều hạng mục trùng tu, tôn tạo di tích quy mô lớn đã được thực hiện với sự chung tay của Nhà nước và nhân dân. Tiêu biểu như tại quần thể đình - chùa - phủ Nhuộng, từ năm 2015 đến nay đã tiến hành trùng tu lớn: tu bổ tiền đường và hậu cung đình, tôn tạo tiền đường chùa, gia cố nền móng phủ Thánh Mẫu… với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Công trình hoàn thành khang trang nhưng vẫn giữ nguyên các yếu tố gốc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Đình Ruối từ năm 2019 cũng được đầu tư tu sửa mái ngói, sơn son thếp vàng lại các hoành phi câu đối, kinh phí huy động từ con em quê hương đóng góp cùng ngân sách hỗ trợ. Nhờ đó, các di tích xuống cấp dần được tôn tạo bền vững hơn, kéo dài tuổi thọ. Cùng với trùng tu, việc cải thiện hạ tầng giao thông tới các điểm di tích đã tạo điều kiện thuận lợi để kết nối di sản. Từ năm 2022, con đường dài 2km dẫn vào khu đình Ruối đã được trải nhựa hoàn thiện, giúp người dân và du khách về hành hương thuận tiện. Tuyến đường vào đình Nhuộng dài khoảng 300m cũng được bê tông hóa từ năm 2017, mở rộng hơn so với lối mòn nhỏ hẹp trước kia, xe ô tô có thể vào tận nơi. Hệ thống biển chỉ dẫn, thuyết minh về di tích được lắp đặt tại các trục đường chính, vừa chỉ đường vừa giới thiệu sơ lược để du khách hiểu về giá trị di sản. Cùng với Nhà nước, người dân địa phương đã tự nguyện hiến đất, góp công để mở đường, chỉnh trang khu vực cảnh quan quanh di tích. Sự đồng thuận từ ý Đảng - lòng dân cho thấy di sản văn hóa thực sự đã trở thành động lực chung, kết nối chính quyền và nhân dân xã Trung Nghĩa trong mục tiêu xây dựng quê hương giàu đẹp.

Sáp nhập ba xã, Trung Nghĩa trở thành điểm hội tụ của nhiều di sản. Trong dòng chảy hiện đại, việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền mà cần sự tham gia tích cực của người dân. Mỗi ngôi đình, mái chùa, nhà thờ họ là dấu tích của quá khứ, qua đó góp phần nuôi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững hôm nay và mai sau.

Bài và ảnh: Viết Dư

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202504/xa-trung-nghia-voi-cong-tac-bao-ton-di-tich-d1b7f84/