Xã Tuân Đạo chủ động ứng phó, phòng ngừa thiên tai
Giai đoạn 2017 - 2018, mưa lớn kéo dài kèm theo sạt lở đất làm 34 hộ ở xã Tuân Đạo (Lạc Sơn) cấp bách di dời đến nơi ở mới, để đảm bảo an toàn tính mạng. Hiện nay, toàn xã có 4/9 thôn, xóm nằm trong vùng tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, cấp ủy, chính quyền xã đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động phòng chống, ngăn ngừa thiên tai. Qua đó, giảm thiểu thiệt hại tối đa về người, tài sản, hoa màu.
Khảo sát thực tế tại địa bàn xóm Chạo Nạc, các hộ dân hiện đang sinh sống rải rác dọc theo khu vực chân đồi, phía trên là đồi núi cao, phía dưới là đất sản xuất nông nghiệp. Toàn xóm có 266 hộ, 1.169 nhân khẩu. Năm 2018, mưa lớn kéo dài xảy ra tình trạng sạt lở đất, khiến 17 hộ trong xóm phải di dời đến nơi ở mới.
Ông Quách Văn Dũng, Trưởng xóm Chạo Nạc cho biết: "Địa hình tự nhiên hiểm trở, diện tích đất ở hạn hẹp, do đó, các hộ buộc phải dựng nhà ở khu vực ven sườn đồi để ở. Tuy nhiên, tại đây nền đất không ổn định, đồi núi cao tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt đất, đá trong mùa mưa lũ. Xóm hiện được xác định nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, trong đó, gần 20 hộ thuộc diện cấp bách di dời đến nơi ở mới. Trước thực tế đó, xóm đã tổ chức rà soát các khu vực xung yếu. Tích cực tuyên truyền người dân chủ động gia cố nhà cửa, chuồng trại, sử dụng bạt khổ lớn để chằng chéo những điểm có nguy cơ sạt lở cao”.
Không những phòng ngừa sạt lở đất, tình trạng đá lăn cũng tiềm ẩn nguy cơ cao tại địa bàn xóm Đào, xóm Đanh. Trước đó, năm 2018, đá lăn đã xảy ra tại địa bàn xóm Đanh, rất may không có thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân.
Xã Tuân Đạo hiện có trên 5.200 nhân khẩu, 1.159 hộ, sinh sống tại 9 xóm. Qua rà soát, toàn xã có khoảng 600 hộ thuộc các xóm: Rài, Chạo Nạc, Đanh, Đào… nằm trong vùng nguy cơ xảy ra thiên tai sạt lở đất, đá. Các hộ dân chủ yếu sinh sống trong nhà sàn, nhà bán kiên cố chiếm đến 70%, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Nguyên nhân do địa hình chủ yếu là đồi núi cao, diện tích đất ở vỏn vẹn 89,86 ha, chiếm khoảng 7%. Toàn xã chỉ có 2/9 thôn, xóm có địa hình bằng phẳng, các hộ dân phải dựng nhà ở khu vực chân đồi, ven sườn núi để định cư.
Ngay từ đầu năm, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) xã đã nhanh chóng kiện toàn các ngành, thành viên. Thành lập các đội xung kích ứng phó thiên tai, phòng chống lũ bão. Tổ chức họp bàn, triển khai kế hoạch rà soát các khu vực xung yếu, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. Tăng cường phối hợp giữa Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã với các thôn, xóm tuyên truyền đến người dân chủ động gia cố nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi. Phân công cán bộ bám địa bàn, kịp thời báo cáo cấp trên khi xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ. Khi xảy ra thiên tai thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ”. Tổ chức ứng trực, chủ động lập kế hoạch di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Đảm bảo lương thực, thực phẩm phục vụ Nhân dân trong thời gian diễn ra mưa lớn kéo dài.
Đồng chí Bùi Văn Bèo, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Nhờ chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, mưa lớn trên địa bàn xã không gây thiệt hại về người và hoa màu. Thời gian tới, xã mong muốn Nhà nước quan tâm, hỗ trợ kinh phí khảo sát, lập quy hoạch khu tái định cư, để di dời các hộ nằm trong vùng nguy cơ cao đến nơi an toàn. Quan tâm, hỗ trợ 34 hộ dân di dời đến nơi ở mới năm 2018 vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, sản xuất. Nỗ lực đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trong mùa mưa bão, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhân dân”.