Xã Vũ Di: Đưa cơ giới hóa vào sản xuất sau dồn thửa đổi ruộng

Tuy không được chọn làm điểm triển khai DTĐR, song năm 2017, xã Vũ Di (Vĩnh Tường) là một trong những xã đầu tiên của tỉnh DTĐR thành công. Với cánh đồng mẫu lớn, xã đã đẩy mạnh áp dụng đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giúp tăng năng suất, thu nhập cho bà con nông dân, tạo tiền đề hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư liên kết và bao tiêu sản phẩm.

Thực hiện DTĐR đã tạo tiền đề giúp nông dân xã Vũ Di (Vĩnh Tường) áp dụng đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất, thu nhập.Ảnh Thế Hùng

Thực hiện DTĐR đã tạo tiền đề giúp nông dân xã Vũ Di (Vĩnh Tường) áp dụng đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất, thu nhập.Ảnh Thế Hùng

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã Vũ Di có nhiều cánh đồng màu mỡ, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do ruộng đất giao khoán đến hộ dân bị phân tán, nhỏ lẻ, khó đưa cơ giới hóa vào sản xuất, dẫn đến năng suất canh tác cây trồng không cao.

Xác định rõ những khó khăn, sau khi Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 11 về thực hiện DTĐR, xã Vũ Di đã lên kế hoạch DTĐR trên diện tích 72,3 ha đất nông nghiệp. Thời gian đầu triển khai, công tác DTĐR gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và người dân, Vũ Di đã DTĐR thành công. Tổng kinh phí thực hiện DTĐR của xã là 7,7 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ là 2,1 tỷ đồng, người dân đóng góp là 5,6 tỷ đồng.

Ông Lê Hồng Hà, Chủ tịch UBND xã Vũ Di cho biết: “Trước DTĐR, toàn xã có 1.748 thửa ruộng, trung bình 6,5 thửa/hộ, phân bố ở các xứ đồng khác nhau. Sau DTĐR, toàn xã chỉ còn 714 thửa, trung bình 1,7 thửa/hộ.

Việc thực hiện thành công DTĐR là bước ngoặt lớn trong phát triển ngành nông nghiệp của xã, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giúp bà con nông dân nâng cao năng suất, thu nhập.

Xã hiện có 12 máy làm đất do người dân đầu tư, sau DTĐR, xã bước đầu đã hình thành vùng sản xuất tập trung, tiêu biểu trong số đó là HTX Dịch vụ tổng hợp Yên Nhiên với diện tích canh tác đạt 119 ha và HTX Nông nghiệp và dịch vụ Vũ Xuân với diện tích canh tác đạt 35 ha”.

Tại HTX Dịch vụ tổng hợp Yên Nhiên, thôn Yên Nhiên, xã Vũ Di, trước đây, diện tích canh tác của HTX không đạt đủ 360m2/1 sào do phải làm đường đi, sau DTĐR, các bờ ruộng được nối liền kề, nâng diện tích canh tác lúa/ 1 sào đạt 100%.

Hiện nay, đường vào ruộng đều là đường lớn, 100% diện tích canh tác được cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch. Ông Đặng Thành Công, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Yên Nhiên cho biết: “Nhờ tăng diện tích canh tác, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, năng suất lúa của HTX tăng từ 63 tạ/ha (trước DTĐR) lên hơn 65 tạ/ha.

Ngoài ra, với các thửa ruộng liền kề, vào vụ Đông, thay vì gieo trồng manh mún, nhỏ lẻ như trước, HTX chuyển sang trồng bí đỏ quy mô lớn, sản lượng đạt trung bình 15 tấn/ha, giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập”.

Năm 2021, Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Tường phối hợp với Công ty cổ phần Nicotex (Bộ Quốc phòng) tổ chức hội nghị đầu bờ, trình diễn phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa bằng máy bay không người lái trên diện tích đã DTĐR tại thôn Yên Nhiên.

Việc phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái giúp tăng tính chính xác tương đối với từng khoảng ruộng theo yêu cầu, qua đó tiết kiệm được 20% – 30% lượng thuốc và 90% lượng nước, đồng thời, giảm chi phí thuê dịch vụ phun, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa trên đơn vị diện tích canh tác. Sau hội nghị, nhận thức của nông dân trong việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, cái khó đối với xã Vũ Di hiện nay là nhận thức của người dân đối với đầu ra sản phẩm. Theo Chủ tịch UBND xã Lê Hồng Hà, điều kiện của xã để hình thành vùng sản xuất tập trung đã có, sản lượng và chất lượng sản phẩm đang từng bước nâng cao, đáp ứng nhu cầu của DN; tuy nhiên, một bộ phận bà con nông dân vẫn còn tư tưởng chỗ nào giá cao thì bán, dẫn đến khó thu hút DN bao tiêu đầu ra sản phẩm ổn định.

Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con nông dân về tầm quan trọng của việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đồng thời, chủ động tìm kiếm thị trường, xúc tiến đầu tư đối với các DN tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất để bà con yên tâm sản xuất và nâng cao năng suất, giá trị cây trồng.

Hoàng Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/78636/xa-vu-di-dua-co-gioi-hoa-vao-san-xuat-sau-don-thua-doi-ruong.html