Xác định giới hạn sử dụng không gian ngầm

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có vấn đề phân định rõ phạm vi không gian ngầm được phép sử dụng của người có quyền sử dụng đất, phạm vi không gian ngầm thuộc quyền quản lý, khai thác của Nhà nước.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất cần có quy định trong Luật Thủ đô để phân định rõ phạm vi không gian ngầm được phép sử dụng của người có quyền sử dụng đất, phạm vi không gian ngầm thuộc quyền quản lý, khai thác của Nhà nước.

Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3. Ảnh minh họa: VGP/Thành Nam.

Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3. Ảnh minh họa: VGP/Thành Nam.

Hiện tại, dự thảo Luật hiện đang thiết kế 2 phương án về nội dung này. Phương án 1 quy định ngay trong Luật người sử dụng đất được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến 15m vào lòng đất. Ngoài giới hạn độ sâu này, người sử dụng đất vẫn được sử dụng nếu phù hợp quy hoạch nhưng phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và phải trả tiền theo quy định của Chính phủ.

Việc xác định giới hạn độ sâu 15m là căn cứ vào phạm vi phân vùng chức năng được xác định tại Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phương án này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho thành phố Hà Nội trong việc chủ động quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm một cách hiệu quả, xác định rõ giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, minh bạch hóa quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất, tạo thuận lợi cho việc khai thác giá trị gia tăng từ đất và triển khai xây dựng hệ thống đường sắt đô thị.

Phương án 2 giao Chính phủ quy định mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng; các nội dung khác quy định tương tự như Phương án 1.

Phương án này có ưu điểm là có thể quy định giới hạn độ sâu người sử dụng đất được toàn quyền sử dụng một cách linh hoạt hơn, phù hợp với đặc điểm địa chất và tiềm năng khai thác, sử dụng không gian ngầm của từng khu vực. Do đây cũng là nội dung mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm, nên nếu giao Chính phủ quy định chi tiết thì trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, bất cập Chính phủ sẽ kịp thời sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, việc xác định quyền của người sử dụng đất bề mặt trong việc sử dụng không gian ngầm thực chất là việc hạn chế quyền của người sử dụng đất, vì vậy, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì nội dung này cần được quy định trong luật của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban và các cơ quan tán thành phương án 1.

Cho ý kiến về nội dung này, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, đây là nội dung khó, phức tạp và là mối quan tâm của nhiều thành phố lớn trên thế giới chứ không chỉ riêng chúng ta. Thực tế nhiều nước đang triển khai rất tốt việc quản lý, sử dụng không gian ngầm.

Tổng Thư ký Quốc hội tán thành với phương án 2 là giao Chính phủ quy định giới hạn độ sâu người sử dụng đất thuộc địa bàn thành phố Hà Nội được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng để tạo sự chủ động, linh hoạt cho Chính phủ và thành phố Hà Nội, tránh khó khăn trong việc thực hiện đối với từng trường hợp cụ thể.

“Bởi lẽ, nếu theo phương án 1, các cơ quan đề xuất xác định cụ thể quyền của người sử dụng đất thuộc địa bàn thành phố Hà Nội được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến 15m vào lòng đất, việc sử dụng lòng đất ngoài giới hạn độ sâu 15m phải được xem xét cấp phép.

Việc xác định phạm vi sử dụng không gian ngầm cụ thể là rất cần thiết, vì hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, gây khó khăn trong quá trình thực hiện và khai thác. Tuy nhiên, nếu đề xuất con số nào thì cũng cần có đánh giá một cách khoa học, toàn diện hơn, phù hợp với từng vị trí, từng khu vực và phải đảm bảo phù hợp với địa chất của từng nơi. Nếu ghi ngay vào trong Luật thì có mặt tích cực là rõ ràng, nhưng nếu quy định đó không phù hợp với thực tiễn thì phải tiến hành sửa luật”, Tổng Thư ký Quốc hội nói.

Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, kinh nghiệm một số nước để quy định cho phù hợp là quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương. Theo ông, ngay trong thành phố Hà Nội thì mỗi quận, huyện, thậm chí mỗi phường, xã địa chất cũng khác nhau, không nơi nào giống nơi nào. Luật nên đưa ra một khung chung, có thể từ 15 đến 30m, với những công trình đặc thù về quốc phòng, an ninh... thì giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, quy định giới hạn độ sâu 15m căn cứ vào quy hoạch của Hà Nội ban hành về quản lý không gian ngầm từ năm 2022. Thực tiễn trên thế giới đã có các quy định khác nhau, có nước thì 6m, có nước thì 25m, Hà Nội theo quy hoạch thì có thể phân ra là 3 cấp, nông là khoảng 5m, trung bình thì khoảng 15m, còn sâu hơn để làm tuy-nen... thì có thể từ 15m đến 30m, phụ thuộc vào các điều kiện, hoàn cảnh khác nhau.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, thực tế khi giám sát về pháp luật xây dựng ở Thủ đô thì thấy việc sử dụng không gian ngầm cũng có rất nhiều độ sâu khác nhau. Vì vậy, có lẽ cần phải nghiên cứu, tham vấn thêm để đưa ra một phương án linh hoạt nhất, thuyết phục nhất.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ông nghiêng về phương án 2. Theo Chủ tịch Quốc hội, trong Luật nói rằng không gian ngầm là có giới hạn, còn giới hạn cụ thể như thế nào trong khi chưa có pháp luật chuyên ngành thì giao cho Chính phủ là phù hợp.

“Một cao ốc trên 100 tầng thì người ta đóng cọc móng có khi phải đến mấy chục mét. Nếu nói rằng trường hợp quá 15m phải phù hợp với quy hoạch, phải xin phép, thì lại đẻ ra giấy phép con, lại đi xin, đi cho. Không biết thế nào mà dừng ở chỗ này, lại tạo ra cơ chế tiêu cực ở đây”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xac-dinh-gioi-han-su-dung-khong-gian-ngam-167716.html