Xác định những nhiệm vụ đột phá
Tổ biên tập văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã hoàn thành cơ bản đề cương chi tiết Văn kiện đại hội trình Ban TVTU cho ý kiến. Đây là một bước rất quan trọng định hình kết cấu và nội dung xuyên suốt, cốt lõi của Văn kiện đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tới.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường: “Nội dung quan trọng sẽ thu hút chú ý của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đó là những nhiệm vụ mang tính đột phá được xác định trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Nếu nhiệm vụ đột phá được xác định đúng, có những giải pháp cụ thể, thực hiện thành công sẽ tạo cho tỉnh một sự phát triển mới, mạnh mẽ hơn”.
* Xác định nhiệm vụ trọng tâm
Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, cần xác định vị trí của nông nghiệp, nông dân và nông thôn một cách chính xác. Hiện có 50% người dân Đồng Nai sống ở nông thôn, tuy nhiên đóng góp của nông nghiệp mới chỉ chiếm 5% trong tỷ trọng kinh tế của tỉnh. Muốn nâng cao đời sống cho nông dân thì phải phát triển công nghệ cao cho nông nghiệp, tránh tình trạng phát triển manh mún và rủi ro trong sản xuất.
Trong quá trình biên soạn dự thảo Văn kiện Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, Tổ biên tập văn kiện đã đưa ra nhiều phương án chọn các lĩnh vực đột phá. Góp ý cho nội dung này, các đồng chí trong Ban TVTU cho rằng, tất cả các lĩnh vực đều phải quan tâm phát triển đồng bộ. Tuy nhiên, để tránh dàn trải, không bị phân tán nguồn lực đầu tư, cần xác định chính xác những nhiệm vụ và lĩnh vực đột phá sát với tình hình phát triển thực tế của tỉnh.
Trong đó, bốn lĩnh vực đột phá được các đồng chí trong Ban TVTU gợi ý nên đưa vào đề cương chi tiết văn kiện là: phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển thương mại - dịch vụ và nâng cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Ngoài việc xác định được những nội dung đột phá, Tổ biên tập văn kiện cần đưa ra các giải pháp thực hiện hiệu quả, không để nhiệm vụ xác định rõ nhưng lại thiếu giải pháp thực hiện. Đặc biệt, những giải pháp đột phá nhiệm kỳ tới phải có sự tiếp nối tinh thần phát triển được xác định trong nhiệm kỳ trước.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cho rằng, việc xác định nhiệm vụ đột phá rất quan trọng nhưng cần phải tính toán phù hợp, sát với tình hình và yêu cầu thực tiễn. Đồng chí nêu ví dụ, thời gian qua, tỉnh đã chọn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một khâu đột phá. Đây là nội dung hoàn toàn đúng và cần thiết, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện lại chưa có những giải pháp mang lại kết quả đột phá thực sự như mong muốn. Bí thư Tỉnh ủy phân tích: “Nhiều cán bộ được tỉnh đưa đi đào tạo ở nước ngoài trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nhưng khi về lại chưa phát huy được hiệu quả rõ nét, trong khi đó ngân sách chi đào tạo nguồn nhân lực rất lớn. Vì vậy, thời gian tới cần tính toán lại công tác này cho tốt và hiệu quả hơn”.
* Tính toán kỹ
Bốn lĩnh vực đột phá được xác định tại Đại hội X Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2015-2020):
- Huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ.
- Nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ.
- Xây dựng chính quyền điện tử, nền hành chính hiện đại.
- Tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho rằng: “Việc xác định được lĩnh vực để tạo ra đột phá, tạo sự chuyển biến rõ nét, kích thích các lĩnh vực khác phát triển có ý nghĩa quan trọng. Có thể không cần nhiều nhưng đã chọn lĩnh vực nào là phải thực hiện cho được”.
Đồng chí Võ Văn Chánh đề xuất nên chọn hai lĩnh vực đột phá trong nhiệm kỳ tới, đó là đầu tư đồng bộ và hiện đại cho hệ thống hạ tầng giao thông và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng chí phân tích, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, là đầu mối giao thông chiến lược của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng hạ tầng giao thông so với một số tỉnh còn nhiều hạn chế.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, đồng chí cho rằng, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn thấp, sản xuất bấp bênh, đóng góp của nông nghiệp chưa nhiều. Muốn phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững và hiệu quả cao thì không thể không ứng dụng công nghệ cao, vì đây là xu hướng tất yếu.
Về lĩnh vực giao thông, theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường, giao thông phải đồng bộ từ thành thị tới nông thôn, đặc biệt phải tạo được kết nối. Đồng chí Nguyễn Phú Cường thẳng thắn chỉ rõ: “Giao thông đô thị Biên Hòa đã hàng chục năm nay không phát triển, nhiều dự án trọng điểm cũng đang làm rất chậm thì không biết khi nào Biên Hòa mới phát triển hiện đại như mong muốn nên phải tính toán lại rất khẩn trương”.
* Cần giải pháp đồng bộ
Một trong những lĩnh vực tiềm năng của tỉnh nhưng chưa phát triển, cần tạo ra sự đột phá trong nhiệm kỳ tới, đó chính là phát triển thương mại - dịch vụ. Đồng chí Nguyễn Phú Cường cho rằng, đến nay lĩnh vực này vẫn đang “giậm chân tại chỗ”. Chẳng hạn dự án du lịch Cù lao Ba Xê vẫn còn vướng chưa thể triển khai mà trách nhiệm thuộc về Sở Tài nguyên - môi trường. Hay du lịch rừng của Đồng Nai tiềm năng và giá trị rất lớn, doanh nghiệp xin đầu tư để phát triển dịch vụ nhưng còn gặp nhiều khó khăn khi thủ tục chưa thông suốt, doanh nghiệp còn phải đi lòng vòng mà trách nhiệm đúng lẽ phải thuộc về các sở, ngành.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, cần phải tạo ra đột phá trong lĩnh vực hạ tầng giao thông nếu không quá trình phát triển của tỉnh sẽ bị hạn chế rất nhiều. Đồng chí Cao Tiến Dũng nêu ví dụ điển hình về những bất cập trong triển khai xây dựng Cảng Phước An tại huyện Nhơn Trạch. Đã nhiều năm triển khai các thủ tục đầu tư nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn còn gặp khó. Đồng chí trăn trở: “Chúng ta không thể đứng nhìn hàng trăm doanh nghiệp hằng ngày vận chuyển hàng hóa lên các cảng tại TP.Hồ Chí Minh phải chịu nhiều chi phí tốn kém, rồi tình trạng kẹt xe, chi phí đội lên cao, thậm chí tỉnh còn thất thu thuế vì doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại TP.Hồ Chí Minh”.
Cũng theo đồng chí Cao Tiến Dũng, người dân Đồng Nai rất mong và kỳ vọng bộ mặt đô thị Biên Hòa sẽ thay đổi trong nhiệm kỳ tới. “Không thể để cho bao nhiêu người đi rồi quay lại Biên Hòa vẫn thấy nhiều năm rồi vẫn y như vậy, không thay đổi được gì nhiều. Cần phải đưa nội dung phát triển hạ tầng đô thị Biên Hòa vào Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tới để buộc Biên Hòa phải có sự thay đổi nhiều hơn nữa. Cần đẩy nhanh các dự án trọng điểm trên địa bàn TP.Biên Hòa đã có từ lâu nhưng chậm triển khai” - đồng chí Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Nói về việc tạo ra sự đột phá nhằm tăng cường tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, có nhiều ý kiến trong Ban TVTU cho rằng, chỉ cần cán bộ, đảng viên làm tốt công tác cải cách hành chính là đã tạo ra rất nhiều thay đổi. Công tác cải cách hành chính tốt hay không phụ thuộc lớn vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý đến cán bộ chuyên môn. Ở đâu làm tốt công tác cải cách hành chính, hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm được giao thì ở đó tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên được phát huy. Tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên nằm ở hành động chứ không chỉ là lời nói hay khẩu hiệu chung chung.
Theo Ủy viên Ban TVTU, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Bình, sau khi xây dựng dự thảo Văn kiện báo cáo chính trị Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, ngoài lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân thì cần tổ chức các hội thảo sâu để lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học. Theo đồng chí Huỳnh Thanh Bình, nên tổ chức những hội thảo chuyên đề riêng về từng lĩnh vực phát triển gắn với tỉnh như: kinh tế số, đô thị thông minh, dịch vụ tài chính và logistics, công tác Dân vận trong tình hình mới...