Xác định ranh giới vùng đệm di sản vịnh Hạ Long: một quy trình ngược?

Vụ lùm xùm liên quan đến việc xây dựng khu đô thị 10B bằng cách san lấp biển lấn vào vùng đệm vịnh Hạ Long thể hiện sự lúng túng trong quản lý di sản. Thông tin mới nhất từ Bộ Xây dựng cho thấy, đến hiện tại, ranh giới vùng đệm vịnh Hạ Long vẫn chưa được xác định chính xác.

Theo bản đồ vịnh Hạ Long, khu vực lõi di sản vịnh Hạ Long rộng 434 km2 trải dài từ TP Hạ Long đến huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), còn vùng đệm di sản rộng khoảng 306 km2, trong đó hơn 242 km2 thuộc tỉnh Quảng Ninh và khoảng 64 km2 thuộc TP Hải Phòng.

Với vai trò đặc biệt quan trọng của quần thể thiên nhiên vịnh Hạ Long, lẽ ra hồ sơ, bản đồ liên quan đến việc phân định ranh giới vùng lõi và vùng đệm phải được xác định từ lâu.

Tuy nhiên, đến khi Chính phủ chỉ đạo kiểm tra dự án xây cất lấn vùng đệm vịnh Hạ Long thì ba bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa – Thể thao và Du lịch vẫn loay hoay đi tìm câu trả lời.

Cuối tuần này, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi hai bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa – Thể thao và Du lịch để xác định rõ ranh giới vùng đệm di sản vịnh Hạ Long.

Điều khá bất ngờ qua các văn bản này là các cơ quan quản lý nhà nước lại thiếu quá nhiều thông tin. Đầu tiên là chưa rõ bản đồ vịnh Hạ Long tỉ lệ 1/50.000, số đăng ký KHXB:6-472/CXB-QLXB ngày 18-6-1998 được đăng tải trên website của UNESCO có đủ cơ sở pháp lý theo quy định pháp luật Việt Nam không.

Một vấn đề khác là dự án 10B được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hồi tháng 6-2023 trước khi phê duyệt đầu tư dự án. Tuy nhiên, việc phê duyệt ĐTM này có thuộc thẩm quyền cấp tỉnh và nội dung ĐTM có đáp ứng đủ quy định pháp luật hay không cũng chưa được làm rõ.

Tương tự, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xác định ranh giới vùng đệm 1 và 2 của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đã được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam và UNESCO chấp thuận ở thời điểm nào, theo quy định nào của pháp luật.

Cũng theo Bộ Xây dựng, văn bản hồi đầu năm 2023 của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch góp ý kiến thỏa thuận dự án khu đô thị 10B không thể hiện rõ việc đồng ý hay không đồng ý việc xây dựng công trình tại dự án (1).

Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, vị trí san lấp biển của dự án 10B thuộc vùng bảo vệ II Di tích quốc gia đặc biệt vịnh Hạ Long. Việc đổ đất thi công mà không có giải pháp bảo vệ sẽ gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng tới các hệ sinh thái.

Vịnh Hạ Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) hai lần công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới (World Natural Heritage) vào năm 1994 và năm 2000. Giữa tháng 9-2023, Ủy ban Di sản thế giới UNESCO đã công nhận vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà là di sản thế giới (World Heritage).

Địa điểm được UNESCO công nhận là di sản thế giới bao gồm cả di sản thiên nhiên và di sản văn hóa như các công trình kiến trúc, di tích lịch sử. Chương trình Di sản thế giới nhằm bảo tồn và bảo vệ những di sản có giá trị đặc biệt đối với con người và nhân loại.

Việc vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà được công nhận là di sản thế giới cho thấy đây là khu vực cần bảo vệ không chỉ thiên nhiên mà còn là cả các công trình kiến trúc. UNESCO còn quy định “quốc gia sở tại có trách nhiệm bảo vệ và quản lý di sản thế giới và di sản thiên nhiên thế giới theo các tiêu chí và nguyên tắc của UNESCO”.

Điều này đồng nghĩa với việc các công trình xây dựng ở khu vực vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà đã được công nhận là di sản thế giới phải được xem xét cẩn thận hơn nhiều trước khi phê duyệt.

Thế nhưng theo thông tin trên báo chí khi vụ lấp biển mới bị phát hiện hồi đầu tháng 11 thì chủ đầu tư cho biết dự án đã được chính quyền tỉnh Quảng Ninh phê duyệt. Theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thì trong tổng diện tích gần 32 ha của dự án này có 3,88 ha thuộc vùng đệm vịnh Hạ Long. Đại diện chính quyền thành phố Cẩm Phả thì cho biết đây là dự án cấp tỉnh và đã được tham vấn ý kiến của các bộ, ngành liên quan trước khi phê duyệt (2).

Trong khi có quá nhiều cái thiếu và chưa xác định như vậy, chính quyền tỉnh Quảng Ninh vẫn phê duyệt cho chủ đầu tư dự án 10B tiến hành lấp biển để xây dựng gần 500 căn biệt thự, nhà phố, khách sạn cao tầng và các bộ liên quan cũng không nêu ý kiến rõ ràng.

Trong vụ lấp biển này, trách nhiệm không chỉ ở phía địa phương mà còn ở các cơ quan trung ương. Các bộ ngành chức năng không có đầy đủ tài liệu về quần thể vịnh Hạ Long thì lấy gì làm căn cứ trả lời cho địa phương về dự án, làm sao có thể xác định dự án hợp lệ hay không, mức độ tác động đến đâu thì không được phép?

Lẽ ra phải bắt đầu từ việc xây dựng hồ sơ xác định chính xác ranh giới vùng lõi, vùng đệm và các quy định liên quan đến xây dựng trong khu vực vịnh Hạ Long.

Thế nhưng mọi việc lại đang diễn ra ngược lại: dự án đã bắt đầu xây dựng, san lấp biển thì các cơ quan có trách nhiệm quản lý mới hỏi nhau để xác định ranh giới vùng đệm, việc xây dựng đã hợp lệ chưa, việc phê duyệt ĐTM có đúng thẩm quyền hay không!

—————————————–

Song Nghi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/xac-dinh-ranh-gioi-vung-dem-di-san-vinh-ha-long-mot-quy-trinh-nguoc/