Xác định rõ trách nhiệm khâu 'đầu vào' dự án
Một trong những vấn đề gây bức xúc hiện nay chính là tình trạng các dự án có thực hiện thu hồi đất chậm triển khai, kéo dài ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên cũng đã được các ngành chức năng “điểm mặt, chỉ tên” - chính là sự chậm chạp trong khâu giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án. Tất nhiên, sự chậm chạp trong khâu giải phóng mặt bằng cũng được lý giải bởi nhiều nguyên nhân như: những bất cập trong chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư, sự “lệch pha” trong mức giá đền bù của Nhà nước với yêu cầu của người dân, năng lực của đội ngũ làm công tác bồi thường…
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, ngoài những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, không ít các dự án rơi vào tình trạng chậm triển khai, kéo dài đến ngay từ năng lực của chủ đầu tư. Nói cách khác, nhiều dự án dù được đưa vào danh mục thu hồi đất nhưng lại không có khả năng thực hiện.
Hằng năm, các cơ quan chức năng đều phải trình HĐND tỉnh thông qua kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện, trong đó có các dự án sẽ thực hiện thu hồi đất để triển khai thực hiện. Đây là cơ sở pháp lý để thực hiện thu hồi đất, triển khai các dự án phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, vào thời điểm giữa năm, kế hoạch sử dụng đất lại được điều chỉnh, bổ sung.
Đối với các dự án, để được đưa vào danh mục thu hồi đất trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm phải đáp ứng được nhiều điều kiện như: bố trí được vốn đầu tư, xác định được chủ đầu tư và phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều dự án khi được đưa vào danh mục thực hiện thu hồi đất lại không bố trí được vốn để thực hiện dẫn đến tình trạng chậm triển khai, kéo dài.
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, hằng năm, các địa phương cấp huyện đưa lên rất nhiều dự án. Qua tổng hợp, rà soát, Sở cũng đã loại bỏ nhiều dự án vì chưa đáp ứng các điều kiện. Tuy nhiên, một số dự án khi được cấp huyện đề xuất được “ghi chú” với tên gọi “dự án khẩn cấp, dự án bức xúc cần triển khai” khiến đơn vị rất khó xử lý. Bởi thời điểm đề xuất, các dự án này chưa bố trí được nguồn vốn thì theo quy định không được đưa vào danh mục dự án thu hồi đất. Tuy nhiên, nếu sau này, khi bố trí được nguồn vốn nhưng dự án do không được đưa vào danh mục dự án thực hiện thu hồi đất sẽ không thể triển khai thực hiện. Lúc bấy giờ trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
Do đó, để có thể giải quyết triệt để tình trạng chậm triển khai, kéo dài khi thực hiện các dự án có thu hồi đất, ngoài câu chuyện xác định rõ trách nhiệm trong khâu giải phóng mặt bằng cũng cần phải “rạch ròi” trong việc xác định trách nhiệm đối với các dự án đã được đưa vào danh mục nhưng không thể triển khai thực hiện. Nói cách khác, đã đến lúc cần xác định luôn trách nhiệm đối với khâu “đầu vào” khi xét các dự án để đưa vào danh mục thu hồi đất.