Xác định trọng tâm, trọng điểm, tạo đột phá trong phát triển văn hóa

Sáng 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với đề xuất của Chính phủ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Theo đề xuất, Chương trình sẽ thực hiện trong 11 năm, chia làm 3 giai đoạn với 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết.

Qua thảo luận, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với chủ trương đầu tư Chương trình, nhấn mạnh tính cần thiết, cấp bách cần sớm trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua để triển khai thực hiện, song cũng lưu ý một số nội dung để thực sự tạo đột phá trong phát triển văn hóa, để công nghiệp văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Các ý kiến cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển của văn hóa, góp phần phát triển bền vững đất nước, trong đó đưa ra những chính sách quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ, dự án quan trọng, cấp bách của ngành văn hóa, không thay thế các nhiệm vụ đầu tư thường xuyên khác của Nhà nước trong ngành văn hóa. Do đó cần phải xác định được trọng tâm, trọng điểm, mang tính tầm cỡ để đầu tư, tạo ra những đột phá, trong đó công nghiệp văn hóa là lĩnh vực cần phải đặc biệt quan tâm. Đây cũng là xu thế của thời đại, là một trong những động lực tăng trưởng. Vì vậy, nếu Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP là vẫn thấp, chưa thực sự tương xứng.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là Chương trình rất quan trọng góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng và kết luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Việc thực hiện Chương trình sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ, phát triển bền vững đất nước, xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, Chương trình cần thể hiện rõ hơn một số nội dung, như: về công nghiệp văn hóa; việc xây dựng trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, các đột phá, điểm nhấn của Chương trình. UBTVQH thống nhất hồ sơ chương trình đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ hop thứ 7, sau khi bổ sung dự thảo Nghị quyết và tiếp thu các ý kiến tại phiên họp.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Dương Dung - Vũ Hiếu - Tùng Dương

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/xac-dinh-trong-tam-trong-diem-tao-dot-pha-trong-phat-trien-van-hoa-222079.htm