Xác định tỷ lệ đột biến gen BRAF V600E góp phần chẩn đoán và điều trị hiệu quả ung thư tuyến giáp thể nhú

Các bác sĩ khoa Tai mũi họng (TMH) Bệnh viện Bưu điện đã tiến hành đề tài nghiên cứu: Đối chiếu lâm sàng, siêu âm kết quả tế bào học và đột biến gen BRAF V600E qua phương pháp chọc hút tế bào ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú.

Ung thư tuyến giáp (UTTG) là bệnh ác tính thường gặp, chiếm 90% trong nhóm ung thư nội tiết, chiếm 1% các loại ung thư nói chung. Cũng như các loại ung thư khác, nếu người bệnh được phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời và tuân thủ tái khám định kỳ sau phẫu thuật sẽ hạn chế tỷ lệ tái phát, tỷ lệ di căn và kéo dài thời gian sống. Nhằm phát hiện sớm đột biến gen BRAF V600E nguyên nhân làm tăng tỷ lệ tái phát, tử vong và khả năng kháng điều trị iod phóng xạ (I131 ) được chỉ định điều trị bổ trợ cho các bệnh nhân sau mổ ung thư tuyến giáp. Các bác sĩ khoa Tai mũi họng (TMH) Bệnh viện Bưu điện đã tiến hành đề tài nghiên cứu: Đối chiếu lâm sàng, siêu âm kết quả tế bào học và đột biến gen BRAF V600E qua phương pháp chọc hút tế bào ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú. Phương pháp này đã được giới chuyên môn đánh giá xuất sắc vì có thể giúp bác sĩ sớm biết rõ tình trạng tế bào của người bệnh trước khi phẫu thuật, từ đó tư vấn và đưa ra hướng điều trị phù hợp, hiệu quả nhất.

Bệnh nhân Ngô Thị Lan A. (27 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện khám vì bị khàn tiếng lâu ngày. Qua thăm khám, siêu âm, bác sĩ khoa TMH phát hiện bệnh nhân có u thùy trái tuyến giáp nằm sát dây thần kinh thanh quản quặt ngược. Đây là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phát âm, gây khàn tiếng của người bệnh. Để điều trị bệnh này, trước đây sau khi thực hiện phẫu thuật loại bỏ khối u tuyến giáp, mẫu bệnh phẩm được gửi đi làm xét nghiệm mô bệnh học và đột biến gen. Kết quả xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ biết được người bệnh có bị đột biến gen BRAF V600E - một trong các nguyên nhân phát sinh ung thư hay không. Từ đó có sự tư vấn, chỉ định cụ thể việc tái khám hay áp dụng các phương pháp điều trị bổ trợ cụ thể cho từng người bệnh.

Tuy nhiên, thường thì bệnh nhân sau phẫu thuật không nhiều người có ý thức tái khám, một số trường hợp chỉ tái khám khi bệnh tái phát làm ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình điều trị, sức khỏe của người bệnh suy giảm nhanh. Trước thực tế này, với mong muốn giúp người bệnh có hướng quản lý bệnh và sức khỏe từ sớm, BSCKII Lê Anh Đức - khoa TMH cùng các cộng sự đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và thực hành phương pháp chọc hút tế bào dưới siêu âm để làm xét nghiệm xác định tỷ lệ đột biến gen BRAF V600E đối với những người bệnh đến khám, có kết quả siêu âm tuyến giáp là TIRADS 4.

Bác sĩ Đức cho biết: Ung thư phát sinh do sự tích lũy của các đột biến trong các gen làm thay đổi cấu trúc tế bào, dẫn đến làm thay đổi trong tăng sinh, phân chia, biệt hóa và sự chết theo chu trình của tế bào. Đối với nhóm các bệnh nhân UTTG thể nhú mang đột biến gen BRAF V600E, các nguy cơ bệnh học lâm sàng như sự xâm lấn ngoại vi tuyến giáp, di căn hạch bạch huyết cũng như tỷ lệ tái phát và tỷ lệ tử vong cao hơn ở các bệnh nhân không mang đột biến gen BRAF V600E. Điều này cho thấy đột biến gen BRAF V600E đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của tế bào ung thư, là dấu ấn sinh học tiên lượng xấu của UTTG thể nhú. Liệu pháp chính trong điều trị loại bỏ tế bào ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật cắt bỏ u giáp là điều trị bằng iod phóng xạ. Tuy nhiên, ung thư tuyến giáp mang đột biến gen có thể làm giảm hoặc mất khả năng hấp thụ iod phóng xạ, dẫn đến thất bại trong điều trị và tăng tỷ lệ tử vong, vì vậy những bệnh nhân có khối u ban đầu chứa đột biến gen BRAF V600E đòi hỏi điều trị iod phóng xạ với liều lượng cao hơn, tích cực hơn.

Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNAC) là xét nghiệm tế bào học thường quy trong chẩn đoán trước phẫu thuật ung thư tuyến giáp với độ nhạy, độ đặc hiệu tương ứng đạt 70 - 98% và 55 - 100%. Đây là kỹ thuật đầu tay trong thực hành lâm sàng, tuy nhiên có tới 15 - 20% số trường hợp không xác định được chẩn đoán và có khoảng 10 - 40% số bệnh phẩm được chẩn đoán nghi ngờ hoặc không đủ tiêu chuẩn xét nghiệm. Trong số các trường hợp phẫu thuật loại bỏ nhân giáp thì chỉ có 8 - 56% phát hiện có tế bào ác tính, do đó có nhiều bệnh nhân phải chịu cuộc phẫu thuật không cần thiết. Có khoảng 1 - 3% số trường hợp chẩn đoán FNAC là âm tính giả nên bệnh nhân mất cơ hội được phát hiện và điều trị bệnh sớm.

Việc phát triển các phương pháp chẩn đoán có độ nhạy, độ đặc hiệu cao hỗ trợ cho kỹ thuật FNAC chính xác hơn là vô cùng cần thiết. Các kết quả công bố trên thế giới đã khẳng định giá trị của đột biến gen BRAF V600E khi kết hợp với FNAC sẽ làm tăng độ nhạy, độ đặc hiệu và tính chính xác của kỹ thuật chẩn đoán này. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện chưa có nhiều nghiên cứu ứng dụng đột biến gen BRAF V600E qua chọc hút tế bào trước mổ trên bệnh nhân tuyến giáp nên các bác sĩ thuộc khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Bưu điện đã thực hiện nghiên cứu này với mục tiêu: Xác định tỷ lệ đột biến gen BRAF V600E qua phương pháp chọc hút tế bào dưới siêu âm. Kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề vững, trình độ chuyên môn cao và hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại. Tất cả các yêu cầu này đều được đáp ứng đầy đủ tại Bệnh viện Bưu điện.

Sau hơn 1 năm nghiên cứu trên 36 người bệnh có kết quả siêu âm tuyến giáp là TIRADS 4, được làm xét nghiệm tế bào học và xét nghiệm đột biến gen BRAF V600E trước mổ qua phương pháp chọc hút tế bào dưới siêu âm, được phẫu thuật u tuyến giáp và làm mô bệnh học sau mổ tại Bệnh viện Bưu điện cho thấy: Tỷ lệ đột biến gen BRAF V600E trên bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú là 25%. Trong nghiên cứu, có 10 bệnh nhân được nạo vét hạch cổ và làm mô bệnh học hạch cổ sau mổ, tỷ lệ di căn hạch trên mô bệnh học là 70%. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy mối liên quan giữa đột biến gen BRAF V600E và tình trạng di căn hạch cổ, theo đó đột biến gen BRAF V600E là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng di căn hạch cổ.

Từ mối tương quan cao giữa đột biến gen BRAF V600E với tỷ lệ tái phát, tỷ lệ tử vong và sự kháng thuốc ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú. Các bác sĩ cho rằng xét nghiệm đột biến gen BRAF V600E được xem như một dấu ấn phân tử mới có giá trị kiểm tra trước khi thực hiện phẫu thuật cũng như phân tầng nguy cơ và quản lý bệnh, giúp làm giảm thiểu nguy cơ tái phát và tỷ lệ tử vong của bệnh nhân. Là cơ sở quan trọng để bác sĩ lên kế hoạch điều trị phẫu thuật hợp lý và hiệu quả nhất cho người bệnh.

Hy vọng với những kỹ thuật mới được thực hiện tại Bệnh viện Bưu điện sẽ góp phần nâng cao chất lượng điều trị, mang đến niềm vui cho những người bệnh không may mắc bệnh hiểm nghèo.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xac-dinh-ty-le-dot-bien-gen-braf-v600e-gop-phan-chan-doan-va-dieu-tri-hieu-qua-ung-thu-tuyen-giap-the-nhu-post115837.html