Xác lập quyền sở hữu trí tuệ, tăng sức cạnh tranh cho du lịch

Thực tế cho thấy, bên cạnh những sản phẩm phục vụ cho du lịch, như: Đặc sản ẩm thực, sản phẩm làng nghề, nông sản… được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT), thì vẫn còn nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành Du lịch chưa thực sự chú trọng đến việc xác lập quyền SHTT. Trong khi đó, khai thác tài sản trí tuệ để phát triển du lịch đang là xu thế, góp phần tạo nét đặc trưng, khác biệt cho sản phẩm, dịch vụ du lịch của từng địa phương. Đây cũng được đánh giá là công cụ hiệu quả để tăng độ nhận diện, ấn tượng cho du khách và là 'tấm khiên' bảo vệ trước sự cạnh tranh không lành mạnh.Phó Giám đốc Sở Du lịch Lê Thị Ngọc Hà: Thực tế, số lượng DN du lịch đăng ký SHTT trên địa bàn tỉnh còn khá hạn chế. Tuy nhiên, việc xác lập SHTT trong du lịch ngày càng trở thành yếu tố quan trọng để góp phần đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực phát triển kinh tế-xã hội ở nhiều địa phương. Quảng Bình có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu: 'Định vị Quảng Bình là một trong các điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam, trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực châu Á gắn với những hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc: Du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch hang động, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch thể thao, du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp...'. Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu, định vị thương hiệu du lịch Quảng Bình, ngành Du lịch tỉnh từng bước nỗ lực triển khai và nhân rộng việc đăng ký quyền bảo hộ SHTT.

Được thành lập từ năm 2011, Công ty TNHH Thông tin và Du lịch Netin nổi bật với nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, mang bản sắc riêng và sáng tạo, đổi mới, tạo dấu ấn với du khách. Trong đó, đáng chú ý là các tour khám phá thiên nhiên, bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều ở Quảng Ninh và Lệ Thủy; khám phá Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong…

Theo ông Trần Xuân Cương, Giám đốc công ty, vấn đề xác lập quyền SHTT đã được công ty quan tâm từ sớm nhưng vì nhiều lý do khách quan, chủ quan vẫn chưa thể triển khai. Gần đây, khi công ty bắt đầu đưa một số nông sản vào khai thác, giới thiệu cho du khách, như: Mật ong rừng, chuối…, thì việc đăng ký bảo hộ SHTT trở thành một trong những mục tiêu hàng đầu trong chiến lược hoạt động của công ty thời gian tới. Bởi, một khi làm được điều này, các sản phẩm du lịch của công ty sẽ được tăng thêm uy tín và sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời, đây cũng như một kế hoạch bảo vệ từ xa và lường trước các rủi ro nếu quyền SHTT bị xâm phạm.

Xác lập quyền sở hữu trí tuệ góp phần tăng sức cạnh tranh, tăng độ nhận diện cho du lịch Quảng Bình. Ảnh: Netin

Xác lập quyền sở hữu trí tuệ góp phần tăng sức cạnh tranh, tăng độ nhận diện cho du lịch Quảng Bình. Ảnh: Netin

Nhận thức sớm về tầm quan trọng của xác lập quyền SHTT, từ cách đây hơn 7 năm, chị Lê Thị Bích và anh Ben Mitchell (Bố Trạch) đã đăng ký bảo hộ SHTT cho hệ thống farmstay và villa của mình. Chị Lê Thị Bích chia sẻ, ngay từ khi mới khởi nghiệp, anh chị đã quan tâm đến việc bảo hộ SHTT bởi có như vậy mới hạn chế được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và tạo độ nhận diện cho sản phẩm du lịch của mình, nhất là sau khi có sự việc một vài tranh chấp phát sinh giữa một số cơ sở du lịch trong việc sử dụng tên, phong cách bài trí… Nhờ quá trình tìm hiểu kỹ lưỡng cùng sự hỗ trợ, tư vấn tích cực từ phía Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ), việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT được diễn ra thuận lợi và sớm có kết quả. Kể từ đó, anh chị yên tâm và tự tin hơn trong quá trình kinh doanh và mạnh dạn triển khai nhiều ý tưởng, sáng tạo mang bản sắc của riêng mình.

Giám đốc một DN du lịch xin được giấu tên cho hay, hiện anh kinh doanh đa dạng ở mảng ẩm thực online, một khách sạn và một quán cà phê theo phong cách bãi biển, rất hút khách. Tuy nhiên, mặc dù quan tâm đến xác lập quyền SHTT trong du lịch, nhưng anh vẫn thực sự băn khoăn, chưa tìm được nguồn thông tin hỗ trợ tin cậy, phù hợp và mong muốn được chỉ dẫn, tư vấn thêm về nội dung này. Trong quá trình kinh doanh, anh nhận thấy thực tế nếu không được bảo hộ SHTT, sản phẩm của mình rất dễ bị “đánh cắp” bản quyền, sao chép sử dụng trắng trợn và vô tình sẽ mất sức cạnh tranh trên thị trường, lâm vào tình huống “tình ngay lý gian”.

Mới đây, anh được biết về vụ “lùm xùm” của một quán cà phê của Quảng Bình sao chép nhãn hiệu, phong cách… của một cơ sở khác ở tỉnh bạn. Thực trạng này càng thôi thúc anh tìm hiểu và quyết tâm đăng ký bảo vệ SHTT trong du lịch như một cách thức bảo vệ an toàn hữu hiệu cho công việc kinh doanh của mình. Anh rất mong có được sự hỗ trợ, tư vấn tích cực từ cơ quan quản lý ngành Du lịch và các đơn vị liên quan để sớm hoàn thành công việc.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định vấn đề bảo vệ quyền SHTT trong kinh doanh du lịch là một trong những nhiệm vụ hàng đầu cần được quan tâm và giao nhiệm vụ cho Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tích cực triển khai. Theo số liệu được cung cấp từ Sở Khoa học và Công nghệ, số lượng DN du lịch đăng ký nhãn hiệu để được bảo hộ quyền SHTT trên địa bàn tỉnh vẫn chưa nhiều, chủ yếu là các công ty lớn, có tên tuổi.

Bà Lê Thị Ngọc Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, xác định vai trò quan trọng của SHTT trong phát triển du lịch và định vị thương hiệu, thời gian qua, sở luôn tạo điều kiện, hướng dẫn và hỗ trợ các đơn vị, DN du lịch trong việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT đối với DN, các sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch; nghiên cứu và đẩy mạnh SHTT trong du lịch. Qua đó, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế và nâng cao vị thế thương hiệu, tính cạnh tranh một cách bền vững.

Để đẩy mạnh việc đăng ký bảo hộ trong du lịch mà trước hết là nâng cao nhận thức của các DN, đơn vị kinh doanh du lịch trong xác lập SHTT, thời gian tới, ngành Du lịch tỉnh nghiên cứu, triển khai một số giải pháp, như: Truyền thông bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú về vai trò quan trọng của SHTT; cung cấp thông tin trên các nền tảng số du lịch Quảng Bình, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, DN du lịch tìm hiểu và thực hiện xác lập SHTT.

Đồng thời, sở tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn thực hiện các quy định liên quan để tránh những trường hợp vi phạm do thiếu hiểu biết pháp luật và đẩy mạnh phối hợp với chính quyền địa phương trong truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về phát triển tài sản trí tuệ có tính liên kết và khả năng tham gia vào chuỗi du lịch. Sở cũng tiếp tục duy trì sự phối hợp, hỗ trợ các đơn vị, DN du lịch sau khi tạo lập tài sản trí tuệ trong quá trình quản lý, khai thác hiệu quả.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202406/xac-lap-quyen-so-huu-tri-tue-tang-suc-canh-tranh-cho-du-lich-2219061/