Xác thực sinh trắc học - giải pháp bảo vệ khách hàng trong giao dịch trực tuyến

Từ ngày 1/7/2024, Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, ngày 18/12/2023 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán sẽ áp dụng phương pháp xác thực sinh trắc học (STH) bằng nhận diện khuôn mặt đối với một số giao dịch trực tuyến. Đây là giải pháp công nghệ nhằm kiểm soát các hành vi lừa đảo và bảo vệ tài sản của khách hàng trong thanh toán trực tuyến.

Từ ngày 1/7/2024, Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, ngày 18/12/2023 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán sẽ áp dụng phương pháp xác thực sinh trắc học (STH) bằng nhận diện khuôn mặt đối với một số giao dịch trực tuyến. Đây là giải pháp công nghệ nhằm kiểm soát các hành vi lừa đảo và bảo vệ tài sản của khách hàng trong thanh toán trực tuyến.

Khách hàng được hỗ trợ cài đặt thông tin xác thực sinh trắc học tại phòng giao dịch của Ngân hàng BIDV chi nhánh Hòa Bình, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình).

Khách hàng được hỗ trợ cài đặt thông tin xác thực sinh trắc học tại phòng giao dịch của Ngân hàng BIDV chi nhánh Hòa Bình, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình).

Thiết lập "lá chắn công nghệ” bảo vệ khách hàng

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, từ ngày 1/7/2024, khách hàng cá nhân bắt buộc phải xác thực STH bằng khuôn mặt khi thực hiện giao dịch trực tuyến trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giao dịch trong ngày vượt quá 20 triệu đồng; hoặc khi thực hiện một số giao dịch khác như đăng nhập lần đầu trên ứng dụng, đăng nhập khác thiết bị, đăng nhập lại sau khi quên mật khẩu và đổi mật khẩu thành công. Mục đích đảm bảo chính chủ đang thực hiện giao dịch, giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ khách hàng trước vấn nạn lừa đảo chuyển tiền trên không gian mạng (KGM).

Hiện nay, xác thực STH được đánh giá là công nghệ tiên tiến giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ người dùng trước các hành vi gian lận, lừa đảo chuyển tiền trên KGM. Dấu hiệu STH được xác định bằng dữ liệu lưu trong chip của căn cước công dân, tài khoản VneID hoặc dữ liệu STH lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng. Vì thế, giúp hạn chế tối đa khả năng làm giả và có tính bảo mật cao khi khách hàng thực hiện giao dịch trực tuyến. Việc áp dụng phương pháp xác thực giao dịch bằng STH theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN được coi là giải pháp phù hợp và hữu hiệu, giúp người dân nâng cao nhận thức, kỹ năng tự bảo vệ tài sản của mình, góp phần đắc lực giúp ngành Ngân hàng đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.

Đồng chí Phan Minh Anh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Hòa Bình cho biết: Ngành Ngân hàng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo vệ khách hàng trước nguy cơ bị lừa đảo chuyển tiền trên KGM. Trong đó, đẩy mạnh thông tin, truyền thông, cảnh báo khách hàng về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo, gian lận của tội phạm để nhận biết và phòng tránh; hướng dẫn khách hàng về đảm bảo an ninh, an toàn khi giao dịch trên môi trường điện tử; rà soát quy trình, quy định nội bộ và thực hiện chặt chẽ các trình tự, thủ tục về mở và sử dụng tài khoản thanh toán; phối hợp với công an để làm sạch dữ liệu khách hàng, loại bỏ các tài khoản ngân hàng không chính chủ; nâng cấp hệ thống bảo mật thông tin… Đặc biệt, yêu cầu xác thực STH đối với một số giao dịch trực tuyến là quy định mới, bắt đầu áp dụng từ ngày 1/7/2024, thể hiện quyết tâm của ngành Ngân hàng trong nỗ lực tăng cường biện pháp bảo vệ khách hàng khi giao dịch trực tuyến. Tại tỉnh Hòa Bình, các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng tích cực vào cuộc để sẵn sàng triển khai quy định mới.

Chuẩn bị sẵn sàng để triển khai quy định mới

Quyết định số 2345/QĐ-NHNN được NHNN Việt Nam ban hành ngày 18/12/2023, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Vì thế, hệ thống ngân hàng đã có hơn 6 tháng để chuẩn bị các giải pháp công nghệ, đầu tư mua sắm thiết bị, đào tạo nhân viên… sẵn sàng cho việc triển khai thu thập dữ liệu STH của khách hàng.

Ghi nhận trong thời gian qua, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tích cực vào cuộc triển khai quy định mới. Trong đó, chú trọng truyền thông đến toàn bộ khách hàng về việc triển khai biện pháp xác thực giao dịch tương ứng với hạn mức giao dịch theo quy định tại Quyết định số 2345/QĐ-NHNN. Đồng thời, chuẩn bị sẵn phương án, kênh hotline và bố trí cán bộ trực 24/7 để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng đến đăng ký xác thực STH; sẵn sàng phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đăng ký dịch vụ mới.

Bà Đỗ Thị Thu Hiền, Giám đốc Dịch vụ khách hàng - Ngân hàng HDBank chi nhánh Hòa Bình, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) trao đổi: Để cập nhật dữ liệu STH, mỗi khách hàng cần chuẩn bị căn cước công dân gắn chip, điện thoại cài đặt ứng dụng ngân hàng và có hỗ trợ NFC (chuẩn kết nối không dây trong phạm vi tầm ngắn). Sau đó, khách hàng làm theo hướng dẫn để tự cài đặt trên điện thoại di động mà không cần phải trực tiếp đến các điểm giao dịch của ngân hàng. Còn đối với những trường hợp không tự cài đặt được thì nhân viên ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ trực tiếp.

Trên thực tế, xác thực STH là công nghệ mới đối với phần lớn khách hàng và cài đặt STH trong giao dịch ngân hàng chỉ thực hiện bằng căn cước công dân gắn chíp thông qua thiết bị điện thoại di động có tính năng NFC. Đây là rào cản đối với không ít khách hàng, bởi không phải thiết bị điện thoại nào cũng hỗ trợ công nghệ NFC và còn có những khách hàng chưa chuyển đổi sang căn cước công dân gắn chíp. Do đó, các ngân hàng đã chủ động xây dựng phương án hỗ trợ cài đặt bằng phần mềm chuyên dụng, trực tiếp hỗ trợ khách hàng tại các chi nhánh giao dịch.

Ghi nhận trong những ngày đầu áp dụng quy định mới, nhiều người dân không tự cập nhật được thông tin STH online nên phải đến các điểm giao dịch để nhân viên ngân hàng hỗ trợ trực tiếp. Tại các điểm giao dịch ngân hàng trên địa bàn TP Hòa Bình, những ngày qua, lượng khách tăng cao so với thường lệ, các ngân hàng đã tăng cường cán bộ, nhân viên trực để vừa hướng dẫn cài đặt vừa tuyên truyền cho người dân hiểu được ý nghĩa của quy định mới.

Đại diện NHNN chi nhánh tỉnh Hòa Bình khẳng định: Mặc dù thời gian đầu triển khai xuất hiện một số khó khăn, bất cập, nhưng quy định này là cần thiết, vì lợi ích chung và để bảo vệ an toàn tài sản cho khách hàng trong các giao dịch trực tuyến. Thời gian tới, hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng trên toàn quốc cũng như trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tiếp tục bám sát chỉ đạo của NHNN Việt Nam, sẵn sàng triển khai các phương án xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình đăng ký, sử dụng dịch vụ xác thực STH, đồng thời, chú trọng triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm bảo mật tuyệt đối dữ liệu cá nhân, từ đó bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng sử dụng dịch vụ.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khoảng 70% số lượng giao dịch thanh toán của khách hàng cá nhân tại Việt Nam có giá trị dưới 1 triệu đồng, các giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 11% tổng số giao dịch, số người có giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày cũng chưa đến 1%. Vì vậy, việc xác thực STH không ảnh hưởng quá lớn đến các giao dịch thanh toán của người dùng.

Thu Trang

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/190976/xac-thuc-sinh-trac-hoc-giai-phap-bao-ve-khach-hang-tr111ng-giao-dich-truc-tuyen.htm