Xác ướp dài 28cm 'nằm im' trong viện bảo tàng, kết quả chụp CT khiến các chuyên gia thích thú: Bây giờ mới rõ bên trong!
Khám phá này giúp chúng ta hiểu hơn về con người của Ai Cập cổ đại.
Năm 1906, bộ phận phụ trách khai quật khu vực Ai Cập của Viện Khảo cổ thuộc Đại học Liverpool đã khai quật được một vật thể rất đặc biệt tại thành phố Esna (bờ phía tây của sông Nile). Nhìn từ xa, trông nó giống như một chiếc kén khổng lồ.
Sau khi tiến hành phân tích và tìm hiểu, các chuyên gia rất vui mừng khi biết được rằng đó chính là một xác ướp của người Ai Cập cổ đại.
Xác ướp được chụp X-quang và CT tại Bệnh viện Trẻ em Hoàng gia Manchester vào ngày 19 tháng 4 năm 2016 trong khuôn khổ Dự án Ngân hàng Sinh học Động vật của Đại học Manchester.
Báo cáo của các chuyên gia cho thấy: Bên trong xác ướp là một con cá rô, nó có niên đại khoảng từ 664 Trước Công Nguyên - 200 Sau Công Nguyên, nó có chiều dài 28 cm, chiều rộng và độ dày của thân lần lượt là 9 cm và 4,2 cm.
Con cá vẫn giữ được bộ xương hoàn chỉnh và có tình trạng tốt hơn so với các xác ướp cá khác, xương không bị gãy hay dịch chuyển, có thể do cách quấn đã giúp giữ mọi thứ ở đúng vị trí ban đầu.
Xác ước này được đặt tên là xác ướp cá rô sông Nile. Esna – địa điểm tìm thấy xác ướp - là nơi có những đền thờ nổi tiếng nhất của người Ai Cập cổ đại. Thành phố được được mệnh danh là "thành phố của cá" vì đây là nơi người ta tiến hành ướp xác những con cá rô linh thiêng của sông Nile, đại diện cho nữ thần Neith của người Ai Cập.
Nữ thần Neith là vị thần bảo trợ của thành phố Sais ở khu vực đồng bằng sông Nile. Neith được thờ ngay từ trước khi thiết lập vương quốc (khoảng 3000 năm trước Công nguyên), và một số nữ hoàng của triều đại thứ nhất (khoảng năm 2925–2775 trước Công nguyên) được đặt theo tên của bà. Bà cũng trở thành một nữ thần quan trọng ở thủ đô Memphis.
Neith thường được miêu tả là một người phụ nữ đội vương miện màu đỏ, cầm những mũi tên và một cây cung.
Trong thần thoại, bà là mẹ của thần cá sấu, Sebek, và sau này là mẹ của thần mặt trời Ra. Bà là nữ thần của chiến tranh, trí tuệ và săn bắn. Việc tôn thờ Neith được phổ biến rộng rãi trong triều đại thứ 26 (664–525 TCN), khi thủ đô của Ai Cập được đặt tại Sais.