Xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn diễn biến phức tạp

Hãy tạo dựng cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh - Ảnh: KIM CHI

Trước tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em có chiều hướng gia tăng, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương vừa đề nghị các cấp, ngành liên quan tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục (CSGD) và bảo vệ trẻ em (BVTE) trên địa bàn tỉnh; chú trọng triển khai các hoạt động truyền thông, giáo dục cho cha mẹ và cho chính các em những kiến thức BVTE...

Theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác CSGD và BVTE trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác trẻ em.

Tăng cường hoạt động truyền thông

Một số hoạt động nổi bật, đáng ghi nhận, đó là công tác phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em được chú trọng; hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại và tai nạn thương tích trẻ em. Công tác truyền thông nâng cao nhận thức trong cán bộ và nhân dân về tầm quan trọng của công tác trẻ em đã dần đi vào cuộc sống.

Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh, cho biết: Tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em diễn biến phức tạp. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do nhiều trẻ em khó khăn cần sự trợ giúp nhưng chưa tiếp cận được các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Công tác chăm sóc trẻ em đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cơ quan, đơn vị quan tâm tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em; tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em được tiếp cận, thụ hưởng và thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em.

Thực hiện chức năng truyền thông, tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho người bị tổn thương, 6 tháng đầu năm 2019, trung tâm tổ chức truyền thông nâng cao kỹ năng BVTE cho 1.620 người chăm sóc trẻ và cán bộ làm công tác tuyên truyền tại 26 điểm trên địa bàn huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đông Hòa, qua đó giúp trẻ em được bảo vệ tốt hơn.

Sau khi tham gia buổi truyền thông về cách chăm sóc trẻ an toàn, phòng tránh tai nạn bỏng, cháy và dạy trẻ cách tự vệ khi bị ai đó xâm hại do Trung tâm CTXH tỉnh tổ chức tại địa phương, chị Nguyễn Ngọc Trâm Anh (xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh) chia sẻ: “Chúng tôi ở miền núi nên từ sáng đã lo lên rẫy, làm ruộng, còn con cái đều đi học nên ít có thời gian chăm con đúng cách. Dịp này đang còn nghỉ hè, các cháu ở nhà nên tôi cũng có phần lo lắng. Tranh thủ cán bộ tỉnh về hướng dẫn cách phòng tránh tai nạn, xâm hại, tôi đăng ký tham gia để hiểu hơn về cách bảo vệ con an toàn trong cuộc sống”.

Tại buôn Da Dù (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân), hoạt động truyền thông phòng tránh tai nạn giao thông, tai nạn thương tích cũng đã thu hút hàng trăm học sinh tham gia. Em La Lan Thu, 12 tuổi, nói: “Em biết đi xe đạp rồi nhưng chưa biết các quy định bảo đảm an toàn. Nay các cô chú, anh chị hướng dẫn cách đi xe sao cho an toàn, em mới rõ các quy định. Em sẽ áp dụng cho đúng để không gây tai nạn đáng tiếc”.

Bên cạnh hoạt động truyền thông, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng đã quan tâm tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em; tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em được tiếp cận, thụ hưởng và thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em.

Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh

Dù đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên, công tác CSGD và BVTE trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Đáng chú ý là trong thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc vi phạm đến quyền trẻ em, nhiều vụ bạo lực, xâm hại trẻ em; tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước, bỏ học giữa chừng, lao động sớm, vi phạm pháp luật vẫn còn cao... Riêng 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 trường hợp trẻ em bị đuối nước; chưa xảy ra tình trạng trẻ bị xâm hại, tuy nhiên đã có trên 30 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ bị ảnh hưởng tâm lý do xung đột gia đình... gọi điện đến Trung tâm CTXH tỉnh để được tư vấn, giúp đỡ.

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: Thời gian qua, sở đã phối hợp với các ngành chức năng, hội đoàn thể triển khai nhiều hoạt động chăm sóc, BVTE, nhằm giúp trẻ em có cuộc sống an toàn, lành mạnh như: thực hiện quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, trẻ em bị đuối nước; tổ chức tập huấn, tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ làm công tác trẻ em các cấp, đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ; tổ chức dạy bơi an toàn miễn phí cho trẻ em tại cộng đồng, ưu tiên trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; kịp thời phối hợp với các ngành, các địa phương có biện pháp can thiệp, trợ giúp khi phát hiện trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bị tai nạn thương tích.

Nhằm tăng cường hơn nữa công tác CSGD và BVTE trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác trẻ em; quán triệt và thực hiện tốt Luật Trẻ em năm 2016 và các quy định pháp luật về công tác trẻ em. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và xã hội tiếp tục quan tâm nhiều hơn về công tác CSGD và BVTE, giúp trẻ em có điều kiện thực hiện đầy đủ quyền trẻ em và các vấn đề trẻ em...

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/226870/xam-hai-bao-luc-tre-em-van-dien-bien-phuc-tap.html