Xâm hại di tích: Không thể để tiếp tục 'nhờn thuốc'

Những năm qua, dù công tác bảo tồn, bảo vệ đã có những tiến bộ, song vẫn còn đó bề bộn nỗi lo. Nhiều di tích cấp quốc gia, thậm chí di tích đặc biệt bị xâm hại. Do đó, rất cần chế tài để xử lý nghiêm minh, tránh để 'nhờn thuốc'.

Hàng loạt vụ xâm phạm

Những năm qua, hàng chục di tích nổi tiếng bị xâm hại để xây dựng công trình trái phép, cải tạo sai so với hiện trạng ban đầu, hay bị “làm mới” như di sản Tràng An (Ninh Bình); ngôi đình cổ 300 năm tuổi ở Lương Xá (Ứng Hòa, Hà Nội), chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội); Di tích thành cổ Cổ Loa (Hà Nội); tháp Đôi (phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn) và cụm tháp Bánh Ít (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) trong quần thể tháp Chăm cổ; di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Nhạn, thuộc núi Nhạn, phường 1 (TP. Tuy Hòa, Phú Yên)…

Tại Lạng Sơn hiện có 123 di tích đã được xếp hạng; trong đó có 1 khu di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích cấp quốc gia và 95 di tích cấp tỉnh, nhưng có tới 32 điểm, khu di tích đã bị xâm hại, lấn chiếm, chủ yếu là bằng hình thức chiếm dụng mặt bằng, không gian cảnh quan, hành lang bảo vệ di tích; cơi nới, xây dựng công trình, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn.

Chùa Bổ Đà mọc thêm cổng tam quan

Chùa Bổ Đà mọc thêm cổng tam quan

Hay tại Điện Biên có 21 di tích được công nhận xếp hạng. Trong đó, một di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt là chiến trường Ðiện Biên Phủ; 12 di tích được xếp hạng quốc gia, gồm: thành Bản Phủ, tháp Mường Luân, thành Tam Vạn (hay thành Sam Mứn), động Pa Thơm, tháp Chiềng Sơ, hang Mường Tỉnh, hang động Xá Nhè, hang Thẳm Khương, hang động Há Chớ, hang động Chua Ta, hang động Khó Chua La, hang động Pê Răng Ky. Điều đáng nói là tại không ít di tích, chỉ sau lễ công bố, trao quyết định công nhận di tích không lâu thì bị lãng quên, bị xâm hại và xuống cấp. Di tích hang động Khó Chua La ở huyện Tủa Chùa còn bị xâm hại nghiêm trọng ngay trong quá trình thực hiện dự án đầu tư các hạng mục thuộc di tích, khiến người dân địa phương bức xúc. Giữa năm 2018, tại khu vực phía sau Tượng đài kéo pháo thuộc địa phận bản Nà Nhạn 1, xã Nà Nhạn (huyện Điện Biên) còn có 2 hộ dân dựng nhà sàn và các công trình phụ trợ cách di tích cấp quốc gia đặc biệt này chỉ khoảng 60m. Hành vi đó đã làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên khu di tích. Thừa nhận những hạn chế trong quản lý di tích, ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho hay: việc bảo tồn, tôn tạo, phục dựng nguyên trạng Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Dù UBND tỉnh đã có chủ trương giao cho Sở Xây dựng phương án, kế hoạch để khoanh vùng cắm mốc, song do thiếu nguồn kinh phí thực hiện khiến việc này đến nay vẫn chưa được triển khai hoặc triển khai chậm.

Chưa hết, người ta còn phải chứng kiến hàng loạt vi phạm khác, như viết, vẽ bậy lên di tích, lên các bức tường thành ở Huế, tháp ở quanh hồ Gươm hoặc cổng các đình, chùa.

Trước thực trạng này, đã đến lúc cần có chiến lược mạnh mẽ và hiệu quả hơn để bảo vệ và tu bổ di tích.

Xử lý bằng luật

Việc xâm hại di tích diễn ra muôn hình vạn trạng. Đã có nhiều nguyên nhân được chỉ ra: Buông lỏng quản lý, nhận thức hạn chế, trục lợi… Việc xử lý cũng đã được thực thi, nhưng còn lúng túng, chưa đủ sức răn đe. Nếu không có biện pháp mạnh thì sự hủy hoại di tích dưới danh nghĩa trùng tu, tôn tạo sẽ xóa sổ nhiều di tích, nhiều viên ngọc quý, có giá trị to lớn về văn hóa và tinh thần. GS. Trần Lâm Biền thẳng thắn: “Pháp luật phải đứng ra cứu di tích – di sản. Người thực thi pháp luật phải mạnh bạo và quyết liệt hơn nữa. Phải có ý thức và trí tuệ cao hơn nữa. Phải có sự hiểu biết lẫn nắm vững nền tảng pháp luật, tuyệt đối không được trốn tránh trách nhiệm”.

Một di tích ở Hoài Đức (Hà Nội) bị xâm hại

Một di tích ở Hoài Đức (Hà Nội) bị xâm hại

Nói về hành vi xâm hại di tích, di sản văn hóa, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Chính hình thức “phạt cho tồn tại” như hiện nay là nguyên nhân dẫn đến việc “nhờn luật”, bất chấp các văn bản quản lý để vi phạm. Cùng với đó là sự thiếu giám sát, thiếu quyết liệt của các cơ quan quản lý khiến cho pháp luật chỉ tồn tại trên văn bản”.

Tại Điều 345 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng như sau: “Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh, gây hư hại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Điều 178 cũng quy định hình phạt cao nhất đến 20 năm tù cho tội hủy hoại những tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại; tài sản bảo vật quốc gia… Như vậy, Bộ luật Hình sự đã dự liệu những tội phạm xâm hại di tích và quy định tội danh, hình phạt chặt chẽ. Đã đến lúc phải khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các đối tượng xâm hại di tích để tăng tính răn đe, ngăn ngừa. Những người có trách nhiệm quản lý di tích ở các địa phương để xảy ra những vụ xâm hại di tích nghiêm trọng cũng cần phải được xem xét xử lý thích đáng.

Quế Hương

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/xam-hai-di-tich-khong-the-de-tiep-tuc-nhon-thuoc-90338.html