Xăng dầu 'vô can' trong 'bão' giá?
Thời gian qua, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm mạnh 4 đợt liên tục. Ấy vậy nhưng giá cả hàng hóa vẫn neo ở mức cao. Vậy có thực là giá xăng dầu 'vô can' trong cơn bão giá?
Trước tiên phải nhìn nhận rằng xăng dầu vẫn đang là nguyên liệu chính trong việc vận hành các loại phương tiện đường bộ, đường biển của Việt Nam. Chính vì vậy, giá xăng dầu cấu thành tới hơn 30% giá cước vận chuyển hàng hóa trong nước. Bởi vậy, việc giá xăng dầu tăng sẽ dẫn đến giá cả hàng hóa tăng là điều tất yếu. Vậy nhưng khi giá xăng dầu hạ thấp trong thời gian cả tháng mà giá cả hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm vẫn tiếp tục tăng cao.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế từ Bộ Tài chính, việc giá cả hàng hóa cao khi xăng dầu giảm là do nền kinh tế của chúng ta có “độ trễ”. Vậy độ trễ này do đâu? Lý giải điều này các chuyên gia cho rằng có hai nguyên nhân chính, thứ nhất là các doanh nghiệp lo ngại tâm lý đã điều chỉnh giá lên được rồi mà giảm ngay thì sau này giá lên sẽ “khó” và sợ phản ứng ngược từ phía khách hàng, người tiêu dùng. Lý do thứ hai là các doanh nghiệp cần thời gian rà soát, điều chỉnh lại các chi phí cấu thành giá sản phẩm.
Trong thực tế, cả hai cách lý giải trên đều khá khiên cưỡng. Thứ nhất, không có chuyện doanh nghiệp mất nhiều thời gian để tăng giá, chỉ cần giá xăng lên là ngay lập tức từ xe ôm, ba gác, rau, trứng, thịt cá... sẽ lên giá bất chấp các kiểm soát của cơ quan nhà nước. Đây đã thành lệ, là kiểu làm ăn đặc trưng riêng tại không ít thành phố lớn, tỉnh thành của Việt Nam.
Đã tăng rồi thì để giảm xuống đối với doanh nghiệp là chuyện càng để lâu càng tốt vì đơn giản là họ thu lợi nhuận càng nhiều. Làm gì có chuyện rà soát tài chính, rà soát chi phí tránh thiệt hại. Đặc biệt trong thời đại công nghệ như hiện nay, doanh nghiệp chỉ mất vài phút để đưa ra các quyết định liên quan đến chính sách tài chính hay quyết định giá cả các mặt hàng thông dụng.
Vẫn biết, việc tăng giảm giá trong cơ chế thị trường là tất nhiên. Nhưng dù sao nền kinh tế vẫn cần một chính sách, các biện pháp quản lý và điều hành giá tốt hơn, tránh rơi vào tình trạng lạm phát “ảo” do vài nhóm doanh nghiệp tạo ra hòng trục lợi.
Nói về các giải pháp, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, chúng ta phải cải tiến các thủ tục kê khai giá, dán tem sản phẩm, vừa đáp ứng cái chung cho xã hội nhưng đồng thời thuận tiện cho đơn vị. Tất cả các hoạt động phải đồng bộ, minh bạch về giá cả trong chuỗi cung ứng hàng hóa, trong đó có cả xăng dầu. Từ đó kiềm chế lạm phát để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, vì chỉ tiêu về giá là hết sức quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành, sự thông tin thường xuyên, hỗ trợ của các cơ quan báo chí, làm thế nào dần dần chúng ta xây dựng nếp tự giác hơn nữa trong vấn đề lên - xuống giá. Chúng ta có thể chấp nhận thời kỳ xáo động, có thể lên vì chúng ta còn phụ thuộc vào xăng dầu, vấn đề dự trữ của chúng ta còn rất thấp. Nhưng không chấp nhận những doanh nghiệp trục lợi, gây lạm phát ảo.
Có thể thấy rằng, việc giá xăng dầu tăng giảm không hề vô can trong việc gia tăng giá cả hàng hóa tiêu dùng trong nước. Nhưng đó chỉ là một phần cấu thành nên giá cả hàng hóa và không loại trừ việc một số doanh nghiệp, đối tượng đang cố tình gây nên tình trạng lạm phát ảo nhằm trục lợi. Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần quyết liệt vào cuộc thanh kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp có dấu hiệu cố tình nâng giá, kiếm lợi để trả lại sự cân bằng cho thị trường và giảm áp lực chi tiêu cho đời sống người dân.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/xang-dau-vo-can-trong-bao-gia-662349.html