Xăng giảm 4 lần hơn 7.000 đồng nhưng giá hàng hóa và vận tải vẫn neo cao
Giá hàng hóa thiết yếu và giá cước vận tải vẫn đắt đỏ, dù giá xăng dầu liên tiếp giảm sâu 4 lần. Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải đang tăng cường thanh kiểm tra, xử lý tình trạng tăng giá bất hợp lý...
Ngày 3/8, Bộ Tài chính thông tin về việc quản lý chặt giá cả mặt hàng thiết yếu và giá cước vận tải sau khi giá xăng dầu đã hạ rất sâu sau nhiều đợt điều chỉnh.
Giá xăng dầu kỳ điều hành ngày 1/8 vừa qua tiếp tục giảm và trở thành đợt thứ 4 liên tiếp đi xuống từ cuối tháng 6 đến nay. So với cuối tháng 6, mỗi lít RON 95-III rẻ hơn khoảng 7.270 đồng; E5 RON 92 hạ 6.680 đồng; dầu diesel giảm 6.110 đồng.
MẶC GIÁ XĂNG DẦU GIẢM SÂU, GIÁ MẶT HÀNG THIẾT YẾU DỄ LÊN KHÓ XUỐNG
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chia sẻ chưa bao giờ giá xăng bám sát giá hàng hóa như hiện nay. Giá xăng lên là hàng hóa lên, thậm chí phong thanh nghe giá xăng chuẩn bị lên thì giá đón đầu tăng vọt trước. Tuy nhiên, kinh nghiệm theo dõi diễn biến giá cả thị trường nhiều năm nay, ông Phú cho rằng một khi giá cả nhích lên sẽ xuống rất chậm, lên 3 bậc giảm 1 bậc hoặc thậm chí không xuống.
Lý giải việc trong tháng 7, mặc dù giá xăng dầu trong nước giảm mạnh nhưng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn có biến động tăng, Bộ Tài chính cho rằng, do nhiều yếu tố tác động đan xen như tác động của giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ.
Cùng với đó, một số mặt hàng có giá nguyên liệu đầu vào tăng trong một thời gian dài nên chưa thể giảm giá ngay hoặc cần độ trễ sau khi giá xăng dầu giảm.
Tuy nhiên, chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành của một số hàng hóa dịch vụ như vận tải. Trong tháng 7, giá xăng dầu có 3 đợt điều chỉnh giảm trong đó kỳ điều hành ngày 11/7 và 21/7 giá giảm mạnh do việc tiếp tục điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường và giá xăng dầu thế giới giảm. Do đó, "việc giảm giá xăng dầu sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến giá của các mặt hàng, nhất là những hàng hóa, dịch vụ sử dụng xăng dầu làm đầu vào chính trong sản xuất", Bộ Tài chính khẳng định.
Đối với giá cước vận tải, theo quy định hiện hành, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ trì quản lý nhà nước về lĩnh vực vận tải, Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp khi có yêu cầu.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải tiếp nhận kê khai giá đối với lĩnh vực cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ; cước vận tải hành khách bằng taxi; giá dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá…
"Bộ Giao thông vận tải cần chỉ đạo rà soát, tiết giảm chi phí để giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ đối với các dịch vụ vận tải do nhà nước định giá thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải", Bộ Tài chính đề nghị.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đề nghị đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá, đề nghị cơ quan tiếp nhận kê khai rà soát mức giá kê khai dịch vụ vận tải phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá.
Từ đó, đề xuất, tham mưu cơ quan có thẩm quyền có biện pháp quản lý giá phù hợp với tình hình thực tế.
Để tránh việc lợi dụng xu hướng tăng giá xăng dầu từ đầu năm hoặc cố tình kết cấu thêm những khoản chi phí ngoài giá để tăng giá bất hợp lý, mới đây, Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo các bộ, ngành địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua.
Theo đó, tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics, để đánh giá việc điều chỉnh giá và phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá.
Trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.
Đặc biệt là cần tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Thủ tướng cũng yêu cầu: các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá. Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý. Chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường và xử lý các sai phạm theo quy định.
BAO GIỜ SẼ GIẢM THÊM THUẾ XĂNG DẦU?
Để tiếp tục chặn đà tăng giá xăng dầu ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và tạo gánh nặng đến chi phí sản xuất, bào mòn sức khỏe của doanh nghiệp, Chính phủ đang nghiên cứu việc giảm thêm thuế đối với xăng dầu.
Cập nhật về lộ trình giảm thuế xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết đang khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách về thuế để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cũng như an ninh năng lượng, trước bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng vẫn đứng ở mức cao.
Cụ thể, về thuế xuất nhập khẩu, ngày 19/7 vừa qua, trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính có Tờ trình số 166/TTr-BTC trình Chính phủ về dự thảo Nghị định giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì thuộc nhóm 27.10 từ 20% xuống 10%.
"Dự kiến khi ban hành, chính sách này sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung, tạo cơ hội tiếp cận nguồn cung mới cho các doanh nghiệp nhập khẩu thay vì phụ thuộc vào nguồn xăng từ Hàn Quốc hay các nước trong ASEAN do xăng dầu đang chủ yếu được nhập khẩu từ các khu vực này", Bộ Tài chính cho hay.
Qua đó thúc đẩy sự ổn định thị trường xăng dầu trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động khó lường, khó dự báo.
Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang tổng hợp ý kiến Thành viên Chính phủ để trình Chính phủ ký ban hành.
Về chính sách thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt, ngày 28/7 vừa qua, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương về phương án thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai xây dựng văn bản theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trước đó, về thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 20/2022/UBTVQH15 ngày 6/7/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 11/7.
Qua đó, điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế quy định tại Luật thuế bảo vệ môi trường đến hết ngày 31/12/2022.
Để kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết này, ngày 10/7/2022, Bộ Tài chính có công văn số 6622/BTC-CST gửi Tổng cục Thuế, Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thực hiện chính sách nhằm đảm bảo tính minh bạch, thống nhất.