Xăng tăng giá- ngành dịch vụ vận tải lao đao

Từ đầu năm đến nay, giá xăng, dầu trong nước đã được điều chỉnh tổng số 13 lần; trong đó, giá xăng tăng 10 lần, giảm 3 lần. Riêng mặt hàng xăng đã có 4 phiên liên tiếp tăng giá, đưa mặt hàng lập kỷ lục mới.

Xăng tăng giá ảnh hưởng tới ngành dịch vụ vận tải và đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Xăng tăng giá ảnh hưởng tới ngành dịch vụ vận tải và đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Giá xăng tăng rất cao thời gian qua là một trong những vấn đề đáng lo ngại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân mà tác động mạnh mẽ đến chi phí sản xuất đầu vào của doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp vận tải. Khởi sắc sau dịch COVID-19 chưa được bao lâu, các doanh nghiệp vận tải lại phải liên tiếp hứng chịu những cơn "bão giá" mới do tăng giá xăng, dầu gây ra, khiến họ lao đao.

Ông Nguyễn Văn Hoàn, Giám đốc Công ty vận tải Tâm An Thịnh cho biết: Đợt bùng phát mạnh nhất của dịch COVID-19 bắt đầu vào cuối năm 2021 và kéo dài sang tận đầu năm 2022. Đây là "cơn bão" đánh gục hầu hết doanh nghiệp vận tải nói chung và vận tải hành khách đường bộ nói riêng. Hàng loạt doanh nghiệp vận tải lớn phải tạm dừng hoạt động. Với sự liên kết để thực hiện dịch vụ vận tải Bắc - Nam, Công ty vận tải Tâm An Thịnh đã có trên 200 công ten nơ chuyên vận tải hàng hóa đông lạnh. Tuy nhiên, trong năm vừa qua chúng tôi chỉ hoạt động với 30 công suất để duy trì. Trên thực tế hoạch toán thì Công ty đang thua lỗ, nhưng vẫn phải làm để giữ mối hàng và giữ chân người lao động. Chỉ khi "cơn bão" COVID-19 thật sự lắng xuống, hoạt động vận tải hành khách đường bộ mới từng bước lấy lại "sức sống" của mình. Trong khoảng 1 - 2 tháng trở lại đây, các nhà xe đã bắt đầu hoạt động rôm rả hơn, lượng khách trên xe được lấp đầy hơn.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng trong tháng 4 hoạt động vận tải trên địa bàn đã có sự khởi sắc. Khối lượng vận chuyển hành khách trong tháng ước thực hiện gần 1,9 triệu lượt khách, tăng 14,9% và luân chuyển gần 95,8 triệu lượt khách, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa trong tháng 4 ước thực hiện gần 5 triệu tấn vận chuyển, tăng 13,2%. Doanh thu vận tải trong tháng 4 đã đạt trên 650 tỷ đồng, tăng 17,5% so với tháng 4/2021. Ước tính trong 4 tháng đầu năm, doanh thu vận tải toàn tỉnh đạt 2.562,4 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ. "Dù vẫn còn cách rất xa so với thời kỳ dịch bệnh chưa bùng phát nhưng đây cũng là một tín hiệu rất đáng mừng.

Hiện nay, tuyến xe của chúng tôi đã phục hồi được 60% sản lượng, gấp đôi so với năm 2021. Hầu hết các "lốt" đã khôi phục theo đúng giờ nhưng lượng khách vẫn chưa đều. Doanh nghiệp vẫn phải phục vụ thêm vận tải hàng hóa để bù lỗ", đại diện nhà xe Limosin Ninh Bình- Hà Nội cho biết. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải chưa kịp mừng vì sự phục hồi sau đại dịch COVID-19, ngay lập tức phải đối mặt với một "cơn bão" mới. Đó chính là "bão giá" nhiên liệu, mà cụ thể là giá xăng, dầu.

Trong khoảng 2 - 3 tháng trở lại đây, giá xăng, dầu liên tục tăng phi mã và liên tiếp tự phá kỷ lục. Đến thời điểm hiện tại, giá xăng đã ở ngưỡng 30 nghìn đồng/ lít, cao nhất trong lịch sử. Điều đáng nói, "cơn bão" này chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sẽ dừng lại trong thời gian tới. Với việc chiếm tới 40% giá thành vận tải thì khi giá xăng, dầu tăng cao, hầu hết doanh nghiệp vận tải đều phải chịu lỗ.

Đại diện hãng taxi Mai Linh nhận định: Giá xăng, dầu tăng phi mã như hiện nay sẽ đẩy chi phí hoạt động của các nhà xe lên cao, nếu không sớm có biện pháp sẽ khiến doanh nghiệp tiếp tục rơi vào khó khăn. Nếu giá nhiên liệu giữ ở mức cao và kéo dài, các đơn vị vận tải sẽ buộc phải điều chỉnh tăng giá cước. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp. Vì trong thời điểm này, doanh nghiệp không chỉ phải bù lỗ để tăng chi phí phúc lợi nhằm giữ chân người lao động mà để kéo được hành khách quay trở lại với phương tiện vận tải công cộng các doanh nghiệp vận tải không dám tăng giá vé hoặc có tăng cũng chỉ ở mức độ rất thận trọng. Có thể thấy, tác động tiêu cực của giá xăng tăng cao với hoạt động vận tải không kém gì so với dịch COVID-19. Điều đáng nói, "bão giá" xăng, dầu diễn ra ngay sau "bão" COVID-19, nó mang tới tác động cộng hưởng khiến cho độ "sát thương" càng lớn đối với ngành vận tải nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Ông Trần Quang Nhương, Giám đốc HTX vận tải ô tô thành phố Ninh Bình cho biết: Để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp sức hỗ trợ nhà xe đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng cường kết nối giữa nhà xe và hành khách qua hình thức bán vé qua mạng, thanh toán điện tử, vé điện tử, cấp lệnh xe chạy điện tử. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra, xử lý xe hợp đồng trá hình, xe chạy dù đón khách ngoài bến để đảm bảo ATGT và tạo môi trường vận tải công bằng.

Trước khó khăn trên, UBND tỉnh cũng đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu Ninh Bình. Theo đó, Sở Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Cục QLTT Ninh Bình và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu nhằm ngăn chặn nguy cơ gây đứt gãy nguồn cung xăng dầu trên địa bàn. Bên cạnh đó yêu cầu thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ xăng dầu có phương án đảm bảo nguồn cung, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong hệ thống.

Sở Công Thương cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn các huyện, thành phố; tập trung vào kiểm tra việc chấp hành quy định về hệ thống phân phối, hợp đồng mua bán trong hệ thống phân phối; quy định về giá và niêm yết giá, về thời gian bán hàng; về thương hiệu và nhận diện thương hiệu; phòng cháy, bảo vệ môi trường; tiêu chuẩn chất lượng về đo lường trong kinh doanh xăng dầu...

Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng cam kết chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối, không để xảy ra tình trạng các cửa hàng đóng cửa, giảm thời gian bán hàng, đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá; duy trì thông tin bằng văn bản về khả năng sản lượng cung ứng xăng dầu cho hệ thống cửa hàng trực thuộc và đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.

Dự báo thời gian tới, giá xăng dầu còn tiếp tục biến động. Các cơ quan chức năng cần huy động sự phối hợp của người dân trong việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu để góp phần giữ cho thị trường ổn định và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/xang-tang-gia-nganh-dich-vu-van-tai-lao-dao/d20220530082227900.htm