'Xanh hóa' ngành logistics - cơ hội và thách thức

Trong bối cảnh yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính ngày càng cấp thiết, ngành logistics Việt Nam đang đứng trước áp lực phải 'xanh hóa' để phát triển bền vững và bắt kịp tiêu chuẩn toàn cầu. Dù còn nhiều rào cản, nhưng một số doanh nghiệp đã bắt đầu hành trình chuyển đổi với nhiều giải pháp công nghệ và mô hình vận hành thân thiện với môi trường.

Hướng đi tất yếu

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), ngành logistics hiện chiếm khoảng 5-6% tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, tỷ trọng vận tải đường bộ trong hoạt động logistics lên đến hơn 70%, khiến mức phát thải CO₂ cao và chi phí vận chuyển chiếm tới 50-60% chi phí logistics. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết, xu hướng logistics xanh đang trở thành tiêu chí bắt buộc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một số doanh nghiệp logistics trong nước đã chủ động triển khai mô hình vận hành thân thiện môi trường, dù chi phí đầu tư ban đầu không nhỏ.

Công ty Giao hàng kiết kiệm (GHTK) từ năm 2023 đã đưa vào vận hành gần 1.000 xe máy điện trong hoạt động giao nhận tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc vận hành GHTK, việc chuyển sang xe điện giúp giảm khoảng 30% chi phí nhiên liệu mỗi tháng và cắt giảm đáng kể lượng khí thải tại đô thị. Công ty không chỉ hướng tới tiết kiệm chi phí mà còn muốn xây dựng hình ảnh doanh nghiệp thân thiện với môi trường và điều này đang được khách hàng đánh giá cao.

Tương tự, Bee Logistics là một doanh nghiệp chuyên về vận tải đa phương thức và logistics quốc tế đang áp dụng hệ thống quản lý vận tải (TMS) tích hợp trí tuệ nhân tạo để tối ưu hành trình và tải trọng. Nhờ đó, đã giảm được hơn 12% lượng tiêu thụ nhiên liệu trong năm 2024. Bee Logistics cũng đầu tư vào trung tâm kho bãi tại Hải Phòng đạt chuẩn công trình xanh EDGE.

Phát triển logistics xanh không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là động lực chiến lược

Phát triển logistics xanh không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là động lực chiến lược

Từ công nghệ đến mô hình vận hành

Theo các chuyên gia, để hiện thực hóa logistics xanh, doanh nghiệp cần triển khai đồng bộ các giải pháp: Tăng cường sử dụng xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sinh học là hướng đi bền vững, đặc biệt cho chặng giao hàng cuối (last-mile delivery) trong đô thị; Sử dụng các phần mềm quản lý kho (WMS), quản lý vận tải (TMS), phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) giúp doanh nghiệp tính toán hành trình hiệu quả, giảm số chuyến đi rỗng, từ đó giảm nhiên liệu và chi phí. Nhiều doanh nghiệp lớn như Gemadept, Transimex đang đầu tư mạnh vào các nền tảng công nghệ này.

Cùng với đó là thiết kế kho sử dụng năng lượng mặt trời, vật liệu cách nhiệt, hệ thống chiếu sáng LED và quản lý nước thải. Theo báo cáo từ Cushman & Wakefield, hiện mới có khoảng 15% kho công nghiệp tại miền Nam đạt tiêu chuẩn xanh LEED hoặc EDGE, con số dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.

Việc kết hợp vận tải đường thủy nội địa, đường sắt và đường bộ có thể giúp giảm phát thải đến 30% so với vận tải đơn lẻ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thiếu hạ tầng cảng cạn (ICD), trung tâm trung chuyển và chính sách điều phối hiệu quả giữa các phương thức vận tải.

Dù nhiều doanh nghiệp đã có động lực chuyển đổi, nhưng để quá trình “xanh hóa” ngành logistics diễn ra đồng bộ, vai trò của Nhà nước là không thể thiếu.

TS. Nguyễn Xuân Thành, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng: “Chính phủ cần sớm ban hành bộ tiêu chí logistics xanh, đồng thời đưa ra các chính sách ưu đãi thuế, tín dụng xanh cho doanh nghiệp đầu tư xe điện, công nghệ và kho bãi xanh”.

Hiện nay, chúng ta đang hướng tới giảm phát thải trong lĩnh vực logistics, nhưng theo nhiều chuyên gia, vẫn thiếu các hành lang pháp lý cụ thể để doanh nghiệp triển khai.

Chính phủ nên thí điểm các khu logistics xanh tại các địa phương như Hải Phòng, Long An, Bình Dương, nơi có hệ sinh thái logistics phát triển. Đồng thời, cần có cơ chế phối hợp liên bộ ngành để thúc đẩy vận tải đa phương thức và đầu tư hạ tầng trung chuyển.

Tương lai của logistics Việt Nam chính là câu chuyện của phát triển bền vững, thân thiện môi trường. Để làm được điều đó, không chỉ doanh nghiệp mà toàn bộ chuỗi giá trị từ hạ tầng, công nghệ, chính sách đến nhận thức xã hội đều cần thay đổi.

Trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phát triển logistics xanh không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là động lực chiến lược để ngành logistics vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đức Hiền

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/xanh-hoa-nganh-logistics-co-hoi-va-thach-thuc-164678.html