'Xanh hóa' nhiều xã nông thôn mới ở Hải Dương
'Xanh hóa' xã nông thôn mới đã trở thành một phong trào được hầu khắp các địa phương ở Hải Dương tích cực hưởng ứng, góp phần tạo ra những giá trị tốt đẹp.

Cây xanh tỏa bóng mát trên nhiều tuyến đường ở xã Lê Hồng (Thanh Miện)
Môi trường xanh
Đường làng, ngõ xóm ở khắp các làng quê tại Hải Dương hiện nay xanh - sạch - đẹp hơn nhiều so với những năm trước. Những tuyến đường được trải nhựa, bê tông rộng rãi, hai bên trồng hoa, cây ăn quả, cây bóng mát xuất hiện ở khắp các địa phương trong tỉnh.
Kể từ khi cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" được triển khai đến nay, phong trào trồng cây bóng mát, cây ăn quả, hoa được nhân dân hưởng ứng tích cực.
Từ năm 2024 đến nay, xã Lê Hồng (Thanh Miện) đã trồng khoảng 5.500 cây xanh các loại tại các tuyến đường, trường học, nhà văn hóa, các điểm vui chơi công cộng... Đường ra đồng thuộc các thôn Lâm Kiều, Hoành Bồ, Chỉ Trung xanh mướt khi những rặng phi lao đã vươn mình phát triển thẳng tắp hai bên.
Hai bãi rác tập trung của xã cũng được Hội Cựu chiến binh xã trồng keo xung quanh, hạn chế ô nhiễm môi trường. "Bà con nhân dân hiểu được ý nghĩa của việc trồng cây nên rất tích cực tham gia đóng góp công lao động, ủng hộ tiền mua cây", Bí thư Đảng ủy xã Lê Hồng Ngô Xuân Khiêm cho biết.
Những rặng cây xanh mướt hai bên các tuyến đường, khuôn viên công sở, trường học, di tích lịch sử văn hóa ở phường An Lạc (TP Chí Linh) bị bão số 3 hồi tháng 9/2024 quật đổ, nay đã được thay thế bằng những hàng cây xanh tốt, những "con đường hoa" tươi đẹp...

Những tuyến đường hoa ở phường An Lạc (TP Chí Linh) góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường
Chủ tịch UBND phường An Lạc Nguyễn Quang Hưng cho biết được sự ủng hộ tích cực của người dân, doanh nghiệp, từ tháng 2 đến nay, phường đã hoàn thành kế hoạch trồng 2.500 cây xanh trong năm 2025.
500 cây bằng lăng tím, osaka trồng hai bên đường trục chính của phường từ quốc lộ 37 đến quần thể khu di tích quốc gia đền Cao sinh trưởng, phát triển tốt. 500 cây xà cừ, 1.500 cây thông 2 lá trồng tại chùa Minh Nguyệt cũng đang vươn mình xanh tốt.
Những "con đường hoa" chạy dài trên 7 tuyến đường trục dẫn về các khu dân cư thuộc phường An Lạc đang khoe sắc thắm nhờ bàn tay chăm sóc của các hội viên phụ nữ... Quê hương văn minh, môi trường xanh, sạch tác động tích cực đến đời sống của người dân nơi đây.
Sau bão số 3, số lượng rất lớn cây xanh ở Hải Dương bị gẫy đổ, hàng trăm tuyến đường hoa tại nhiều nơi trong tỉnh bị dập nát. Để bảo đảm tiêu chí nông thôn mới về môi trường, giao thông, từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức khôi phục, trồng mới hàng trăm nghìn cây xanh, trồng lại nhiều tuyến đường hoa...
Nông sản sạch

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ở xã Toàn Thắng (Gia Lộc)
Nông thôn mới ở Hải Dương đang thực sự "xanh hóa" đúng nghĩa khi không chỉ tập trung trồng cây xanh bảo vệ môi trường mà các địa phương còn khuyến khích nhân rộng các mô hình kinh tế theo hướng tích hợp đa giá trị, tạo ra những mặt hàng nông sản sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Hải Dương dẫn đầu miền Bắc về diện tích nhà màng và vẫn đang tiếp tục được nhân rộng ở nhiều địa phương. Nông dân chủ yếu sử dụng xơ dừa, phân bón sinh học trong sản xuất nhà màng. Ở một số nơi, bà con còn sử dụng phân trùn quế, nuôi ong để thụ phấn cho dưa lưới, dưa chuột...

Xơ dừa, phân bón vi sinh được áp dụng trong sản xuất nhà màng
Ông Phạm Văn Trung ở xã Toàn Thắng (Gia Lộc) có 2 nhà màng trồng dưa lưới chia sẻ mô hình này phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững, cho năng suất, giá trị cao hơn nhiều so với phương thức canh tác truyền thống, giảm rủi ro sâu bệnh, bảo vệ môi trường, tạo ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao.
Nhiều xã ở huyện Nam Sách đang tích cực sử dụng phân bón sinh học vào quá trình sản xuất lúa, hành, tỏi. Sự thay đổi giúp cải tạo, khôi phục những vi sinh vật có lợi cho cây trồng vốn đã bị tiêu diệt nhiều do tập quán canh tác cũ lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học.
"Hệ sinh thái trong đất khôi phục, hành, tỏi sinh trưởng tốt, cho năng suất cao hơn từ 15% trở lên so với trước khi áp dụng phân bón sinh học. Môi trường an toàn, sức khỏe của người dân được bảo vệ do được sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch", ông Trần Đình Tưởng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Nam Tân (Nam Sách) thông tin.

Năng suất hành, tỏi tại nhiều xã ở huyện Nam Sách đã tăng lên đáng kể nhờ áp dụng phân bón sinh học
Các xã An Thanh, Chí Minh, Quang Trung (Tứ Kỳ) đã hình thành vùng trồng lúa hữu cơ kết hợp với khai thác rươi, cáy rộng hàng trăm ha. Không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế, việc thay đổi tư duy sản xuất còn giúp môi trường ở những địa phương này được cải thiện.
Cũng tại huyện Tứ Kỳ, một số mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn cũng bắt đầu hình thành. Trang trại chăn nuôi thỏ thương phẩm kết hợp nuôi giun quế, ba ba của gia đình ông Nguyễn Văn Cẩm ở xã Đại Sơn là một ví dụ.
Trang trại này thường xuyên nuôi từ 6.500 - 7.000 con thỏ. Phân thỏ thải ra làm thức ăn cho giun. Giun thu hoạch được dùng làm thức ăn cho ba ba. Sản xuất tuần hoàn giúp chủ trang trại tiết kiệm công thu dọn phân, chi phí, tạo môi trường thông thoáng trong chăn nuôi. Vì vậy, thỏ không phải tiêm kháng sinh, tạo ra nguồn thực phẩm sạch, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng...
Sự thay đổi trong tư duy sản xuất của người dân mang lại nhiều giá trị tốt đẹp.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/xanh-hoa-nhieu-xa-nong-thon-moi-o-hai-duong-410777.html