Xanh hóa sản xuất hóa chất và phân bón: Chờ những cú hích từ chính sách

Sản xuất hóa chất và phân bón là những ngành công nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây phát thải cao, sử dụng nhiều năng lượng. Do đó, yêu cầu về tiêu chuẩn xanh được đặt ra khắt khe hơn rất nhiều so với các ngành sản xuất khác và điều này cũng khiến các doanh nghiệp trong ngành này gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi xanh...

Sản xuất phân bón sử dụng khá nhiều tài nguyên thiên nhiên

Sản xuất phân bón sử dụng khá nhiều tài nguyên thiên nhiên

Tại tọa đàm “Xanh hóa sản xuất hóa chất và phân bón: Cơ hội cạnh tranh hiệu quả cho doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thanh Phương, Cục Kỹ thuật An toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương, cho rằng xanh hóa công nghiệp là một khái niệm khá mới và hiện chưa có một định nghĩa cụ thể tại bất cứ một quy định văn bản pháp luật nào. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong thực hiện.

CHÍNH SÁCH ĐÃ CÓ NHƯNG CHƯA RÕ RÀNG

Đối với các doanh nghiệp ngành hóa chất nói riêng, đặc biệt liên quan đến xanh hóa sản xuất thì từ việc chuyển đổi nguồn nguyên liệu đầu vào, chuyển đổi nguồn năng lượng sử dụng, đến việc thay đổi công nghệ, áp dụng công nghệ mới, xanh, thân thiện hơn với môi trường… đều phải đầu tư và đây là một khó khăn rất lớn, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Các doanh nghiệp của ngành hóa chất nói riêng và các doanh nghiệp của các ngành công nghiệp nói chung hiện giờ cũng đang rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư vào các giải pháp xanh hóa”, bà Phương nêu thực tế.

Hơn nữa, về thể chế, chúng ta chưa có quy định cụ thể xanh hóa là gì, phải thực hiện ra sao, nên việc đưa ra các những chính sách, cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp cũng chưa cụ thể. Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam đã có những chủ trương hướng tới xanh hóa công nghiệp, cũng như sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng, nhưng việc áp dụng hiện nay vẫn còn rất nhỏ lẻ, chưa đồng bộ.

Theo ông Phùng Ngọc Bộ, Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam (Vinachem), xanh hóa ngành hóa chất nói riêng và ngành công nghiệp nói chung có nhiều cơ hội. Đó là Nhà nước đã ban hành khá nhiều cơ chế chính sách tạo ra hành lang pháp lý vững chắc và tạo động lực thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ về xanh hóa. Việc xanh hóa trong sản xuất hóa chất giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư cũng như kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Bộ, thách thức cũng rất nhiều.

Một là, giá thành của sản phẩm xanh còn cao. Chúng ta đang xanh hóa, nhưng bản chất là các công nghệ hiện nay đang sử dụng tỷ lệ các nguyên liệu hóa thạch rất lớn, tức là nguyên liệu xanh chúng ta bắt đầu tiếp cận nhưng vẫn còn tỷ lệ rất nhỏ. Hơn nữa, chi phí công nghệ cũng như giá thành sản xuất cho các sản phẩm xanh hiện nay vẫn còn cao. Chúng ta phải mất một thời gian nữa mới có thể cân bằng được giữa giá thành của một sản phẩm xanh với một sản phẩm thông thường như hiện nay.

Hai là, thách thức về cơ chế, chính sách. Chính sách đã có nhưng đối với ngành hóa chất hiện nay để tiếp cận thì chưa thực sự rõ ràng. “Chúng ta dễ dàng tiếp cận các nguồn tài chính. Song đối với ngành hóa chất, việc xanh hóa hay chuyển đổi hóa học xanh thì việc tiếp cận các dự án, hay tiếp cận các quỹ đầu tư cũng như tài trợ vốn ưu đãi cũng vẫn còn khó khăn”, ông Bộ nhấn mạnh.

Ba là, nhận thức của đại bộ người dân hiện nay đối với việc chuyển đổi công nghệ hay chuyển đổi xanh thực tế còn hạn chế, do vậy cũng ảnh hưởng một phần đến việc chuyển từ công nghệ thông thường hiện nay sang công nghệ xanh.

Đối với ngành hóa chất, khó khăn là xử lý chất thải thạch cao trong quá trình sản xuất axit phosphoric. Hiện nay đã có nhà máy Công ty cổ phần thạch cao Đình Vũ chế biến, xử lý thạch cao để sản xuất ra phụ gia cho xi măng và công suất cũng hạn chế. Ngoài ra, vốn đầu tư cũng là một khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp hóa chất muốn chuyển đổi. Thủ tướng Chính phủ đã có các chiến lược, chính sách về hydro xanh, amoniac xanh và giao cho ngành hóa chất triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để triển khai sản xuất hydro xanh, amoniac xanh đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn.

Với ngành phân bón, ông Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho rằng là một trong 10 ngành của ngành hóa chất nên khó khăn, thuận lợi của ngành hóa chất cũng là khó khăn, thuận lợi của ngành phân bón. “Phân bón là ngành phát triển mạnh. Hiện nay chúng ta sản xuất được khoảng 6,5 – 7 triệu tấn/năm, đáp ứng tới 70% nhu cầu của cả nước, song lại là ngành sử dụng khá nhiều tài nguyên thiên nhiên để sản xuất phân bón như than, khí thiên nhiên, quặng apatit... Hơn nữa, thiết bị công nghệ của ngành khá đa dạng nhưng chỉ ở mức trung bình, chưa nói tới lạc hậu”, ông Hà nêu thực tế.

Từ thực trạng trên, để thúc đẩy xanh hóa các ngành công nghiệp nói chung và ngành hóa chất nói riêng, theo bà Phương, các doanh nghiệp cần tập trung thực hiện đầy đủ và đúng các quy định về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính… Bản thân các doanh nghiệp phải tự nghiên cứu, tính toán các phương án về giảm phát thải như tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn. Khi có những mô hình thí điểm, doanh nghiệp sẽ lựa chọn được giải pháp tối ưu nhất.

DOANH NGHIỆP CẦN CHỦ ĐỘNG TÌM GIẢI PHÁP

Liên quan đến các dự án xanh, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo quyết định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về tiêu chí môi trường dành cho những dự án đầu tư liên quan đến dự án xanh giúp các doanh nghiệp tiếp cận những nguồn hỗ trợ từ các chính sách nhà nước liên quan đến tín dụng xanh và trái phiếu xanh.

“Không có cách nào khác, các doanh nghiệp phải tự nghiên cứu và tiếp cận những thông tin như vậy để tìm ra những giải pháp tiếp cận những nguồn đầu tư để thực hiện các dự án của mình”, bà Phương khuyến nghị; đồng thời cho rằng nhận thức hiện nay của đa số doanh nghiệp còn chưa đầy đủ, do đó đối với mỗi doanh nghiệp cần phải tăng cường nhận thức, từ lãnh đạo đến các nhân viên lao động bên trong.

Tiếp theo nữa là Luật Hóa chất đang được cập nhật, sửa đổi và đang trình Chính phủ để Quốc hội xem xét, thông qua. Vì vậy, các doanh nghiệp hóa chất phải cập nhật và tiếp cận những thông tin mới, các quy định mới về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực hóa chất, ứng phó với sự cố hóa chất đặc biệt là những quy định liên quan đến thúc đẩy ngành công nghiệp hóa chất phát triển theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn…

Bà Phương cho biết hiện Bộ Công Thương đang tập trung nghiên cứu, đề xuất các nội dung cơ bản liên quan đến xanh hóa các ngành công nghiệp như khái niệm xanh hóa công nghiệp, bộ chỉ tiêu xác định mức độ xanh hóa các ngành công nghiệp. Bộ tiêu chí này giúp đánh giá thực trạng xanh hóa công nghiệp, từ đó, xác định những thuận lợi cũng như khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp, chính sách mới phù hợp trong việc thúc đẩy xanh hóa các ngành công nghiệp tại Việt Nam giai đoạn đến năm 2030.

Ở góc độ khác, ông Bộ cho biết vốn đầu tư cho các lĩnh vực xanh hóa ngành hóa chất, hóa học xanh vẫn là một bài toán hết sức khó khăn. Vì vậy phải có một cơ chế rõ ràng để khuyến khích cũng như ủng hộ các doanh nghiệp hóa chất tiếp cận nguồn vốn...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 45-2024 phát hành ngày 04/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Song Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xanh-hoa-san-xuat-hoa-chat-va-phan-bon-cho-nhung-cu-hich-tu-chinh-sach.htm