Xanh hóa Trường Sa

Trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, số ngày nắng nóng nhiều, đặc biệt, những ngày mùa khô, thời tiết khắc nghiệt, thổ nhưỡng chủ yếu là cát san hô, đất ít, khả năng giữ ẩm rất hạn chế, việc trồng cây xanh trên các đảo vì vậy cũng gặp nhiều khó khăn. Những ngày sóng to, gió lớn, nước mặn tràn vào đảo cũng làm cho cây chậm phát triển. Thế nhưng, khi đến với Trường Sa, bất cứ ai cũng phải ngỡ ngàng vì màu xanh của cây hiện diện khắp nơi.

Binh nhất Nguyễn Văn Thuận dành nhiều tâm huyết để chăm sóc vườn ươm của đơn vị. Ảnh: Nguyên Nhi

Binh nhất Nguyễn Văn Thuận dành nhiều tâm huyết để chăm sóc vườn ươm của đơn vị. Ảnh: Nguyên Nhi

Giữa trùng khơi, Sinh Tồn Đông hiện lên với những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi. Hòn đảo hình bầu dục có dải cát hai bên như đôi cánh của chú nhạn biển khổng lồ màu xanh, màu xanh của cây lá. Dẫn chúng tôi đi thăm đảo dưới những tán cây rợp bóng mát, Binh nhất Nguyễn Văn Thuận hào hứng giới thiệu: “Đây là vườn ươm thanh niên của Chi đoàn đảo Sinh Tồn Đông, vườn ươm gồm 4 loại cây: tra, bàng vuông, húng quế và chanh...” .

Sinh ra và lớn lên ở Bình Dương, nhà Thuận cũng có một mảnh vườn nhỏ. Nhận công tác ngoài đảo xa, Thuận cứ nghĩ phải xa vườn, xa cây, vậy mà ra đến Sinh Tồn Đông, anh lại được gặp lại hình ảnh quá đỗi quen thuộc nơi quê nhà. Vườn ươm này được Chi đoàn đảo Sinh Tồn Đông giao cho Thuận và hai đồng chí khác phụ trách. Sau mỗi giờ huấn luyện, được tự tay chăm sóc và nhìn những mầm cây lớn lên từng ngày là niềm vui của những người lính trẻ. “Hạt già thì hái xuống phơi khô, ủ đất thời gian trước đó xong là ươm. Vườn ươm che lưới lại để đề phòng gió biển. Gió sóng biển đánh cao lên gió hướng Bắc, Tây Bắc tầm tháng 12, muối biển tạt vào là cây cháy lá” – Thuận chia sẻ cách chăm sóc vườn cây.

Cũng như những vườn ươm của Đoàn Thanh niên đảo Sinh Tồn Đông, các vườn ươm Thanh niên của đảo Trường Sa được xây dựng kiên cố, có mái che và được bao bọc xung quanh bằng những tấm nhựa. Phụ trách vườn ươm ở đây là một chiến sĩ ít nói, nước da ngăm đen và đôi mắt sâu. Hỏi gì, Trung sĩ Kiều Văn Pháp cũng cười bẽn lẽn, nhưng khi nhắc đến cây thì anh lính trẻ sôi nổi hẳn: “Tôi thích trồng cây từ bé vì nhà tôi làm cây cảnh, hằng ngày, tôi theo ba tôi đi lên núi để lấy mấy cây bằng lăng về trồng. Đây là vườn ươm Liên chi đoàn của đảo Trường Sa. Tôi trồng được 40 cây mù u, 250 cây tra. Cây tra thích hợp với môi trường mặn, thời tiết khô hạn. Lo nhất là cây mù u, thường ngày không tưới là nó sẽ héo đi”.

Gắn bó với vườn ươm từ những ngày đầu lên đảo, Trung sĩ Kiều Văn Pháp hiểu rõ “tính nết” đặc điểm của từng loại cây chẳng khác nào những đứa em ruột của mình. Anh bảo, chỉ cần nghĩ tới mai này, những mầm cây sẽ vươn đi khắp nơi, che mát cho quân dân trên các đảo, làm dịu đi những bỏng rát của nắng gió Trường Sa là anh cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

Màu xanh hiển hiện ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: Nguyên Nhi

Màu xanh hiển hiện ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: Nguyên Nhi

Hiện nay, trong vườn ươm của Liên chi đoàn đảo Trường Sa có khoảng 2.000 cây ươm. Quá trình ươm cây đều tuân thủ đầy đủ quy trình, kỹ thuật chăm sóc từ kích thước hố trồng đến việc che chắn gió, bảo đảm độ ẩm, phân bón để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Đoàn Thanh niên là lực lượng nòng cốt, xung kích thực hiện Chương trình “Xanh hóa Trường Sa”. Lãnh đạo đảo giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các chi đoàn, phân đội số lượng cây để trồng, chăm sóc. Hằng tuần, hằng tháng, các tổ kiểm tra, chấm điểm thi đua. Đây cũng được coi là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua của tổ chức đoàn và đoàn viên mỗi năm.

Không chỉ đảo Trường Sa, Sinh Tồn Đông, Đoàn cơ sở của các đảo trên quần đảo Trường Sa đều xây dựng kế hoạch ươm trồng cây dài hạn với mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu cụ thể, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của từng đảo. Các đảo nổi đều xây dựng những vườn ươm cây giống để trồng tại đảo và chuyển giao để trồng tại các đảo khác. Trung tá Lê Doãn Hợp, Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông cho biết: “Từ đầu năm 2024, chúng tôi đã ươm được gần 1.000 cây xanh”. Một ngàn cây xanh trong điều kiện thiếu đất và thời tiết khí hậu quanh năm nắng nóng, không có nhiều nước ngọt như đất liền quả là một con số đáng khâm phục, thể hiện cho sức trẻ.

Từ vườn ươm Sinh Tồn Đông, các cây non được vươn đi khắp các đảo trên quần đảo Trường Sa. Năm 2023, đảo đã ươm chuyển sang đảo Núi Le A hơn 30 cây phi lao, tra và chanh; chuyển cho đảo Đá Lớn 20 cây tra, 5 cây bàng vuông. Thuyền Chài, Tiên Lữ và nhiều đảo khác cũng nhận được hàng chục kg muống biển và hàng trăm cây giống, hạt giống các loại.

Chúng tôi gặp Trung sĩ Châu Khánh Lực trên đảo Trường Sa đúng lúc anh vừa hoàn thành nhiệm vụ trong ngày, niềm háo hức hiện rõ trên khuôn mặt người lính trẻ khi anh khoe về thành tích của mình: “30 cây tôi trồng bây giờ cao được 20cm. Tôi tự đi nhổ để trồng lại cho mình, trồng lại cho chi đoàn của mình".

Nhìn những cây non Trung sĩ Lực mới trồng, tôi thấy bóng dáng của người lính trẻ, không ngại đương đầu với thử thách. Đã 2 tháng, nhiều cây bị gió lớn làm rách lá, nhiều cây lá héo nhưng Lực không bỏ cuộc, anh vẫn đang chờ cây thay lá mới. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên việc trồng và chăm sóc cây xanh của quân và dân trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa cũng vất vả hơn gấp nhiều lần so với trồng cây trong đất liền. Có nhiều khu vực trên đảo, đơn vị phải trồng đi trồng lại mới thành công. Nhưng những người lính không bao giờ nản lòng, thay vào đó là sự quyết tâm hơn. Việc trồng và chăm sóc cây xanh được cán bộ, chiến sĩ trên các đảo vận dụng rất linh hoạt, sáng tạo. Các đảo đã tổ chức quy hoạch khu vực đất trồng cây phù hợp với khuôn viên cảnh quan đơn vị. Vào mùa mưa, tranh thủ đất còn mềm, ẩm, tổ chức cho đoàn viên, thanh niên đào hố sẵn, sau đó ủ phân xanh và phủ độn làm tơi xốp đất bằng các loại lá cây, cỏ rác; khi thời tiết phù hợp sẽ đưa ra trồng và chăm sóc để cây phát triển được thuận lợi.

Không chỉ riêng Trường Sa, Sinh Tồn Đông, mà phong trào trồng cây, chăm sóc, bảo vệ cây đã lan rộng đến mỗi người, tạo nên lối sống xanh. Ý thức và hành động bảo vệ môi trường đã gắn bó máu thịt với đời sống bà con và lính đảo nơi đây. Gắn bó với Trường Sa từ những ngày mới đôi mươi, năm nay trở lại đảo, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Vũ Văn Minh, nhân viên tham mưu đảo Trường Sa không khỏi ngỡ ngàng: “Ngày xưa cây còn bé, bây giờ nó thay đổi hẳn. Tôi ra đây đầu tiên là năm 1996, cái cây này mới bằng cành kia kìa, mà năm nay nó to thế rồi”.

Cây xanh ở Trường Sa tạo bóng mát che cho bộ đội, giữ nước ngọt trong đất. Lúc mệt mỏi ra ngoài thấy màu xanh sẽ cảm thấy sảng khoái, dễ chịu, thoải mái. 30, 40 năm, thậm chí, có những cây tuổi đời hàng trăm năm, trở thành cây di sản trên Trường Sa có giá trị đặc biệt về lịch sử, khoa học, văn hóa và cảnh quan. Những mù u, phong ba, bàng vuông... đã trở thành biểu tượng, thể hiện sức sống mãnh liệt của đất và người vùng nắng gió.

Nguyên Nhi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xanh-hoa-truong-sa-post478201.html