Xanh hơn mỗi ngày: Hành động nhỏ - Thay đổi lớn
Khi học sinh hình thành ý thức bảo vệ môi trường sớm, các em sẽ trở thành những công dân có trách nhiệm với xã hội trong tương lai.
“Cô ơi! Sao nhà trường không cho phụ huynh đóng tiền vệ sinh để thuê người quét rác mà cứ bắt các cháu cầm cây chổi chưa vững sáng nào cũng phải quét sân, gom rác, trông tội lắm”.
“Cô ơi! Em thấy nhiều trường thuê người quét dọn mà sao trường mình lại không? Mỗi tháng phụ huynh chỉ cần đóng vài chục ngàn nhưng con cái họ được khỏe, ai cũng đồng tình, không ai phản ứng đâu”. Những câu hỏi với nội dung như thế, tôi nhận được thường xuyên từ nhiều phụ huynh ở cả 5 khối lớp tiểu học.

Học sinh nhổ cỏ, nhặt rác bồn cây trong sân trường.
Những lúc ấy, tôi cũng chỉ cười và nói lại: “Đâu riêng học sinh phải quét. Các thầy cô cũng cùng chung tay quét dọn cùng các em mỗi ngày. Thuê người làm lại quá khỏe, cái chính là nhà trường muốn dạy cho các em lòng yêu lao động và biết bảo vệ môi trường”.
Sau rất nhiều phản ánh, đề xuất của phụ huynh về việc thuê người quét dọn sân trường cho các em đỡ vất vả, cô giáo Phạm Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân An 1 (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) cũng bày tỏ ý kiến: “Để học sinh quét dọn, cái chính là muốn tập cho các em thói quen lao động, thói quen biết giữ gìn vệ sinh nơi công cộng. Đặc biệt là rèn khả năng tự phục vụ, kỹ năng làm việc với tinh thần tập thể.
Chỉ là quét dọn lá cây, nhặt rác trên sân trường, đó cũng chỉ là những công việc vừa sức của các em. Còn thuê mướn là chuyện khác, phụ huynh đóng tiền vào thuê cũng được thôi nhưng mà học sinh sẽ thiếu đi ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Các em có tham gia vào công tác vệ sinh thì nó mới có được cái ý thức giữ gìn vệ sinh”.

Để giáo dục học sinh biết bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, ngoài việc, giáo viên cùng các em quét dọn, lượm rác trên sân trường mỗi ngày, Trường Tiểu học Tân An 1, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận còn có khá nhiều hoạt động để góp phần hình thành nên ý thức và tạo thói quen sống xanh cho các em.
Tổ chức các chương trình giáo dục về bảo vệ môi trường trong nhà trường
Nhà trường thực hiện tốt việc lồng ghép về giáo dục môi trường trong chương trình học ở nhiều môn học, bài học. Trong chương trình học ở bậc tiểu học, có khá nhiều môn học, bài học giáo dục học sinh biết bảo vệ môi trường. Nội dung các bài học thường xoay quanh các chủ đề như: Sống gọn gàng, ngăn nắp làm cho khuôn viên, nhà cửa sạch sẽ; Chăm làm việc nhà, phù hợp với lứa tuổi và khả năng như quét dọn nhà cửa, sân vườn, trường học, rửa ấm chén, chăm sóc cây trồng vật nuôi; Biết giữ gìn trường lớp sạch đẹp là góp phần làm môi trường thêm sạch,đẹp; Biết giữ gìn trật tự vệ sinh nơi công cộng và nhắc nhở bạn bè cùng thực hiện; Biết bảo vệ loài vật có ích là góp phần bảo vệ sự cân bằng sinh thái, giữ gìn và thân thiện môi trường…
Ngoài việc cung cấp cho học sinh kiến thức về việc bảo vệ môi trường, thầy cô còn cho học sinh tham gia các hình thức hoạt động để các em nhớ bài như đóng vai, diễn hoạt cảnh…Ngoài ra, thầy cô sẽ xây dựng những tình huống phản ánh mặt trái của việc không giữ gìn môi trường như đốt rác, xả rác thải nhựa, nấu than, đốt rơm sẽ tạo khói nên gây khói bụi độc hại làm ô nhiễm không khí, nước, ảnh hưởng sức khỏe mọi người.

Hoạt cảnh về bảo vệ môi trường.
Nhà trường đã phát động cuộc thi vẽ tranh, viết bài về môi trường nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, khuyến khích sự sáng tạo của học sinh và lan tỏa thông điệp bảo vệ thiên nhiên qua nghệ thuật.
Để nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động bảo vệ môi trường, vẽ tranh, đã trở thành một công cụ hiệu quả. Vẽ tranh bảo vệ môi trường không chỉ là một hoạt động sáng tạo mà còn là một cách thể hiện tình yêu và trách nhiệm của học sinh với môi trường sống.

Tranh về môi trường của học sinh
Từ những bức tranh về rừng cây xanh mướt, biển cả bao la, sông suối uốn lượn, đến những tác phẩm khắc họa cảnh tượng ô nhiễm, chặt phá rừng, đã khơi gợi lòng yêu thương và trân trọng đối với tự nhiên. Từ đó, tạo nên động lực để các em có những hành động cụ thể bảo vệ môi trường.
Nhà trường tổ chức các hoạt động hưởng ứng các chiến dịch bảo vệ môi trường như tham gia các phong trào "Ngày Chủ nhật xanh", "Giờ Trái đất", "Nói không với rác thải nhựa".
Với học sinh tiểu học thì “Ngày chủ nhật xanh”, giáo viên nhắc nhở các em công việc ngỡ đơn giản nhưng vô cùng thiết thực. Đó là việc thu gom rác ở gia đình và lối xóm, dọn dẹp vệ sinh trong khuôn viên nhà mình.
Nhà trường thường xuyên phát động việc "Nói không với rác thải nhựa" không chỉ trong giáo viên mà với cả học sinh. Những buổi chào cờ đầu tuần, cô hiệu trưởng luôn nhắc nhở các em mang nước uống vào bình, không sử dụng chai nhựa.
Hoạt động trồng cây xanh và dọn rác trong trường học là một trong những phong trào thiết thực giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh. Đây không chỉ là hành động góp phần làm cho khuôn viên trường sạch đẹp hơn mà còn giáo dục tinh thần trách nhiệm và ý thức cộng đồng.

Học sinh gom rác vào thùng
Cứ mỗi buổi sáng, học sinh đến trường là từng lớp sẽ bắt đầu công việc dọn vệ sinh từ phòng học ra các khu vực sân trường (đã chia cụ thể cho từng lớp trước đó) và chăm sóc cho cây xanh trong lớp, bồn cây ngoài sân. Ngoài ra, còn trồng mới các bồn hoa, nhổ cỏ, tưới nước nhặt rác để tạo khuôn viên nhà trường luôn xanh, đẹp.
Nhà trường khuyến khích học sinh phân loại rác hữu cơ và vô cơ, tái chế chai nhựa, giấy vụn để giảm thiểu rác thải. Phân loại rác thải là việc làm cần thiết giúp bảo vệ môi trường để ngày càng tốt hơn.

Thùng rác 2 ngăn để học sinh phân loại
Giáo viên đã cho học sinh hiểu rác thải sinh hoạt hiện nay được chia thành 03 loại chính: Rác hữu cơ là những phần thực phẩm thừa, cá thịt, hay các loại rau củ trong bữa ăn hàng ngày; Rác vô cơ là những loại rác không thể sử dụng và cũng không thể tái chế được bao gồm các loại vỏ sò, vỏ trứng, vỏ ốc, đồ cao su, ly, chén, cốc, bình thủy tinh bị vỡ, gỗ đá, gạch,…; Rác tái chế là rác gần giống với rác vô cơ như chai nước nhựa, các cốc lọ đã qua sử dụng. Điểm khác biệt ở đây chính là bởi vì loại rác này chúng ta có thể tái chế chúng một cách dễ dàng.
Nhà trường cũng thường phát động việc thu gom giấy vụn bằng cách để dưới góc mỗi lớp học một bao để đựng giấy vụn đã bỏ đi.

Thu gom sách giáo khoa cũ thành tủ sách dùng chung cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Cuối mỗi năm học, phát động phong trào ủng hộ sách giáo khoa để trang bị cho tủ sách dùng chung của nhà trường, giúp các học sinh nghèo khi năm học đến. Ngoài ra, vào những mùa bão lũ cũng kêu gọi học sinh, phụ huynh ủng hộ tiền, quần áo cũ cho những nơi cần đến.
Cùng với đó, nhà trường tăng cường hoạt động STEM để tạo ra những sản phẩm hữu ích từ đồ tái chế. Các dự án STEM từ đồ tái chế có thể trở thành sản phẩm hữu ích như đèn năng lượng mặt trời từ chai nhựa, mô hình xe hơi chạy bằng năng lượng gió, hoặc robot đơn giản từ vật liệu tái chế.
Việc sử dụng đồ tái chế để làm sản phẩm STEM đã góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường, khuyến khích học sinh phát triển tư duy sáng tạo khi biến rác thải thành những vật dụng có ích. Điều này không chỉ mang lại lợi ích về giáo dục mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giúp xây dựng lối sống xanh và sáng tạo.

Làm đồ chơi bằng giấy bìa.
Cô Phạm Thị Thuận, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những việc làm trên không chỉ mang lại lợi ích về mặt môi trường mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Khi các em học sinh hình thành ý thức bảo vệ môi trường từ sớm, các em sẽ trở thành những công dân có trách nhiệm với xã hội trong tương lai. Vì vậy, đây là một hoạt động cần được duy trì và phát huy thường xuyên”.
Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/xanh-hon-moi-ngay-hanh-dong-nho-thay-doi-lon-post249954.gd