Xanh ngời La Lay

Những mô hình phát triển kinh tế phù hợp cùng các hoạt động an sinh hiệu quả đã giúp đồng bào Pa Kô vùng biên giới từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đồng thời góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.

Cán bộ Đồn Biên phòng CKQT La Lay thăm mô hình nuôi dê của người dân do đơn vị hỗ trợ con giống. Ảnh: Bùi Cường

Cán bộ Đồn Biên phòng CKQT La Lay thăm mô hình nuôi dê của người dân do đơn vị hỗ trợ con giống. Ảnh: Bùi Cường

No ấm ở biên thùy

La Lay là xã biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Trị, với hơn 90% dân số là đồng bào Pa Kô. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với tập quán canh tác lạc hậu, khiến kinh tế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Thế nhưng, trong những năm gần đây, bộ mặt xã La Lay đã có nhiều khởi sắc. Đó là kết quả của sự vào cuộc đồng bộ từ cả hệ thống chính trị địa phương, sự chung sức, đồng lòng của người dân, đặc biệt là sự hỗ trợ hiệu quả của lực lượng BĐBP đang làm nhiệm vụ trên địa bàn trong việc triển khai các giải pháp phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững, chính quyền các cấp đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt chú trọng đến hệ thống giao thông nông thôn. Hầu hết các cụm dân cư, dù địa hình đồi dốc, đến nay đã có đường bê tông kiên cố; các tuyến đường cũ xuống cấp cũng được nâng cấp, sửa chữa.

Tận dụng tiềm năng đất đai màu mỡ, đồng thời, nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, người dân La Lay đã tích cực phát triển trồng rừng, thâm canh, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều hộ gia đình mạnh dạn nuôi dê, trâu, bò... mang lại thu nhập khá mỗi năm. Ông Hồ Trọng Vai (trú tại thôn Pire 1) chia sẻ: “Cuộc sống bà con giờ đã thay đổi nhiều. Người dân được hướng dẫn kỹ thuật, được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và thường xuyên được chính quyền thăm hỏi, động viên”.

Chính quyền địa phương không chỉ tập trung đầu tư hạ tầng, mà còn chú trọng công tác tuyên truyền, hỗ trợ các đối tượng chính sách, hộ nghèo. Các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên phối hợp tuyên truyền pháp luật về biên giới quốc gia, nâng cao nhận thức về xóa bỏ hủ tục, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng chống bạo lực gia đình, phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Thời gian qua, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) La Lay không chỉ giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, mà còn triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo giúp đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Mô hình “Lợn bản quay vòng” của Đồn Biên phòng CKQT La Lay hỗ trợ cho gia đình chị Hồ Thị The bước đầu mang lại hiệu quả. Ảnh: Bùi Cường

Mô hình “Lợn bản quay vòng” của Đồn Biên phòng CKQT La Lay hỗ trợ cho gia đình chị Hồ Thị The bước đầu mang lại hiệu quả. Ảnh: Bùi Cường

Một trong những mô hình tiêu biểu là “Dê giống khởi nghiệp”. Sau 5 năm triển khai, mô hình đã giúp hàng chục hộ nghèo có sinh kế, từng bước thoát nghèo. Bên cạnh đó, nhiều chương trình nhân văn khác cũng được triển khai như: “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”, Dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường”, “Nồi cháo nghĩa tình”, “Ổ bánh mì nơi biên giới”, “Tiết học biên cương”, “Tay kéo Biên phòng”... Qua đó, hàng nghìn suất quà trị giá hàng trăm triệu đồng đã được trao tặng; hơn 2.600 lượt người dân mỗi năm được thăm khám, cấp phát thuốc miễn phí. Đồn Biên phòng CKQT La Lay cũng thường xuyên phối hợp với địa phương tổ chức các hoạt động như “Tháng Ba biên giới”, “Tháng Thanh niên”, “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Từ năm 2021 đến đầu năm 2025, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng CKQT La Lay đã đóng góp hơn 250 ngày công hỗ trợ địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nổi bật là việc hỗ trợ làm mới 2km đường bê tông, sửa chữa 1km tuyến đường “Ánh sáng vùng biên”, xây dựng 6 giếng nước sinh hoạt, 2 “Mái ấm biên cương”, hỗ trợ hơn 3 triệu con ngan giống và 2.500 con cá giống các loại...

Đặc biệt, mô hình “Lợn bản quay vòng” mới được triển khai gần đây đã mang lại hiệu quả thiết thực. Từ nguồn đóng góp của cán bộ, chiến sĩ, đơn vị đã hỗ trợ 9 con lợn bản giống (trị giá 9 triệu đồng) cho 3 hộ gia đình. Sau khi chăn nuôi thành công, các hộ sẽ tiếp tục trao lợn giống cho hộ khác, tạo chuỗi lan tỏa giúp đỡ lẫn nhau. Gia đình chị Hồ Thị The được nhận lợn giống từ chương trình chia sẻ: “Từ 2 con lợn giống ban đầu, sau vài tháng nuôi đã đạt gần 10kg/con. Thấy dễ nuôi, phù hợp, tôi đã mua thêm, hiện đã có đàn 5 con. Với giá bán hiện nay khoảng 140.000–150.000 đồng/kg, hy vọng sẽ có thêm nguồn thu ổn định”.

Tương tự, anh Hồ Củ Roái lập gia đình với hai bàn tay trắng. Nhờ chương trình “Dê giống khởi nghiệp” do Đồn Biên phòng CKQT La Lay phối hợp với Đoàn xã triển khai, gia đình anh được hỗ trợ một cặp dê giống. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay, đàn dê phát triển lên 6 con, mang lại nguồn thu đáng kể. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn thức ăn phong phú, mô hình này đã khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu của nhiều hộ dân trẻ nơi biên giới.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tám, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng CKQT La Lay cho biết, đơn vị đã chủ động phối hợp cùng địa phương xây dựng mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cụ thể theo từng năm, từng giai đoạn. Cán bộ, chiến sĩ bám sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó lựa chọn mô hình phù hợp để hỗ trợ hiệu quả.

Ông Hồ Văn Hiền, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã A Bung phấn khởi chia sẻ: “Hiện nay, đời sống người dân đã và đang ngày càng ổn định. BĐBP thường xuyên phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả và hoạt động an sinh xã hội thiết thực, người dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa bỏ hủ tục, hòa nhập vào đời sống văn hóa mới”.

Minh Ngọc - Văn Trường

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xanh-ngoi-la-lay-post491917.html