Xanh và bền vững: gió có đổi chiều trong năm 2025?
Gió có thể không còn theo một chiều ủng hộ phong trào xanh và bền vững, nhưng để đảo chiều thì có thể chưa, ít nhất là ở EU và Trung Quốc, nơi các lãnh đạo chủ chốt vẫn cam kết ủng hộ phong trào này mạnh mẽ...
2024 - năm của sự phân hóa
Năm 2024, một số tổ chức tài chính hàng đầu của Mỹ đã rút khỏi Climate Action 100+, một liên minh quốc tế gồm các nhà quản lý quỹ cam kết thúc đẩy các công ty niêm yết lớn phải giải quyết các vấn đề về khí hậu. Việc rút lui của họ phản ánh một xu hướng trong năm 2024 của Phố Wall: rút lui khỏi các cam kết môi trường trước đó trong bối cảnh chia rẽ chính trị và áp lực tài chính gia tăng.
Điều này diễn ra trong hai quí đầu năm 2024, nghĩa là trước cả khi ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-2024. Sau khi ông Trump chiến thắng, chính quyền mới của Mỹ từ tháng 1-2025 được cho là sẽ rút lui khỏi các sáng kiến xanh và bền vững (ESG nói chung). Điều này có thể đặt ra thách thức cho quá trình chuyển đổi carbon thấp, đầu tư bền vững và có thể thúc đẩy nhanh hơn tiến trình thoái lui khỏi các cam kết xanh và bền vững.
Sự phân mảnh địa chính trị mà người ta dự đoán cho năm 2025 vì vậy có thể tạo ra một sự phân hóa trong cư xử với các trào lưu xanh và bền vững trong năm 2025.
Ví dụ, ông Trump có khả năng lại rút ra khỏi Thỏa thuận Paris, và Quốc hội Mỹ có thể giảm hoặc loại bỏ một số khoản trợ cấp năng lượng sạch trong Đạo luật Giảm lạm phát (Inflation Reduction Act). Trong khi đó, SEC (Securities and Exchange Commission) - cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Mỹ - có thể đảo ngược quy định yêu cầu các công ty đại chúng phải gia tăng công bố thông tin về phát thải khí nhà kính và các rủi ro liên quan đến khí hậu.
Nói chung, 2024 là năm mà làn sóng “phản đối xanh” nổi lên. Nó như một sự phản ứng lại khi mà trào lưu xanh và bền vững lan rộng quá mức. Điều này không chỉ diễn ra ở Mỹ mà còn ở châu Âu.
Tuy nhiên, sau khi dự hai hội thảo ở châu Âu gần đây liên quan các nghị trình về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán ở châu Âu cũng như xu thế đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ về môi trường, tôi nghĩ rằng dự báo của một số người về sự đảo chiều mạnh mẽ của phong trào xanh và bền vững có thể sai.
Mặc dù phong trào phản đối xanh vẫn sẽ tiếp diễn ở nhiều nước, Liên minh châu Âu (EU) đang tiến hành các bước đẩy nhanh các quy tắc công bố thông tin về khí hậu và tính bền vững. Môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vẫn là giá trị hàng đầu đối với người tiêu dùng khu vực này và Trung Quốc đang chờ đợi một sự thoái lui của Mỹ khỏi các cam kết này để nhảy vào thế chỗ. Mặt khác, sau hai quí đầu năm 2024 sụt giảm, các quỹ ESG toàn cầu lại thu hút 10 tỉ đô la Mỹ đổ vào trong quí 3-2024, kéo tổng tài sản của các quỹ ESG trong năm 2024 tiếp tục tăng lên so với năm 2023, dù tốc độ tăng đã chậm lại.
Điều này cho thấy gió có thể không còn theo một chiều ủng hộ phong trào xanh và bền vững, nhưng để đảo chiều thì có thể chưa, ít nhất là ở EU và Trung Quốc, nơi các lãnh đạo chủ chốt vẫn cam kết ủng hộ phong trào này mạnh mẽ.
Năm 2025 vì vậy theo tôi là một sự phân hóa của phong trào xanh và bền vững, ở một vài nơi thì phong trào phản đối xanh có thể lấn thêm, nhưng ngược lại, ở một số nơi khác, một quy trình rõ ràng hơn để buộc các tổ chức đầu tư và công ty niêm yết phải tuân thủ quy trình này sẽ trở nên cụ thể và có tính ràng buộc chặt chẽ hơn, đặc biệt là ở EU và Trung Quốc, hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn cầu sẽ đối mặt với thách thức phải cân bằng các nhu cầu trái ngược nhau của các quốc gia khác nhau, cũng như tuân thủ các yêu cầu báo cáo tính bền vững của EU trong khi lại phải thích ứng với chính sách khác biệt ở Mỹ.
Sự phân mảnh địa chính trị mà người ta dự đoán cho năm 2025 vì vậy có thể tạo ra một sự phân hóa trong cư xử với các trào lưu xanh và bền vững trong năm 2025.
Cụ thể hơn, và bớt “phông bạt xanh”?
“Rửa xanh” (greenwashing) thật ra đã tồn tại nhiều thập niên nhưng trong mấy năm nay đã trở thành một chủ đề nóng, song song với chuyện “phông bạt AI” (AI washing) của năm qua. Năm 2025 được kỳ vọng là một năm mà EU với tư cách là thị trường dẫn đầu trong trào lưu xanh và bền vững sẽ “làm gương” cho phần còn lại của thế giới với những quy định cụ thể hơn trong mảng các quỹ đầu tư bền vững và công bố thông tin về biến đổi khí hậu, xanh và bền vững.
Những điều chỉnh mới để hoàn thiện khuôn khổ công bố thông tin, đảm bảo các báo cáo theo chuẩn mực toàn cầu của ISSB (International Sustainability Standards Board) và EU sẽ mở ra con đường để các quy định cụ thể hơn có thể đi ra toàn thế giới, và Trung Quốc - tay chơi lớn cũng đang muốn tham gia tích cực vào thị trường xanh và bền vững này - có điều kiện tham gia sâu rộng hơn để thay thế ảnh hưởng của Mỹ trong việc tạo ra những quy chuẩn rõ ràng hơn trong chuyện công bố thông tin về xanh và bền vững, giảm bớt những tuyên bố nhận vơ chuyện giảm phát thải do yếu tố ngoại lực làm công của mình kiểu “phông bạt xanh”.
Trong khi đó, các hướng dẫn mới trong chuyện công bố rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu theo chuẩn mực IFRS S2 đã có các yêu cầu công bố bổ sung và cụ thể hơn đối với các công ty trong lĩnh vực quản lý tài sản, ngân hàng thương mại và bảo hiểm. Điều này tạo ra một khuôn khổ rõ ràng hơn để tránh chuyện rửa xanh trong ngành tài chính, kiểu như tạo lập một quỹ nói là đầu tư vào những hạng mục làm giảm phát thải CO2 nhưng thực tế thì không đem lại bao nhiêu lợi ích. Đồng thời, nó tạo ra một sân chơi rõ ràng hơn, để những ngân hàng, định chế tài chính thật sự có hành động có lợi cho môi trường được nhận diện chính xác hơn, thay vì một môi trường vàng thau lẫn lộn như mấy năm qua.
Năm 2025 thì dòng chảy của các sự kiện xanh và bền vững có phải là dòng chính hay không? Hay AI, chiến tranh, dịch bệnh... mới là diễn viên chính? Rất có thể, xanh và bền vững cũng chỉ là một trong những đồng tiền cược sẽ được đặt lên bàn đàm phán của cuộc chơi thương chiến toàn cầu năm 2025 giữa các phe phái trên thế giới mà thôi.
Song song đó, những quy định mới ở thị trường chứng khoán Mỹ, Anh và EU sẽ khiến nhiều quỹ đầu tư trước đây khoe mình là “ủng hộ môi trường”, “bền vững” hay ESG phải đổi tên, bớt “phông bạt” đi, phản ánh đúng hơn tiêu chí đầu tư của mình. Morningstar dự đoán với những quy định này, khoảng 30-50% quỹ ESG của EU sẽ đổi tên vào giữa năm 2025, trong khi các quỹ khác sẽ điều chỉnh mục tiêu đầu tư và/hoặc danh mục đầu tư để giữ nguyên các điều khoản liên quan đến ESG trong tên của họ. Một số quỹ này sẽ sử dụng những từ ngữ cụ thể hơn để hình dung về chiến lược của quỹ, ví dụ như “không sử dụng nhiên liệu hóa thạch”, hoặc “đầu tư vào chiến lược chuyển đổi để đối mặt với biến đổi khí hậu”. Còn ở Mỹ, sự sụt giảm do giải thể của các quỹ ESG gần như là chắc chắn.
Người ta hy vọng với những diễn biến này, thị trường xanh, bền vững sẽ bớt phông bạt và lộn xộn hơn. Không phải ai cũng có thể dễ dàng tuyên bố suông là “tôi giúp Trái đất” nữa khi người ta có thể dễ dàng hỏi “bằng chứng đâu, theo quy chuẩn nào?”.
Tuy nhiên, vẫn có những nghi ngại khi mà vấn đề lớn nhất đang nằm ở khâu thực thi. “Cạm bẫy nằm ở các chi tiết” (“Devils in the detail”), là tựa đề một bài phát biểu mà tôi được nghe hai tuần trước về câu chuyện thực thi những quy định mới về công bố thông tin và giám sát các tuyên bố về môi trường của các quỹ đầu tư ở EU.
Và những mối quan tâm cho đến lúc này hầu như chỉ mới tập trung vào những tổ chức “có tóc”, đó là công ty niêm yết và quỹ đầu tư. Nhóm công ty chưa niêm yết nhưng cũng phông bạt xanh còn cao hơn nhiều lần.
Theo một báo cáo do Công ty Nghiên cứu và Dữ liệu ESG RepRisk công bố tháng 10-2024, hơn 1.800 sự kiện được xác định có thông tin sai lệch, trong đó 56% liên quan đến các tuyên bố về môi trường nhằm tẩy xanh. Công ty chưa niêm yết chiếm tới 70% các trường hợp tẩy xanh so với con số 30% của các công ty niêm yết đại chúng.
Philipp Aeby, Giám đốc điều hành RepRisk, cho biết các bên liên quan đã thấy rõ khả năng rủi ro các công ty dùng chiêu tẩy xanh để làm phông bạt. “Dù cơ quan quản lý đã thúc đẩy thành công luật ngăn hành vi tẩy xanh, các chiêu mới sẽ xuất hiện”.
Nói cách khác, cuộc chơi phông bạt xanh trên toàn cầu sẽ tiếp diễn theo kiểu bắt bán hàng rong ở gần nhà tôi cách đây hơn 15 năm. Cơ quan quản lý chạy đuổi ở xóm trên thì xóm dưới lại đổ ra bán hàng rong. Và ai cũng khoe mình bán đồ ăn ngon, sạch sẽ, chất lượng.
Quy định sẽ luôn đi sau thực tế. Một nhà quản lý quỹ đùa với tôi trong giờ giải lao tại một hội thảo ở Berlin (Đức) giữa tháng 12-2024: “Ai có thể đảm bảo ông phát hành trái phiếu xanh sẽ không dùng tiền để làm tăng phát thải?”.
Không ai có thể đảm bảo. Điều tôi biết là sẽ có một loạt công việc mới cho giới kiểm toán, luật sư, thậm chí những nghề mới như chuyên gia phân tích về báo cáo bền vững, điều tra viên về môi trường và ở Trung Quốc thậm chí là luật sư chuyên bào chữa ở các phiên tòa về môi trường với quy trình riêng. Chắc chắn không có ai trong đó là nhà khoa học để hiểu người ta bùa phép cái chuyện đo lường phát thải như thế nào cả.
Tuy nhiên, những thiếu sót đó cũng sẽ không ngăn chặn những dòng tiền đổ vào cho vay xanh và trái phiếu xanh ở EU hay Trung Quốc, rồi sẽ lan ra nhiều nước khác. Xu thế này sẽ không dừng lại dù ông Trump rút khỏi bao nhiêu cam kết môi trường đi nữa. Cũng giống như việc những quy định và giám sát cũng sẽ không thể ngăn chặn một vụ bê bối liên quan đến phông bạt xanh sẽ nổ ra ở quy mô đa quốc gia.
Vấn đề chỉ là chúng ta không biết trong năm 2025 thì dòng chảy của các sự kiện xanh và bền vững này có phải là dòng chính hay không. Hay AI, chiến tranh, dịch bệnh... mới là diễn viên chính.
Rất có thể, xanh và bền vững cũng chỉ là một trong những đồng tiền cược sẽ được đặt lên bàn đàm phán của cuộc chơi thương chiến toàn cầu năm 2025 giữa các phe phái trên thế giới mà thôi.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/xanh-va-ben-vung-gio-co-doi-chieu-trong-nam-2025/