Xao xuyến cao su mùa lá rụng

Khi tiết trời se lạnh, những đợt mưa cuối cùng của mùa mưa nhường chỗ cho mùa nắng cũng là lúc rừng cao su vào mùa thay lá. Những cánh rừng cao su bạt ngàn chuyển dần từ màu xanh sang sắc vàng, đỏ rồi rụng trơ trọi lá và lại đâm chồi, nảy lộc.

Khi rừng cao su ngả màu vàng cũng là thời điểm để những người yêu thích bộ môn nhiếp ảnh đi “săn ảnh”

Khi rừng cao su ngả màu vàng cũng là thời điểm để những người yêu thích bộ môn nhiếp ảnh đi “săn ảnh”

Từ nhiều năm nay, săn ảnh, chụp ảnh với rừng cao su mùa thay lá đã trở thành thú vui của nhiều người. Khi những chiếc lá trên rừng cây cao su đồng loạt ngả màu vàng, đỏ cũng là thời điểm đẹp nhất để săn ảnh.

Đến hẹn lại lên

Theo chu kỳ sinh trưởng của cây cao su, hàng năm vào khoảng cuối tháng 12 dương lịch cây sẽ bắt đầu thay lá. Quá trình thay lá của cây cao su mất khoảng 3 tháng, kể từ khi lá già bắt đầu chuyển màu cho đến khi rụng trơ trọi lá, chỉ còn lại những cành nhánh rồi mọc lại lá mới. Đây cũng là thời gian mà công nhân ngừng khai thác mủ cao su để cây phục hồi, chuẩn bị cho mùa khai thác mủ mới.

Nên chọn cây cao su có độ cao vừa phải để có được những tấm ảnh đẹp

Nên chọn cây cao su có độ cao vừa phải để có được những tấm ảnh đẹp

Ở giai đoạn lá cao su ngả sang màu vàng, đỏ là thời điểm rừng cao su đẹp nhất với không gian thơ mộng, lãng mạn. Nhiều người ví rừng cao su mùa thay lá giống như khung cảnh mùa thu của châu Âu. Đây cũng là thời điểm khí hậu mát mẻ, thời tiết khô ráo thích hợp cho những chuyến đi săn ảnh.

Nhiều chị em tranh thủ mùa cao su rụng lá để chụp ảnh kỷ niệm

Nhiều chị em tranh thủ mùa cao su rụng lá để chụp ảnh kỷ niệm

Tùy theo điều kiện khí hậu, thời tiết và quá trình chăm sóc, những vườn cao su khác nhau có thể rụng lá chênh lệch nhau nhiều ngày. Những tay săn ảnh có thể tìm đến những vườn cao su khác nhau để bắt trọn những khoảnh khắc đẹp của rừng cao su ở những góc khác nhau.

Bí quyết săn được ảnh đẹp

Những cánh rừng cao su mùa rụng lá đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều nhiếp ảnh gia. Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Lò Văn Hợp (TP.Long Khánh), hàng năm, ngoài một số nhiếp ảnh gia ở các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ, Đồng Nai còn đón cả các nhiếp ảnh gia ở các tỉnh phía Bắc vào để săn ảnh. Những nghệ sĩ nhiếp ảnh ở tỉnh xa đến thường đi theo đoàn để sáng tác ảnh, riêng đối với các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong tỉnh thì thường đi riêng lẻ hoặc theo nhóm nhỏ để đến các khu vực khác nhau nhằm săn “ảnh độc”.

Chăm sóc cao su mùa thay lá

Chăm sóc cao su mùa thay lá

Để chụp được những tấm ảnh ưng ý, trước tiên người chụp ảnh phải khảo sát để chọn được những lô cao su đẹp và đang chuyển màu lá vì tùy theo thời tiết, khí hậu, điều kiện chăm sóc mà các vườn cao su có thời điểm rụng lá khác nhau.

Kinh nghiệm săn ảnh rừng cao su rụng lá nhiều năm, theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Lò Văn Hợp, để chụp được ảnh đẹp, cần tìm đến các cung đường có vòm cây hai bên ôm vào nhau; tìm khu vực hàng cây cao su dáng đổ, cây có độ cao vừa phải; căn điều kiện ánh sáng, nắng… Mỗi vườn cao su vào độ thay lá có thời gian khoảng 15 ngày để cho các tay máy săn ảnh đẹp.

Rừng cao su mùa rụng lá thu hút nhiều chị em chụp ảnh lưu niệm. Nhiều người không chỉ đi theo nhóm để chụp ảnh cho nhau mà còn liên hệ với nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp để có được bộ ảnh đẹp nhất.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202401/xao-xuyen-cao-su-mua-la-rung-e852d57/