Xây động cơ, rèn ý chí

Về công tác tại Sư đoàn 312, Quân đoàn 1, các chiến sĩ mới (CSM) được học tập nhiều nội dung, trong đó có những bài học sinh động, có ý nghĩa sâu sắc từ truyền thống hào hùng của đơn vị.

Thượng tá Đào Long, Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn cho biết: “Sau khi đón nhận CSM, các đơn vị làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, trong đó tập trung giáo dục cho bộ đội hiểu truyền thống vẻ vang của đơn vị, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xây dựng động cơ phấn đấu học tập cho bộ đội”.

Chúng tôi cùng cán bộ, CSM Trung đoàn 209 (Sư đoàn 312) thăm nhà truyền thống Sư đoàn vào một buổi chiều cuối tuần. Tại đây, Đại úy QNCN Nguyễn Thị Hường, nhân viên Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Sư đoàn 312 say sưa giới thiệu với các CSM về truyền thống vẻ vang của đơn vị trong hai cuộc kháng chiến. Giọng chị Hường đang hào sảng khi nói về những chiến công vang dội trong “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm” tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 209, bỗng chùng xuống khi hướng đội hình về phía di ảnh của Anh hùng, liệt sĩ Trần Can-tấm gương chiến đấu, chỉ huy chiến đấu quả cảm, anh dũng, đồng chí hy sinh ngày 7-5-1954, ngay trước khi chiến dịch toàn thắng.

Sau phút lặng yên vì xúc động, các CSM lại say sưa lắng nghe và ghi chép cẩn thận những lời thuyết minh của chị Hường. Sau buổi tham quan nhà truyền thống, CSM Phan Tiến Đạt, Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, tâm sự: “Tôi rất tự hào khi được công tác ở đơn vị của Anh hùng, liệt sĩ Trần Can. Ông nội tôi cũng từng là chiến sĩ tham gia chiến đấu tại Mặt trận Điện Biên Phủ. Tôi sẽ cố gắng học tập, rèn luyện tốt để phát huy truyền thống của gia đình và đơn vị”.

 Chiến sĩ mới Trung đoàn 209 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) tham quan Nhà truyền thống Sư đoàn.

Chiến sĩ mới Trung đoàn 209 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) tham quan Nhà truyền thống Sư đoàn.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong 5 năm trở lại đây, công tác giáo dục chính trị tư tưởng luôn được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Sư đoàn 312 đặc biệt quan tâm. Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị kết hợp giữa giáo dục cơ bản với giáo dục lịch sử truyền thống, giáo dục thường xuyên với giáo dục chuyên đề, chủ đề gắn với từng đối tượng; làm tốt công tác quản lý tư tưởng trong quá trình huấn luyện, SSCĐ. Để các nội dung giáo dục truyền thống thực sự thấm sâu vào bộ đội, Sư đoàn coi trọng tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh nội bộ, bảng tin thi đua, biểu dương người tốt, việc tốt, cách làm sáng tạo, từ đó xây động cơ, rèn ý chí, tạo niềm tin vững chắc để bộ đội học tập, công tác. Ngoài ra, đơn vị thường xuyên tổ chức thi tìm hiểu truyền thống bằng hình thức sân khấu hóa để bộ đội dễ tiếp thu, dễ ngấm, thấm trong nhận thức, tình cảm.

Đại tá Nguyễn Xuân Hiền, Phó chính ủy Sư đoàn 312 khẳng định: “Chúng tôi xác định công tác giáo dục truyền thống của đơn vị là nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt, nên hình thức giáo dục cũng linh hoạt, đa dạng để bộ đội không bị nhàm chán. Trong quá trình giáo dục lịch sử truyền thống phải gắn với giáo dục pháp luật, qua đó tạo không khí phấn khởi, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cho bộ đội, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội”.

Bài và ảnh: ĐÀO NGỌC LÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/xay-dong-co-ren-y-chi-722216