Xây dựng Báo Công Thương trở thành tờ báo kinh tế hàng đầu Việt Nam
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2025 là xây dựng Báo Công Thương điện tử vươn mình trở thành tờ báo kinh tế hàng đầu tại Việt Nam.
Top 24 tờ báo có lượng người xem cao nhất
Sáng ngày 17/1, Báo Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025.
Thông tin tại hội nghị, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Tiến Cường chia sẻ: Năm qua, Báo Công Thương tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ về nội dung, hình thức thể hiện, tuân thủ tôn chỉ, mục đích, định hướng tuyên truyền của Đảng, Nhà nước và Bộ Công Thương.
Các ấn phẩm của Báo Công Thương, đặc biệt Báo Công Thương điện tử và các nền tảng mảng xã hội đã thể hiện được vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận, góp phần tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội đối với công tác điều hành, quản lý của Bộ Công Thương, nhất là trong lĩnh vực liên quan mật thiết đến sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, như: Năng lượng và năng lượng tái tạo, giá xăng dầu, quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Đáng nói, Báo Công Thương điện tử đã vươn lên nằm Top đầu trong nhóm các cơ quan báo chí bộ, ngành, có những thời điểm số lượt truy cập lên đến hơn 2 triệu/ngày. Theo xếp hạng của Similarweb, nếu như tháng 2/2022, Báo Công Thương điện tử chỉ xếp hạng vị trí 626 thì đến tháng 12/2023 đã vươn lên vị trí Top 54, và hiện nay xếp vị trí số 24 trong số các báo chí, trang tin điện tử có lượng người xem cao nhất tại Việt Nam.
“Với việc lọt Top 24 tờ báo có số lượng người xem cao nhất tại Việt Nam, Báo Công Thương đã về đích sớm 1 năm so với mục tiêu năm 2025 mà Đề án Đổi mới Báo Công Thương đề ra”, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Tiến Cường nhấn mạnh.
Dựa trên kết quả đã đạt được, năm 2025, Báo Công Thương sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nội dung và các hoạt động tuyên truyền, truyền thông gắn với nhiệm vụ của ngành Công Thương; thực hiện tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương. Bám sát chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương để tiếp tục đổi mới sâu sắc, toàn diện nội dung, hình thức, phương thức làm báo, phát triển Báo Công Thương điện tử trở thành kênh truyền thông chủ lực, đa phương tiện, hiện đại của ngành Công Thương; cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương, tiếng nói, diễn đàn của giới Công Thương và kinh tế.
Xây dựng Báo Công Thương điện tử trở thành tờ báo điện tử kinh tế có uy tín, ảnh hưởng lớn tại Việt Nam và trở thành một trong những tờ báo kinh tế hàng đầu Việt Nam, có thương hiệu, ngang tầm với vị trí, vai trò của Bộ Công Thương là bộ kinh tế đa ngành, có tầm quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế của đất nước.
Tiếp tục đổi mới công tác thông tin, truyền thông
Thực hiện theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và chỉ đạo của Bộ Công Thương, năm 2025, Báo Công Thương tiếp tục tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu sắc mục đích, tầm quan trọng, yêu cầu, quan điểm, nội dung, tiến độ thực hiện; trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị của ngành Công Thương chủ động, quyết liệt triển khai việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Tiếp tục đổi mới công tác thông tin tuyên truyền về nhiệm vụ chính trị của ngành; tập trung những tuyến bài chuyên sâu, có chất lượng, đặt mục tiêu đạt thứ hạng cao tại Giải báo chí Quốc gia về những đóng góp của ngành đối với tăng trưởng kinh tế đất nước; hoàn thành các mục tiêu của Quốc hội đề ra.
Đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền giữa Báo Công Thương với các bộ, ngành và địa phương trong tình hình mới; đẩy mạnh phát triển nội dung đa phương tiện và các nền tảng số, nhất là media; hướng tới hệ sinh thái các nền tảng xã hội chung cũng như từng đơn vị chuyên môn của Báo; triển khai liên kết trong hoạt động báo chí với các đối tác để phát triển hạ tầng và chuyển đổi số. Kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin để tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng xu hướng truyền thông số…
Xây dựng kế hoạch truyền thông phục vụ công tác tuyên truyền những ngày lễ lớn của đất nước năm 2025 và 80 năm Ngày truyền thống Báo Công Thương; tập trung phát triển kinh tế báo chí theo hướng bền vững, giữ vững mức doanh thu từ các phương thức khai thác truyền thống; đồng thời có giải pháp đẩy mạnh phương thức mới trên nền tảng số.
Bên cạnh đó, tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về khai thác kinh tế báo chí. Từng bước tham mưu đổi mới xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ hợp lý vào đầu nhiệm kỳ 2026-2031…
Phát biểu tại hội nghị, các ý kiến hoàn toàn nhất trí với báo cáo kết quả hoạt động năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025; đồng thời cũng chia sẻ một số định hướng, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nội dung cũng như hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Sĩ Cường - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đa phương tiện và Nội dung số Công Thương nêu rõ: Năm qua, Trung tâm đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Tòa soạn về nhân lực, cơ sở vật chất. Nhờ đó, các hoạt động của Trung tâm đã có nhiều bứt phá.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Sĩ Cường cũng thẳng thắn nhìn nhận, những kết quả Trung tâm đạt được chưa đáp ứng được như kỳ vọng, vì vậy rất mong muốn năm tới tiếp tục có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa của các phòng, ban trong toàn tòa soạn về công tác nội dung. Cùng với đó, việc phát triển nội dung đa phương tiện và các nền tảng số, các nội dung tin bài trong toàn tòa soạn không chỉ nhanh mà cần có sự đổi mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thời gian tới.
Dưới góc độ ban làm kinh tế báo chí, Trưởng Ban Truyền thông sự kiện Dương Thị Nga đã chia sẻ những khó khăn trong thời gian tới khi các địa phương cũng như bộ, ngành thực hiện cơ cấu lại tổ chức cán bộ. “Điều này sẽ khiến công tác truyền thông bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, mọi người hãy cùng cố gắng bám sát nội dung để thông tin kịp thời, cũng như không để ảnh hưởng đến hiệu quả công việc trong năm tới”, Trưởng Ban Truyền thông - Sự kiện bày tỏ.
Phát huy vai trò của mình, thời gian tới, Báo Công Thương tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, đấu tranh kịp thời với những quan điểm sai trái, thù địch chống phá sự phát triển của ngành Công Thương cũng như kinh tế đất nước; chung tay cùng các cơ quan truyền thông, báo chí ngăn chặn, bóc gỡ, áp đảo thông tin xấu, độc gây ảnh hưởng xấu tới tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, dư luận xã hội.