Xây dựng bộ máy hành chính hiện đại, chuyên nghiệp
>>> Bài 1: Tự hào bề dày lịch sử
Tính đến cuối tháng 12 này, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai đã trải qua lịch sử 325 năm hình thành và phát triển. Tiếp nối hành trình ấy, Biên Hòa đang phát triển mạnh mẽ từng ngày để trở thành một đô thị hiện đại, một thành phố thông minh.
325 năm qua, biết bao thế hệ đã ra sức bảo vệ và xây dựng Biên Hòa - Đồng Nai trở thành vùng đất trù phú, thu hút nhân tài, doanh nghiệp đến đầu tư.
Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, bộ máy hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố đang không ngừng được đổi mới, hoàn thiện từng ngày để đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển.
Những chặng đường dựng xây
Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai Trần Quang Toại cho biết, trải qua 325 hình thành và phát triển, địa lý, địa giới hành chính và tên gọi của Biên Hòa - Đồng Nai đã có nhiều lần thay đổi.
Vào năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Tần cử Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Đồng Nai, xây dựng và tổ chức thiết chế hành chánh ở vùng đất mới, lập phủ Gia Định, gồm 2 huyện Phước Long và huyện Tân Bình. Huyện Phước Long có dinh Trấn Biên, chính là vùng đất Đồng Nai ngày nay.
Đến năm 1802, đánh bại phong trào Tây Sơn (1771-1802) Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, đặt niên hiệu Gia Long. Ông đổi dinh Trấn Biên thành trấn Biên Hòa. Năm 1832, vua Minh Mạng đổi trấn Biên Hòa thành tỉnh Biên Hòa gồm 2 phủ: phủ Phước Long và phủ Phước Tuy (bao gồm vùng đất thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương và một phần TP.HCM ngày nay).
Người dân TP.Biên Hòa bày tỏ mong muốn, chính quyền thành phố sẽ ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp hơn, đặc biệt là gần gũi, lắng nghe nhân dân; khi quyết định vấn đề gì đều nghĩ đến nhân dân, vì lợi ích chính đáng của nhân dân. Qua đó, tạo được đồng thuận trong dân, phát huy được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa Biên Hòa ngày càng phát triển, tiếp nối những thành quả mà các bậc tiền nhân đã gầy dựng.
Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam vào năm 1858, năm 1859 đánh chiếm thành Gia Định, tháng 12-1862 đánh chiếm tỉnh lỵ Biên Hòa. Năm 1862, triều đình Tự Đức ký với Pháp Hòa ước Nhâm Tuất cắt giao tỉnh Biên Hòa cùng 2 tỉnh Gia Định, Định Tường cho Pháp. Năm 1876, Pháp giải thể tỉnh Biên Hòa để lập thành 3 tiểu khu, còn gọi là hạt tham biện: Biên Hòa, Thủ Dầu Một và Bà Rịa. Ngày 20-12-1899, Toàn quyền Đông Dương Jules Georges Piquet ký Nghị định chuyển tham biện Biên Hòa lại thành tỉnh Biên Hòa. Tỉnh Biên Hòa lúc ấy có 5 quận: Châu Thành, Long Thành, Xuân Lộc, Tân Uyên (nay thuộc tỉnh Bình Dương), Bà Rá (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Tổ chức hành chính này được giữ đến năm 1945.
Ông Trần Quang Toại chia sẻ, từ năm 1945 đến năm 1975, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, địa bàn tỉnh Biên Hòa nói riêng luôn có 2 tổ chức chính quyền song song tồn tại. Đó là chính quyền kháng chiến cách mạng và chính quyền do các thế lực xâm lược lập nên (chính quyền Sài Gòn). Các chính quyền này tổ chức đơn vị hành chính, chiến trường nhằm phục vụ cho mục đích riêng của mình.
Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thực hiện Quyết định số 16/QĐ-75 ngày 20-9-1975 của Trung ương Cục miền Nam, tháng 1-1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành nghị định về việc giải thể các khu, sáp nhập các tỉnh cũ thành một số tỉnh mới. Theo đó, tỉnh Đồng Nai được thành lập trên cơ sở hợp nhất các tỉnh Biên Hòa, Tân Phú, Bà Rịa - Long Khánh (gồm cả Vũng Tàu). Biên Hòa được nâng cấp thành TP.Biên Hòa - đô thị loại III, tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Nai.
Ngày 12-8-1991, Quốc hội khóa VIII tại Kỳ họp thứ 9 quyết nghị chia tỉnh Đồng Nai thành 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tỉnh Đồng Nai gồm TP.Biên Hòa, TX.Vĩnh An và 6 huyện: Định Quán, Long Khánh, Long Thành, Tân Phú, Thống Nhất, Xuân Lộc. Năm 1993, TP.Biên Hòa được công nhận là đô thị loại II; đến năm 2015 là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Đồng Nai. Tính đến thời điểm năm 2020, tỉnh Đồng Nai có 2 thành phố (Biên Hòa, Long Khánh); 9 huyện (Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú).
Ngày càng bài bản, chuyên nghiệp hơn
Theo Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai Trần Quang Toại, từ sau năm 1975, bộ máy hành chính của Đồng Nai nói chung và Biên Hòa nói riêng càng ngày càng tốt hơn. Lý do là bởi trước năm 1975, hầu hết các cán bộ, chiến sĩ đều cầm súng kháng chiến trên các mặt trận quân sự, chính trị, binh vận; công tác quản lý nhà nước vẫn còn rất mới. Sau 1975, được Trung ương tăng cường cán bộ từ miền Bắc vào, từ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn được tập huấn, bộ máy hoạt động chính quyền nhà nước ở Biên Hòa nói riêng và Đồng Nai nói chung dần theo một khuôn mẫu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa trước đây và thực hiện chế độ bao cấp.
Theo ông Trần Quang Toại, chế độ bao cấp có một tác động rất lớn, nhất là khi cần huy động một nguồn lực lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhưng sau khi đất nước được giải phóng, từ năm 1975 đến những năm 1990 vẫn còn thực hiện bao cấp, kể cả bao cấp trong kinh tế, trong văn hóa, về mặt xã hội. Do đó, đã khiến bộ máy hành chính nặng nề, cồng kềnh, chưa mang tính chuyên nghiệp, chưa xác định rõ hết trách nhiệm của từng cán bộ công chức, nhân viên. Mặt khác, cơ chế bao cấp lúc ấy cũng sản sinh ra nhiều vấn đề phức tạp, phiền nhiễu cho người dân, doanh nghiệp.
Từ Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, tháng 12-1986, Đảng, Nhà nước ta bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới từng bước xóa bỏ chế độ bao cấp, quan liêu, phát triển kinh tế nhiều thành phần. Từ đó, bắt buộc bộ máy hành chính cũng phải có cách vận hành chuyên nghiệp để bước vào thực hiện cơ chế thị trường và từng bước đổi mới. Trước hết là đổi mới về tư duy lý luận, từ kinh tế bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường, công nhận nền kinh tế nhiều thành phần; trong đó có kinh tế vốn ngước ngoài, công tư hợp doanh, tư nhân. Chính sự đổi mới ấy đã tạo nên nền tảng vững chắc để việc tổ chức, đào tạo đội ngũ cán bộ công chức viên chức Biên Hòa - Đồng Nai ngày càng bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn.
Đặc biệt những năm gần đây, cải cách hành chính được Biên Hòa đẩy mạnh. Nhất là việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên hệ thống phần mềm một cửa, một cửa liên thông của thành phố và 30 phường, xã. Trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng được nâng lên.
Đáng ghi nhận là TP.Biên Hòa đã xây dựng được Trung tâm Điều hành thông minh (IOC Biên Hòa) và đưa vào vận hành từ cuối năm 2020 với nhiều chức năng trên mọi lĩnh vực điều hành quản lý. IOC Biên Hòa cũng không ngừng bổ sung thêm các lĩnh vực mới, thêm nhiều tính năng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tích hợp ứng dụng, nguồn dữ liệu từng bước xây dựng chuyển đổi số TP.Biên Hòa, đáp ứng kỳ vọng xây dựng thành công thành phố thông minh.
“Việc xây dựng và đưa vào sử dụng IOC Biên Hòa là một trong những bước tiến lớn, đột phá trong cải cách hành chính, tạo sự thay đổi lớn, làm cho đội ngũ cán bộ, công chức năng động, chuyên nghiệp hơn. Tới đây, khi Trung ương hoàn thành xây dựng và phê duyệt tất cả đề án vị trí việc làm, xác định vị trí việc làm cho từng cán bộ công chức, viên chức, cộng thêm đào tạo đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo tư duy mới, năng nổ, trách nhiệm và sáng tạo hơn thì bộ máy hành chính Đồng Nai nói chung và Biên Hòa nói riêng sẽ ngày càng tốt hơn”- ông Trần Quang Toại nói.