Xây dựng bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam
Lần đầu tiên tại Việt Nam ra đời bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam, bộ chuẩn mực đầu tiên về văn hóa kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện.
Theo đó, bộ tiêu chí này đã tạo được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, trong bối cảnh xã hội luôn có nhiều thay đổi, chẳng hạn như tác động to lớn của đại dịch COVID-19 đã khiến cho không ít yếu tố trong hoạt động của các doanh nghiệp bị xáo trộn, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp đều phải nghiêm túc nhìn nhận những vấn đề liên quan đến văn hóa kinh doanh… Xây dựng văn hóa doanh nghiệp còn là một yêu cầu tất yếu của chính sách phát triển thương hiệu vì thông qua hình ảnh văn hóa doanh nghiệp sẽ góp phần quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp, phát triển kinh doanh của doanh nghiệp trong tình hình mới.
Theo thông tin công bố, bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam gồm có 2 phần với 19 tiêu chí cụ thể và 51 chỉ số đánh giá, đo lường cụ thể. Phần 1 là các điều kiện bắt buộc. Theo đó, doanh nghiệp phải vượt qua các điều kiện này mới được xét tiếp ở vòng sau, gồm: Không buôn lậu, không trốn thuế; không sản xuất, kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại; không nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động; không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại các tổ chức, cá nhân khác; không vi phạm pháp luật. Phần 2 là các tiêu chí đánh giá, gồm 5 nhóm tiêu chí: Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; thượng tôn pháp luật; đạo đức kinh doanh; trách nhiệm xã hội.
Ông Đinh Minh Quý - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng đánh giá: Ngay khi được soạn thảo và công bố bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp. Tại Lâm Đồng, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cũng đã rất nỗ lực trong việc xây dựng và hình thành văn hóa trong kinh doanh, tạo nên những thương hiệu mang tầm quốc gia và quốc tế. Gắn liền bộ tiêu chí này là Quy chế xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”. Đây là quy chế khung với các nội dung cơ bản nhất được đánh giá là hình thức tôn vinh và biểu dương các doanh nghiệp đã thực thi tốt văn hóa kinh doanh, đáp ứng các chuẩn mực, tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam, có thành tích xuất sắc trong hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Nguyễn Ngọc Duy - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Lâm Đồng cho rằng: Bộ quy tắc ra đời là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu phát triển ngày càng cao của các doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa kinh doanh vừa là mục tiêu, vừa là thách thức lớn đối với hầu hết các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trẻ. Với xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay, thách thức lớn nhất là nguy cơ tụt hậu, là hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh thấp. Văn hóa kinh doanh sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giúp cho doanh nghiệp, doanh nhân đạt được mục tiêu. Do đó, việc bộ quy tắc ra đời giúp cộng đồng doanh nghiệp nhận thức rõ những hạn chế, bất cập trong văn hóa kinh doanh, từ đó tìm ra hướng đi cho các doanh nghiệp, doanh nhân để có thể tích cực, chủ động trong hội nhập, đảm bảo xây dựng một nền văn hóa kinh doanh tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam được kỳ vọng sẽ thiết lập một thang đánh giá mang tính chuẩn mực về văn hóa kinh doanh. Đồng thời, góp phần định hướng, dẫn dắt các doanh nghiệp phát triển đúng hướng. Trong bối cảnh đại dịch COVID -19 thay đổi nhiều cục diện, nhiều doanh nghiệp mới, trẻ cần có cách thức tổ chức kinh doanh bài bản, luôn xác định yếu tố văn hóa phải luôn song hành với doanh nghiệp trên con đường phát triển bền vững.
Thực tế, xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam vẫn là vấn đề còn nhiều khó khăn bởi nó chưa trở thành hệ thống và phổ biến. Để hội nhập kinh tế thành công, xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, tiếp thu, chọn lọc những giá trị tích cực từ những nền văn hóa kinh doanh hiện đại của các nước trên thế giới để áp dụng phù hợp, tạo lợi thế cho doanh nghiệp. Văn hóa kinh doanh cần được cộng đồng doanh nghiệp nâng lên tầm chiến lược, coi như một “tài sản vô hình”, tạo động lực thành công và cũng là hành trang khi bước vào những “sân chơi” kinh tế lớn. Xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam chính là nội dung, giải pháp quan trọng hàng đầu để xây dựng, củng cố lại nội lực, tạo tư thế mới làm tiền đề và điểm tựa cho việc hội nhập của mỗi doanh nghiệp.