Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp khu vực miền núi
Dựa trên tiềm năng, thế mạnh, các địa phương khu vực miền núi đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện sản xuất. Đa phần các mô hình đang phát triển tốt, không chỉ phát huy tốt tiềm năng đất sản xuất mà còn mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Mô hình chăn nuôi con nuôi đặc sản tại xã Phú Nhuận (Như Thanh).
Xã Thọ Thanh (Thường Xuân) là địa phương được bồi đắp phù sa, đất đai phì nhiêu, khí hậu ôn hòa nên có nhiều điều kiện để phát triển đa dạng các loại cây trồng. Bên cạnh các loại cây trồng truyền thống như lạc, ngô, khoai, mía,... xã đã khuyến khích, hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình sản xuất mới, như: chăn nuôi gà thả đồi, nuôi bò thịt chất lượng cao, nuôi cá lồng, trồng cây ăn quả... Trong đó, mô hình sản xuất dưa vàng kim hoàng hậu theo hướng công nghệ cao đã làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân nơi đây. Bà Hoàng Thị Lài, một trong những nông dân mang tư duy đổi mới đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình cho biết: "Ban đầu, gia đình tôi được Công ty CP Mía đường Lam Sơn hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bao tiêu sản phẩm... Trên diện tích 2.000m2, gia đình đã xây dựng nhà màng để hạn chế được sự tấn công của sâu bệnh, không phải sử dụng thuốc, hóa chất bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn. Bên cạnh đó, gia đình đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Isarel, là một trong những phương pháp tưới tiết kiệm nước và phân bón tối ưu nhất hiện nay". Theo bà Lài, việc đưa nước tới tận gốc cây và nhỏ từng giọt để nước thấm dần vào rễ cây thông qua hệ thống gồm các van, đường ống... đã khắc phục tình trạng bay hơi nước so với cách tưới truyền thống trên bề mặt. Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi năm có thể trồng 3 vụ, sản lượng bình quân đạt 4,5 - 5 tấn/vụ, thu nhập khoảng hơn 300 triệu đồng/năm.
Ông Lê Hoàng Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn UBND huyện Thường Xuân, cho biết: Từ mô hình sản xuất dưa kim hoàng hậu của xã Thọ Thanh, xu hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng nhà màng, nhà lưới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đã được người dân trên địa bàn huyện ứng dụng rộng rãi. Đến nay toàn huyện có khoảng 25 mô hình nhà lưới, nhà màng sản xuất rau, củ, quả an toàn cho hiệu quả kinh tế cao gấp từ 2,5 đến 3 lần so với sản xuất truyền thống.
Tại các huyện Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành,... bà con nông dân còn mạnh dạn đầu tư nhân rộng mô hình sản xuất các loại rau an toàn trong nhà lưới, trồng cây ăn quả tập trung, theo hướng công nghệ cao... Hiện, các mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng, hứa hẹn sẽ được đầu tư nhân rộng trong thời gian tới.
Chăn nuôi con nuôi đặc sản cũng là mô hình không còn xa lạ đối với người dân các huyện miền núi bởi thích hợp với địa hình và khí hậu. Các mô hình chăn nuôi nhím, lợn rừng, vịt Cổ Lũng, dúi, gà Đông Cảo, lợn mán... hiện đang được người dân ở các địa phương nhân rộng, áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng con nuôi. Anh Nguyễn Văn Huấn, thôn Phú Thượng 1, xã Phú Nhuận (Như Thanh) hiện đang phát triển mô hình nuôi dúi, cho biết: Nuôi dúi chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích hợp với điều kiện khí hậu của địa phương. Tuy nhiên, dúi thuộc loài động vật hoang dã nên phải nắm chắc tập tính, thói quen của con nuôi như: ưa bóng tối, hạn chế ánh sáng trực tiếp, tiếng ồn... Thức ăn của dúi dễ tìm như tre, mía, ngô, sắn, cỏ voi... Hiện anh Huấn đang nuôi 200 cặp dúi sinh sản và dúi thương phẩm. Mỗi năm dúi mẹ sinh sản 3 lứa, mỗi lứa từ 3 đến 5 con, sau 3 tháng có thể xuất chuồng, mỗi cặp dúi giống bình quân khoảng 1 đến 1,5 triệu đồng tùy loại. Còn dúi thương phẩm thì sau 7 tháng nuôi đạt trọng lượng từ 1,2 đến 1,5 kg, giá bán bình quân 600 nghìn đồng/kg. Với những mối tiêu thụ dúi thương phẩm quen thuộc, hằng năm doanh thu của gia đình anh Huấn đạt gần 500 triệu đồng.
Hầu hết các địa phương ở khu vực miền núi đã chú trọng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện để xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Một số mô hình hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân như: mô hình trồng cây ăn quả có múi, mô hình chăn nuôi gà liên kết, chăn nuôi gà sao, nuôi cá lồng, mô hình trồng cây chanh leo, mô hình trồng lúa Nhị Ưu 69... Tuy nhiên, để các mô hình thực sự phát huy được hiệu quả, các địa phương cần nâng cao vai trò trong công tác định hướng để xây dựng các mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất, có khả năng đứng vững, ổn định trên thị trường; nhất là các mô hình trồng rau, quả an toàn, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường... Các địa phương cũng cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mạnh dạn phát triển sản xuất. Các trung tâm dịch vụ nông nghiệp, HTX cần làm tốt vai trò hỗ trợ người dân trong việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, làm cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp để thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm. Mặt khác, người dân nên chủ động nghiên cứu, tìm hiểu ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.