Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các nhãn hiệu lúa gạo đặc sản của tỉnh
Ngày 3-12, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tổ chức hội thảo 'Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các nhãn hiệu lúa gạo đặc sản của tỉnh Sóc Trăng'. Đến dự có Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Huỳnh Ngọc Vân, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, các hợp tác xã sản xuất lúa trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố toàn tỉnh.
Theo đề án phát triển lúa đặc sản giai đoạn năm 2016 - 2020, tỉnh Sóc Trăng có 7 huyện, thị được tập trung, tăng cường phát triển lúa đặc sản là Trần Đề, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Châu Thành, Long Phú, Mỹ Tú và TX. Ngã Năm. Đến nay, diện tích gieo trồng lúa đặc sản hơn 150.130ha, chiếm hơn 42% diện tích canh tác, vượt 19% so với chỉ tiêu kế hoạch đề án đặt ra với sản lượng 800.000 tấn và các giống lúa đặc sản được sử dụng chính trong sản xuất là ST, lúa Tài nguyên mùa và các giống lúa thơm nhẹ. Đồng thời, đề án phát triển sản xuất lúa đặc sản Sóc Trăng được thực hiện đã góp phần mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường.
Đại biểu tham gia thảo luận xoay quanh các nội dung trọng tâm như: cách xây dựng thương hiệu gạo thơm riêng cho tỉnh, ưu thế cạnh tranh của sản phẩm gạo, cách bảo vệ quyền sở hữu nhãn hiệu, cách khai thác quyền sở hữu trí tuệ, cách tạo lợi thế của sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường…
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Ngọc Vân cho biết: “Với mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị của hạt gạo Sóc Trăng trên thị trường trong và ngoài nước, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý rất cần thiết để sản phẩm có nguồn gốc từ một khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể có danh tiếng, chất lượng hoặc các đặc tính riêng biệt, đặc thù do điều kiện tự nhiên hoặc con người của vùng địa lý đó quyết định. Việc sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được Nhà nước bảo hộ đồng nghĩa với người tiêu dùng được bảo đảm rằng sản phẩm có nguồn gốc địa lý tại vùng địa lý nhất định và có chất lượng, danh tiếng hoặc những đặc tính riêng, khác với các sản phẩm cùng loại ở các vùng khác và qua hội thảo giúp người sản xuất lúa gạo đặc sản trong tỉnh hiểu biết hơn về các giải pháp để bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng và quảng bá thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần đưa hạt gạo đặc sản Sóc Trăng ngày càng phát triển và cạnh tranh hơn nữa trên thị trường”.