Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm của tỉnh Bình Thuận
Việc bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý sẽ tạo tiền đề cho việc quản lý chất lượng sản phẩm tôm Bình Thuận ngày một tốt hơn, góp phần mở rộng khu vực sản xuất, nâng cao giá trị thương hiệu tôm.
Bình Thuận được biết đến như một vùng đất hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành nghề thủy sản, đặc biệt là sản xuất tôm giống. Con tôm là một trong những sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và để phát huy tối đa lợi thế này, Bình Thuận hướng tới xây dựng, phát triển chỉ dẫn địa lý cho tôm.
Đây không chỉ là cơ sở quan trọng để bảo vệ thương hiệu tôm Bình Thuận, tránh xâm phạm về nguồn gốc, xuất xứ mà còn góp phần phát triển bền vững các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Tiềm năng lớn sản xuất tôm
Ven biển Bình Thuận có điều kiện tự nhiên và môi trường, nguồn nước thuận lợi cho phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và sản xuất tôm giống nói riêng.
Với nền nhiệt độ cao và ổn định quanh năm, nước biển giàu hàm lượng khoáng, các yếu tố hóa-lý là môi trường sống lý tưởng cho tôm và đây là những đặc điểm mà ít nơi nào trong cả nước có được.
Bên cạnh đó, vùng biển Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong là nơi có nước biển sạch nhất vì có vực sâu, nhiều rạn san hô có tác dụng lọc nước biển. Nước sạch là yếu tố số một để nuôi thành công, tôm có tỷ lệ sống cao, ít dịch bệnh.
Theo đánh giá của tiến sỹ Nguyễn Tấn Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Nuôi trồng Thủy sản-Trường Đại học Thủy sản Nha Trang, Bình Thuận nằm trong khu vực vùng nước trồi hiếm hoi của thế giới, có hàm lượng dinh dưỡng cao, độ mặn ổn định. Bên cạnh đó, thành phần khoáng chất trong nước có tỷ lệ hợp lý, rất phù hợp để nuôi tôm giống, giúp con tôm phát triển nổi trội hơn so với những địa phương khác.
Không chỉ vậy, Bình Thuận có nhiều cơ sở sản xuất giống có quy mô lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại, quy trình kỹ thuật tiên tiến, đáp ứng theo các tiêu chí VietGAP, GlobalGAP... Do vậy, tôm giống sản xuất ra luôn có chất lượng cao.
Theo Hiệp hội Tôm Bình Thuận, nghề sản xuất tôm giống Bình Thuận được bắt đầu từ năm 1985, khi nghề nuôi tôm thương phẩm bắt đầu chuyển từ hình thức nuôi quảng canh sang bán thâm canh.
Đến nay, tỉnh Bình Thuận có 148 doanh nghiệp, cơ sở với 730 trại sản xuất tôm giống. Sản lượng tôm giống sản xuất và tiêu thụ năm 2020 đạt hơn 25 tỷ con post (tôm có kích cỡ nhỏ ở trong các trại giống), chiếm 20% sản lượng tôm giống của cả nước. Sản xuất tôm giống tại Bình Thuận hiện nay chủ yếu trên 2 đối tượng là tôm sú và tôm thẻ chân trắng.
Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận, cho biết tôm giống sản xuất tại Bình Thuận từ lâu đã được nhiều địa phương trong cả nước biết đến. Ngoài thị trường miền Tây, tôm giống Bình Thuận đã lan rộng ra những địa phương có nghề nuôi tôm ở miền Trung lẫn miền Bắc. Hằng năm, sản lượng tôm giống Bình Thuận xuất bán cho các tỉnh miền Nam và miền Trung chiếm khoảng 80%, còn lại là các tỉnh phía Bắc.
Không chỉ tôm giống, tại Bình Thuận hoạt động sản xuất tôm thương phẩm cũng khá phát triển. Toàn tỉnh hiện có 6/10 địa phương có diện tích nuôi tôm với hơn 530ha mặt nước, sản lượng 7.800 tấn/năm. Trong điều kiện nuôi thuận lợi, giá bán tôm ổn định thì lợi nhuận thu được khoảng 200- 300 triệu/ha/năm.
Xây dựng chỉ dẫn địa lý
Dù là một sản phẩm nổi tiếng cả nước nhưng tôm Bình Thuận vẫn có những hạn chế trong việc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, việc sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh sản phẩm tôm Bình Thuận cũng gặp không ít khó khăn như: tình trạng tôm giống giả thương hiệu tôm Bình Thuận, tôm giống kém chất lượng; thị trường tiêu thụ chậm, chưa kết nối được đầu ra tương xứng với tiềm năng và chất lượng sản phẩm...
Từ thực trạng trên cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng sản phẩm tôm Bình Thuận chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Không những thế những năm gần đây, giá trị kinh tế từ sản phẩm này còn bị giảm sút nghiêm trọng.
Để đạt tối đa lợi ích sản phẩm, tỉnh cần phải có các giải pháp tổng thể nhưng giải pháp cần thiết là phải xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho sản phẩm tôm Bình Thuận, từ đó nâng cao chất lượng, giá trị và danh tiếng của sản phẩm, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận Lê Thanh Sơn, những năm qua, hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất tôm giống theo hướng chất lượng cao, kháng bệnh, không sử dụng kháng sinh để giữ gìn uy tín và thương hiệu.
Năm 2017, sản phẩm "Tôm Bình Thuận" đã được bảo hộ thành công dưới hình thức nhãn hiệu tập thể. Tuy nhiên, hình thức đăng ký là nhãn hiệu tập thể và chủ sở hữu là Hiệp hội Tôm Bình Thuận đã hạn chế việc sử dụng thương hiệu này đối với một số tổ chức, cá nhân đang sản xuất kinh doanh tôm trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, với việc được bảo hộ dưới hình thức là nhãn hiệu tập thể thì sản phẩm "Tôm Bình Thuận" chưa chứng minh được những tính chất, đặc trưng của sản phẩm có được do điều kiện địa lý mang lại.
Nhằm hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt nhiệm vụ “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm "Tôm Bình Thuận" gắn với kiểm soát chất lượng, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu” thuộc Chương trình Phát triển Tài sản Trí tuệ, bắt đầu thực hiện từ năm 2022.
Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận phối hợp với Chi nhánh Công ty Cổ phần Sở hữu Công nghiệp INVESTIP tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm của tỉnh Bình Thuận.” Mục tiêu xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho sản phẩm tôm của tỉnh.
Theo bà Mai Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, việc bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý sẽ tạo tiền đề cho việc quản lý chất lượng sản phẩm tôm Bình Thuận ngày một tốt hơn, góp phần mở rộng khu vực sản xuất, tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân nuôi và kinh doanh tôm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được hưởng lợi nhiều hơn từ giá trị thương hiệu tôm Bình Thuận.
Ngoài ra, Bình Thuận là tỉnh có tiềm năng rất lớn về du lịch. Việc kết hợp với việc sản phẩm tôm Bình Thuận được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý không những tạo nên danh tiếng, nâng cao giá trị của sản phẩm tôm mà còn thu hút đầu tư và quảng bá phát triển dịch vụ du lịch cho Bình Thuận.
Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận tiếp tục phối hợp với các đơn vị xây dựng báo cáo cơ sở khoa học, điều tra, đánh giá hiện trạng sản xuất và kinh doanh sản phẩm phục vụ việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Bên cạnh đó, Sở hoàn tất hồ sơ đăng ký bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ và kết quả xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý; xây dựng hệ thống các văn bản, công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý và sản phẩm được bảo hộ, đồng thời phát triển hệ thống nhận diện và các công cụ quảng bá, truyền thông, giới thiệu sản phẩm được bảo hộ./.