Xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức và chuẩn mực đạo đức của đảng viên hiện nay

T.S Nhị Lê
Nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

(tiếp theo kỳ trước)

3 nguyên tắc, 4 phương châm chỉ đạo và 5 tiêu chí đạo đức của đảng viên

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là “gốc của người cách mạng”; “gốc có vững cây mới bền”; con người không có đạo đức thì không làm nổi việc gì; làm cách mạng là công việc to tát, nếu không có đạo đức thì làm sao làm nổi; làm sao lãnh đạo được nhân dân. Người dạy, Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” và thực tế phải là Đảng đạo đức, Đảng văn minh. Nghĩa là đạo đức, văn minh phải thấm đẫm bên trong và chi phối tất cả mối quan hệ giữa đảng viên với đảng viên, giữa đảng viên với tổ chức đảng, giữa các tổ chức đảng với nhau, giữa cấp trên và cấp dưới trong Đảng, giữa Đảng với nhân dân, giữa Đảng ta với các đảng trên thế giới và nhân dân thế giới.

Vấn đề đạo đức của đảng viên và xây dựng đạo đức trong Đảng tự nhiên là vấn đề rất quan trọng, có ý nghĩa căn bản, là vấn đề mang tính quy luật của công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Ba quan điểm cơ bản

Ba vấn đề về nguyên tắc cần thấu triệt: Một là, xây dựng Đảng về đạo đức là một nhân tố hợp thành chỉnh thể toàn bộ công tác xây dựng Đảng, xuyên thấm trong từng công việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Hai là, xây dựng Đảng về đạo đức là cái “gốc” của công việc xây dựng Đảng, là nội dung và môi trường của các công việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Ba là, xây dựng Đảng về đạo đức là tiêu chí nhận diện, phân định và hoàn thiện tư cách đảng viên; là “cái gốc” của đảng viên, thước đo về trình độ, năng lực chính trị, tổ chức và hoạt động lãnh đạo và uy tín của tổ chức đảng.

Bốn phương châm xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức

Đạo đức là nền tảng làm cho chính trị thấm nhuần nhân văn, bảo đảm cho quyền lực chính trị không bị tha hóa, nhất là khi thực thi kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đạo đức làm cho tư tưởng trở nên trong sáng, khách quan, nhất quán, nó xa lạ với sự mờ ám, khuất tất, càng đối lập với sự lộng hành, thao túng của chủ nghĩa phường hội, của lợi ích nhóm và mọi sự ly khai. Đạo đức của Đảng phải là một thước đo của chân lý, là bảo vật của niềm tin của nhân dân, dân tộc và bạn bè quốc tế đối với Đảng.

Chân lý phải gắn liền với đạo lý.

Từ thực tế và yêu cầu trên, cần nắm chắc 4 phương châm chỉ đạo xây dựng Đảng về đạo đức:

Một là, gắn chặt việc giáo dục nhận thức, tri thức về đạo đức hành động với thực thi hành động đạo đức, trước hết xứng đáng làm một người chân chính.

Hai là, gắn chặt xây dựng Đảng về đạo đức với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng… gương mẫu thực hành đạo đức; mỗi tổ chức đảng phải là môi trường thực hành và cổ vũ đạo đức trong Đảng và làm rường cột lan tỏa, phát triển đạo đức toàn xã hội của Đảng.

Ba là, Đảng dựa vào nhân dân, trực tiếp là công luận, để xây dựng Đảng về đạo đức, thông qua phê bình, giám sát, kiểm tra một cách công khai, minh bạch, ở mọi nơi, mọi lúc và đối với mọi đảng viên.

Bốn là, gắn chặt việc xây dựng Đảng về đạo đức với chống những thứ phi đạo đức, vô đạo đức trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, các thành viên của hệ thống chính trị và xã hội, bằng giáo dục, kỷ luật, pháp luật và sức mạnh dư luận.

Không nghiêm cẩn về đạo đức sẽ sa vào hủ bại, thoái hóa… nghĩa là chuốc lấy cái chết về đạo lý và nhất định dẫn tới cái chết về pháp lý và chính trị. Sự thất bại về pháp lý có thể còn sửa chữa được, nhưng cái chết về đạo lý, về chính trị rất khó tìm được chốn nương thân.

Năm nhân tố cơ bản về đạo đức của đảng viên

Hơn bao giờ hết, hiện nay, đạo đức càng phải được đặt ở vị trí ngang hàng với chính trị, tư tưởng và tổ chức, càng chứng tỏ vị trí, vai trò quan trọng của đạo đức trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Đó là linh hồn, là cốt tủy của xây dựng Đảng về văn hóa, là nền tảng tinh thần đạo đức của Đảng. Đạo đức sẽ được thể hiện trong văn hóa chính trị, văn hóa hành xử trong Đảng, giữa cấp trên với cấp dưới, giữa đảng viên với đảng viên, đảng viên với nhân dân. Đạo đức cùng với năng lực hành động tạo nên nhân cách của mỗi người, trí tuệ của mỗi đảng viên và danh dự của toàn Đảng.

Đó chính là sự biểu hiện vị thế quan trọng của đạo đức trong mối quan hệ với chính trị, tư tưởng và tổ chức trong chỉnh thể công tác xây dựng Đảng; là đặc trưng bản chất của một chính đảng cách mạng, một đảng chân chính.

Đảng lãnh đạo, cầm quyền để nhân dân là chủ và làm chủ. Đảng vững mạnh nhờ cội nguồn sức mạnh của lòng dân, chế độ bền vững do Đảng lãnh đạo cũng từ sự bền vững của khí phách, bản lĩnh dân tộc. Đó là mục tiêu bất biến của Đảng.

Kế thừa những nhân tố đạo đức qua 92 năm phát triển của Đảng, trên nền móng đạo đức dân tộc truyền thống và đạo lý loài người, hiện nay, có thể khái quát hệ tiêu chí đạo đức của đảng viên gồm 5 nhân tố, với 5 cặp chữ “T” thiết thực, gần gũi, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ giám sát và tự thân dễ soát xét và tự sửa mình:

Một là: Trung thành và Tiên phong.

Mỗi đảng viên, bất luận, phải tuân thủ tuyệt đối và thực thi sáng tạo đường lối chính trị và những quyết sách của Đảng thật nghiêm cẩn, chủ động và triệt để; tuân thủ vô điều kiện Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước; giữ vững dũng khí trước mọi cám dỗ, trước mọi kẻ thù dù ngoại xâm hay nội xâm. Đây là tiêu chí hàng đầu bất di bất dịch.

Đi trước, làm trước, hy sinh trước với vị thế là người dẫn đường. Phải vừa là gương soi và vừa phải nêu gương. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân, dân tộc và Tổ quốc, do đó phải biết và cần hy sinh, vì lợi ích thiêng liêng đó.

Hai là: Trung trực và Trách nhiệm.

Chính trị là “chính giả chính dã”, nghĩa là chính trị là sự ngay thẳng. Do đó, phải trung thực và thẳng thắn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ việc gì và với bất cứ ai… Không giả dối, lươn lẹo, lựa theo ý người khác, xu thời nịnh thế, cơ hội, a dua chính trị và thực dụng chính trị. Người không chính trực, ngay cả những tài năng vượt trội nhất, không bao giờ có thể nhận được sự tôn trọng và thu phục được lòng yêu mến của cộng đồng và quốc gia.

Trách nhiệm gồm 3 bình diện: Trách nhiệm với tổ chức, trách nhiệm với gia đình, trách nhiệm với chính mình và phải làm gương. Đối với tổ chức, quyền hạn được giao tới đâu phải chịu trách nhiệm và chịu sự giám sát, kiểm soát trách nhiệm tới đó, chức vụ càng cao phải chịu trách nhiệm càng lớn. Đối với gia đình, chịu trách nhiệm về vợ (chồng), con, cháu trong đời sống và liên quan tới công việc tổ chức giao cho mình. Đối với bản thân, nghiêm cẩn chịu trách nhiệm về toàn bộ đời sống và công việc của mình trước tổ chức, trước đồng chí và nhân dân, trước pháp luật và Điều lệ Đảng. Đó là thước đo liêm sỉ.

Ba là: Tín nghĩa và Tự trọng.

Đó là lòng tin: tin mình, tin đồng chí, tin nhân dân và tin bạn bè quốc tế. Không trung thành, trung trực thì rất khó có tín nghĩa, nếu không nói là phụ người, phụ đồng chí mình. Thiếu đức này, mới có đức một nửa, “đi bằng một chân”. Không giữ chính tín thì như cỗ xe không có bánh, không thể vận động. Đảng không giữ chính tín nhất định Đảng không có chỗ đứng. Quốc gia không giữ chính tín thì đất nước không thể hùng mạnh.

Trọng người chính là tự trọng chính mình, là thước đo liêm sỉ. Tự trọng cũng chính là tôn trọng đồng chí, tôn trọng nhân dân. Đó là cái gốc rễ của nhân cách, là linh hồn sống và danh dự cá nhân. Không trọng nhân dân là vô đạo lý, sẽ mất cơ sở xã hội - chính trị và cầm chắc thất bại. Đó là sự suy thoái nhân tính.

Nâng cao lòng tự trọng chính là con đường ngắn nhất tôn trọng và tin cậy người khác và giá trị của mình, theo đó, không cầu cũng tự tới.

Bốn là: Trong sạch và Tình thương.

Đó là sự trong sáng về phẩm hạnh, sạch sẽ về lối sống, tiết chế về hưởng thụ. Nó đối lập mọi thứ hủ bại về tư tưởng, thoái bộ về hành xử và tầm thường về cuộc sống vật chất. Người xưa nói: Muốn ướp mặn được người khác thì tự mình phải là muối; muốn rửa sạch vết nhơ thì nước phải tự trong. Trái thế, không hấp dẫn được ai, không lãnh đạo được gì; nếu không nói là hành động tự bôi đen mình, tự cô lập mình.

Đảng là một tổ chức tự giác nên không thể thiếu yêu thương. “Phải có tình đồng chí thương yêu nhau”. Đó là chất keo làm cho Đảng thống nhất bền chặt, mẫu mực về tình người, xứng đáng là tấm gương đạo lý. Đó là thước đo nhân tính.

Không có yêu thương không chỉ vạn sự khó toàn mà còn biến mình thành hoang dã.

Năm là: Tiết kiệm và Tề gia.

Cổ nhân nói: Tri túc, tri chỉ, nghĩa là biết đủ, biết dừng. Do vậy, phải tiết chế từ lời nói tới tiêu dùng. Nghĩa là, nói ít làm nhiều, nói đâu làm đó, không nói suông, càng không được hứa suông, không “kiêu ngạo cộng sản”; tự khắc chế để “ít ham muốn về vật chất”.

Người xưa nói: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Hiếu thảo là nguồn gốc của đạo đức. Việc riêng không chu toàn tất việc chung khó đạt. Không là người chồng (vợ), anh (em)… tốt trong gia đình khó là người đồng chí tốt, cán bộ tốt; càng khó nêu gương đối với bất cứ ai, càng không dẫn dắt được ai. Không tề gia, trong thì tất “nhà dột từ nóc dột xuống”, “quả bí thối từ ruột thối ra” hoặc bị gia đình (chồng, vợ, con…) chi phối làm hại việc chung, ngoài thì “thượng bất chính hạ tắc loạn”. Đều là “vạ trong tường vách”, họa do tự mình gieo…

Có thể nói, tổng hòa 5 nhân tố đó hợp thành chỉnh thể hữu cơ của đạo đức đảng viên. Đây là sự định hướng, định tính và định lượng về đạo đức của mỗi đảng viên, dù ở bất cứ cương vị nào, ở bất cứ đâu; là yêu cầu phát triển và thước đo trưởng thành về chính trị, tư tưởng và hành động của Đảng.

Bốn giải pháp chủ yếu xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị về đạo đức

Một là, xây dựng Đảng về đạo đức là một bộ phận hữu cơ tự nhiên hợp thành nội dung chỉnh thể và phù hợp của công tác xây dựng Đảng, là bảo đảm cho xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đạo đức cùng với năng lực tạo nên nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên; đến lượt nó, nhân cách của từng đảng viên, của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy phản ánh diện mạo, hành động đạo đức, tư cách của Đảng. Đó chính là nguồn gốc làm nên đạo lý của Đảng đối với dân tộc và nhân dân.

(còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/135839/xay-dung-chinh-don-dang-ve-dao-duc-va-chuan-muc-dao-duc-cua-dang-vien-hien-nay