Xây dựng Chính phủ điện tử đi liền với cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả công việc

PTĐT - Ngày 12/2, Hội nghị Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Ảnh Chinhphu.vn

Ảnh Chinhphu.vn

Dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ có đồng chí: Hồ Đại Dũng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo Chính quyền điện tử của tỉnh; đại diện lãnh đạo một số địa phương trong tỉnh.

Thủ tướng nêu rõ, hội nghị này nhằm tổng kết, đánh giá một năm triển khai Chính phủ điện tử xem đạt kết quả nào tốt nhất để nhân rộng cách làm đó và bổ sung, hoàn thiện các giải pháp một cách thực chất. Bên cạnh đó sẽ thảo luận về các cản trở, khó khăn trong xây dựng Chính phủ điện tử, nhất là việc đưa toàn dân tham gia xây dựng Chính phủ điện tử hay không, các cấp chính quyền đã hưởng ứng mạnh mẽ chưa. Tại hội nghị, đại diện lãnh đạp các ban, ngành của Trung ương và địa phương đã nhìn lại những mốc phát triển của hệ thống Chính quyền điện tử và dịch vụ công trực tuyến trên quy mô toàn quốc nói chung và tại các địa phương nói riêng. Qua đó, đã thấy được công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử trong năm 2019 có nhiều chuyển biến tích cực...

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong triển khai các nhiệm vụ Chính phủ điện tử vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chưa hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật làm khung thể chế cho triển khai Chính phủ điện tử; chưa hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai. Trên 70% các bộ, ngành, địa phương chưa có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Chưa có nền tảng thanh toán điện tử cho dịch vụ công. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa có ý thức thay đổi thói quen, vẫn ưu tiên thực hiện theo các phương thức truyền thống.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ.

Đối với Phú Thọ, thực hiện Đề án xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh, hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh được quan tâm đầu tư. Trung tâm tích hợp dữ liệu số được nâng cấp đảm bảo triển khai một số hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh. Hệ thống một cửa điện tử được triển khai đồng bộ, thống nhất cho các cơ quan Nhà nước. Hệ thống cung cấp trực tuyến 100% các thủ tục hành chính (TTHC) công mức độ 2, 933 TTHC công mức độ 3 (đạt 52.3%), 83 TTHC công mức độ 4 (đạt 4.65%). Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động ổn định, tính đến tháng 1/2020, Trung tâm đã tiếp nhận 43.628 hồ sơ và thực hiện giải quyết 42.706 hồ sơ, đạt tỷ lệ 96.8% hồ sơ được giải quyết trước hạn và đúng hạn... Đến nay, tỷ lệ văn bản điện tử gửi nhận trên hệ thống dùng chung của tỉnh đạt trên 95% trên tổng số văn bản gửi nhận giữa các cơ quan Nhà nước của tỉnh. 2.835 chữ ký số chuyên dùng đã được cấp cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong các cơ quan Nhà nước của tỉnh. Việc theo dõi, quản lý chữ ký số được thực hiện thường xuyên, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cá nhân, tổ chức; đảm bảo an toàn thông tin trong các giao dịch điện tử.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Xây dựng Chính phủ điện tử là nhiệm vụ quan trọng của cả nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng chí khẳng định: Hội nghị diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tích cực triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (nCoV - tên chính thức vừa được WHO đặt là Covid-19). Theo Thủ tướng, làm tốt Chính phủ điện tử cũng là một giải pháp ngăn ngừa nCoV khi hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học ứng dụng Chính phủ điện tử trong giao dịch, hạn chế tiếp xúc trực tiếp.

Thủ tướng nhấn mạnh: Năm 2020, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ chỉ đạo thực hiện thành công các mục tiêu của Nghị quyết 17, đặc biệt là chỉ tiêu 30% dịch vụ hành chính công trực tuyến mực độ 4. Xây dựng chiến lược phát triển chính phủ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng các giai đoạn tiếp theo. Hoàn thiện thể chế để tạo hành lang pháp lý cho công cuộc xây dựng chính phủ điện tử. Hoàn thành các hệ thống tạo nền tảng chính phủ điện tử. Các ngành, địa phương cần quản lý tốt, tránh tham nhũng tiêu cực trong xây dựng chính phủ điện tử.

Xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền với cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, thay đổi lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả công việc. Phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của đơn vị mình, từng bước xây dựng chính quyền điện tử trong phạm vi của đơn vị. Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp bộ, ngành cần tập trung quan tâm đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, đào tạo cho đội ngũ công chức phù hợp với yêu cầu của Chính phủ điện tử. Đại học Hành chính Quốc gia cần đưa nội dung về chính phủ điện tử vào chương trình học. Đối với các địa phương trong đó có Phú Thọ cần bố trí nguồn ngân sách phục vụ công tác đào tạo kể trên. Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh việc truyền thông về chính phủ điện tử để người dân hiểu, tiếp cận và sử dụng các yếu tố của chính phủ điện tử.Các hệ thống dùng chung sẽ do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý, xây dựng; xây dựng một phần mềm giúp mọi người dân có thể sử dụng điện thoại thông minh để khai thác mọi tiện ích của chính phủ điện tử.

Kết thúc hội nghị, tại điểm cầu Phú Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng để thực hiện tốt những mục tiêu, kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử đã đề ra trong năm 2020 và các giai đoạn tiếp theo.

Trà My

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/thoi-su/tin-noi-bat-trong-tinh/202002/xay-dung-chinh-phu-dien-tu-di-lien-voi-cai-cach-hanh-chinh-tinh-gon-bo-may-nang-cao-hieu-qua-cong-viec-169275